Chuyện thứ nhất
Trước cậu học trò ra dáng thư sinh, thầy Thành nói như quát:
– Chỉ còn một tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp, sao em vẫn chưa chịu học? Tại sao?! Rồi không nén được cơn giận, thầy thẳng tay nện xuống mặt bàn:
– Rầm!
Cậu học trò giật thót người, thay đổi sắc mặt, im lặng cúi nhìn xuống gầm bàn. Bầu không khí đông cứng, nặng nề trôi qua trong Phòng hiệu phó chuyên môn. Thầy hít thật sâu lấy lại bình tĩnh, giọng dịu lại, ôn tồn:
– Tại sao bốn tuần qua em lơ là học tập? Tôi biết kết quả học tập của em ở các lớp dưới đều khá. Nhìn em sáng láng, thông minh… hay em không muốn học nữa? Dù thế nào cũng phải cho tôi biết nguyên nhân!
Cậu học trò vẫn im lặng một cách khó hiểu. Thầy chợt nghĩ, chẳng lẽ “bó tay”? Nghĩ đến kỹ năng “tâm lý sư phạm” của mình, giọng thầy trìu mến:
– Ta có thể xem nhau như hai người đàn ông, có gì khúc mắc em cứ giãi bày, thầy sẵn sàng chia sẻ cùng em.
Nét mặt cậu học trò trở lại bình thường, đượm nét ưu tư, cậu ngước nhìn thầy bằng đôi mắt biết ơn, mấp máy đôi môi:
– Em xin lỗi thầy, em không chịu học vì em muốn trả thù bố!
Thầy không muốn tin vào đôi tai mình, bao năm tiếp xúc với nhiều tình huống sư phạm nhưng đây là tình huống nghiệt ngã, thầy cố gắng lắng nghe giọng kể khô khốc của cậu học trò như tiếng nhánh cây khô vừa rơi ngoài cửa sổ. Cậu học trò chậm rãi:
– Bố em là bác sĩ, đi theo người đàn bà trẻ và hắt hủi mẹ con em. Bố em không còn là động lực cho em học hành, không còn là tấm gương sáng trong em. Nhà trường hãy xỉ vả bố em chứ đừng trách móc em!
Ảnh: I.T |
Chuyện thứ hai
Người đàn ông to lớn đẫy đà, với giọng điệu tự hào:
– Bà xã tôi là phó giám đốc công ty xuất nhập khẩu của quận, tôi là chuyên viên của sở, toàn là dân kinh tế cả. Gia đình đầu tư cho cháu không tiếc điều gì. Cháu được học vi tính từ nhỏ. Cháu có riêng cái laptop, vừa rồi lại được các chú ở cơ quan tặng chiếc iPad nhân sinh nhật. Ồ! Cháu có thể lập trình trò chơi đấy thầy ạ, cháu chơi piano cũng khá. Nhà lúc nào cũng có hai sinh viên để kèm cháu. Riêng tiền học cho cháu hàng tháng gần chục triệu đồng. Không giấu thầy, tương lai tôi sẽ đầu tư cho cháu du học. Họ hàng bên mẹ cháu ở nước ngoài đông lắm!
Thầy Thành thở ra ngán ngẩm. Thầy đã từng tiếp xúc với nhiều phụ huynh thích phô trương cho con mình. Họ cứ ngỡ có tiền là có tất cả.
Thầy Thành đi thẳng vào mục đích cuộc gặp:
– Vấn đề là cháu học có hiệu quả không? Và cháu có toàn tâm toàn ý lo học không? Tôi không nghi ngờ gì về năng lực của sinh viên dạy kèm, nhưng cốt lõi là kinh nghiệm sư phạm. Hầu hết bài làm về nhà của cháu được làm giùm. Bằng chứng môn toán làm bài trong lớp cháu bị điểm kém, môn hóa dưới trung bình, còn môn ngoại ngữ thì cháu không chịu học từ…
Người đàn ông nhảy nhổm lên, nhoài người về phía trước:
– Thế thì chết tôi rồi thầy ơi! Còn gì là mặt mũi để nhìn bạn bè.
Thầy Thành giấu nụ cười ngao ngán. Người đàn ông biết những rào đón của mình không còn tác dụng. Ông đặt thẳng vấn đề:
– Thôi thì thầy cũng nghĩ tình gia đình tôi. Bất quá thầy cứ chỉ đạo nâng điểm cho cháu được lên lớp. Tôi sẽ chuyển cháu sang trường quốc tế, gọi là chiếu cố để cháu làm lại cuộc đời. Chúng tôi sẵn lòng làm mạnh thường quân cho các công trình nhà trường.
Thầy Thành thấy cần chấm dứt câu chuyện. Thầy ngước lên nhìn đồng hồ treo tường và nói với người đàn ông:
– Xin lỗi, tôi đến giờ đi họp ở quận. Anh có thể gặp thầy chủ nhiệm để rõ về cháu hơn. Quyết định cuối cùng bao giờ cũng là của hội đồng giáo viên.
Chuyện thứ ba
Cậu Minh bảo vệ “dẫn độ” cậu học trò vào Phòng giám hiệu:
– Báo cáo thầy, trò này bị bắt quả tang hút thuốc trong nhà vệ sinh có tang chứng đây!
Thầy Thành cầm vỏ hộp thuốc Jet ngắm nghía, bên trong còn hai điếu thuốc được vấn lại ruột, một dúm sợi thuốc vừa vàng, vừa xanh, vừa nâu trộn lẫn. Bất giác thầy đưa lên mũi ngửi. Thầy chợt nhớ khi học ở ĐH Sư phạm Sài Gòn trước giải phóng, thầy đã được làm quen với khói ma túy để nhận diện sự nghiện ngập của học sinh sau này. Đó là bộ môn y tế học đường do một vị bác sĩ giảng dạy. Thầy Thành ra dáng hình sự, đặt những câu hỏi cho cậu học trò:
– Có phải đây là á phiện? Ai cho em hay em tự mua? Ai cùng sử dụng với em? Bao nhiêu lần rồi? Ngoài hút có uống loại viên nén nào không? Tiền đâu em mua? Chìa cánh tay ra, kéo tay áo lên. Tháo túi xách ra để thầy kiểm tra.
Những câu hỏi như cơn mưa xối xả không kịp để cậu học trò trả lời. Thầy Thành với tay nhấn chuông gọi giám thị.
– Gọi điện thoại cho bố em A vào gấp. Chuyện khẩn, gọi luôn văn thư liên lạc với công an khu vực, lấy ý kiến công an phường mang về trường…
Đoạn kết
Thầy Thành nắm tay vào hai song sắt cửa sổ, nhìn ra ngoài sân rợp bóng lá, tìm chút thư giãn. Nắng đã lên cao, cây phượng giữa sân đỏ rực sắc hoa. Lại một mùa thi đang tới. Sân trường im phăng phắc. Những khung cửa sổ trên cao, thỉnh thoảng vọng xuống tiếng thước gõ nhịp. Không gian thật yên ắng. Vậy mà có yên ắng thật đâu! Bốn bức tường của nhà trường vẫn đang chống chọi với nững gì xảy ra ngoài kia, rình rập chui vào từng khung cửa lớp, từng tâm hồn trẻ thơ học trò. Đôi lúc, thầy cảm giác mình cùng đồng nghiệp đang vùng vẫy chiến đấu. Cái xấu và cái ác sao mà dữ dội. Chúng ập đến như cơn lũ ngầm bất ngờ. Hôm trước, một nhóm học trò trèo tường trốn học, chỉ mới lớp 7 mà đã tụ tập uống bia. Cô giáo chủ nhiệm bắt gặp lá thư tỏ tình của một cậu học trò lớp 6 gửi cho cô bé cùng lớp. Giám thị kiểm tra cặp khối lớp 8 bắt gặp đĩa phim người lớn…
Cái phức tạp hỗn độn ngoài kia đang ngày đêm áp sát bờ tường trường học. Cầu trời chỉ mới là nhen nhóm và được kịp thời ngăn chặn từ những gia đình giàu tiền lắm của nhưng nghèo kiến thức dạy con. Từ những gia đình nát tan hạnh phúc, cách nghĩ vô trách nhiệm của người lớn tạo nên những tấm gương nát vụn méo mó. May thay, những đứa học trò của thầy ngoan hiền biết bao! Chúng biết chịu đựng ẩn núp khi giông bão và cũng dũng cảm sải cánh, dang cánh giữa trời xanh mây trắng.
Năm học rồi cũng đi qua. Cậu học trò có ý tưởng trả thù bố rồi cũng đỗ vào lớp 10, khi bố ăn năn quay về với mẹ. Chàng trai tập tành hút xách giờ cũng là học sinh xuất sắc của khối. Riêng tài năng piano chuẩn bị đi du học đã thi hỏng tốt nghiệp khi sang trường quốc tế…
Ngôi trường qua bao vất vả, cuối cùng cũng đã đưa hết học trò của mình sang bến bờ mới. Nụ cười và nước mắt vui buồn đã vỡ tung, xen kẽ, quyện lẫn vào nhau. Nỗi lo toan về thế hệ trẻ bao giờ cũng canh cánh với người thầy. Họ vẫn phải vật lộn hằng ngày giữa cái xấu và cái tốt, để bảo vệ điều tốt đẹp của thiên chức làm thầy. Ôi! Những “mái trường không yên tĩnh”, đau đáu với những nỗi lo toan, rơm rớm nước mắt buồn tủi giữa nghiệt ngã xã hội và lặng lẽ đứng lại giữa dòng đời, quay cuồng trong cõi nhân sinh vô tận!
Tháng 9, 2012
Trần Lung
LTS: Thầy Trần Lung – Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (Q.5, TP.HCM) – được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và Huân chương Lao động hạng ba. Bao nhiêu năm gắn bó cùng ngôi trường này, bao câu chuyện có thật về “mái trường không yên tĩnh” như những kỉ niệm được ghi lại trước khi thầy nghỉ hưu trở về với gia đình vui thú điền viên. |
Bình luận (0)