Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Malaysia: Cấm dạy bằng tiếng Anh hai môn học

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên tham dự một buổi học tại một trường học ở Putrajaya, Malaysia

“Tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ của khoa học từ 300 năm qua”, ông Han nói. “Thực tế, ta không thể truyền tải những khái niệm khoa học đến các sinh viên ở trình độ cao bằng tiếng Bahasa của Malaysia. Ta phải đối mặt với một sự thật là các kiến thức khoa học đều bằng tiếng Anh”.
Một thông báo vào thứ tư tuần trước, được đưa ra sau những tháng vận động hành lang của những người Malaysia theo chủ nghĩa dân tộc, đã làm dấy lên mối lo ngại về trình độ tiếng Anh tại Malaysia – vốn là thuộc địa của Anh trước đây – sẽ tuột dốc và sức cạnh tranh của Malaysia trong vai trò là điểm đến cho các công ty đa quốc gia?
Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng để dạy toán và khoa học tại Malaysia từ năm 2003, khi cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đưa ra chính sách này giữa lúc có các mối lo ngại về tình trạng kỹ năng tiếng Anh kém gây trở ngại đến các cơ hội việc làm của sinh viên.
Theo hãng thông tấn quốc gia Bernama của nước này, ông Mahathir tỏ ra không vui trước quyết định sử dụng trở lại tiếng Bahasa của Malaysia. Đây là một quyết định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và khiến chúng khó theo kịp với những phát triển khoa học.
Chính phủ đã viện dẫn tình trạng giảm sút về điểm số môn toán và khoa học của các học sinh, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, như là một trong những lý do để phải thay đổi.
Tuy nhiên, Khoo Key Kim – giáo sư sử học tại Đại học Malaysia – nói rằng các giáo viên đã không được đào tạo thỏa đáng trước khi chính sách được đưa ra. Ông ấy mô tả trình độ tiếng Anh của Malaysia là “thảm bại”, “càng ngày càng ít các giáo sư của chúng ta hiện nay có thể viết bằng tiếng Anh”. Ông cho rằng: “Chúng ta đã từng đứng đầu châu Á về lĩnh vực tiếng Anh và bây giờ chúng ta đang tự cho phép mình trượt dốc hơn so với các quốc gia châu Á khác”. Ông Khoo còn nói “đó là một sự xấu hổ của đất nước” khi mà trường đại học lâu đời nhất của quốc gia – Đại học Malaysia – đã đứng sau các trường đại học khác của châu Á trên bảng xếp hạng quốc tế, một khuynh hướng được cho là do sự giảm sút về trình độ tiếng Anh.
Vị giáo sư này cũng đã làm dấy lên những mối lo về việc trình độ tiếng Anh kém sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh quốc tế của Malaysia, khi mà các công ty đa quốc gia có thể sẽ phải vất vả mới tìm ra những sinh viên tốt nghiệp có trình độ tiếng Anh tốt. Ông nhấn mạnh: “Nếu ngày càng ít người Malaysia biết tiếng Anh, làm thế nào để các công ty đa quốc gia sẽ đầu tư vào đất nước này đây? Nếu chúng ta không có một lực lượng lao động phù hợp với các công ty này thì làm sao họ có thể đến đây?”.
Còn cộng đồng doanh nghiệp của Malaysia từ lâu đã lo ngại về chuyện suy giảm trình độ tiếng Anh tại các trường học, “Cộng đồng doanh nghiệp cảm thấy tiếng Anh là bắt buộc đối với sức cạnh tranh quốc tế của Malaysia”, ông Michael Yeoh – giám đốc điều hành Học viện Lãnh đạo và Chiến lược châu Á, một tổ chức nghiên cứu độc lập, cho biết. Đồng thời, ông Yeoh còn cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện trình độ tiếng Anh, nhưng việc dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh có phải là phương pháp tốt nhất hay không vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp! Ông nói: “Chúng ta thực sự không biết chắc chuyện này có thể gây cản trở việc học tiếng Anh như thế nào”.
Phòng Thương mại Quốc tế Malaysia hoan nghênh quyết định của Chính phủ tăng số lượng giáo viên và giờ dạy tiếng Anh. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Quốc tế, Stewart Forbes, cho rằng nhu cầu tăng cường tiếng Anh phải tiếp tục là một phần trong chính sách của Chính phủ. Ông nói: “Các công ty tư nhân ở Malaysia vẫn đang than phiền về những kỹ năng giao tiếp nói chung và kỹ năng tiếng Anh nói riêng của các sinh viên tốt nghiệp. Do vậy nỗ lực của Chính phủ nhằm nâng cao mức độ thành thạo tiếng Anh là rất đáng giá”.
Theo giới truyền thông địa phương, một số các nhà giáo dục của hai cộng đồng thiểu số lớn nhất Malaysia, người Hoa và người Ấn, thì lại hứng khởi trước quyết định sử dụng trở lại tiếng Trung Quốc và tiếng Tamil đối với môn toán và khoa học ở các trường học dạy bằng ngôn ngữ bản địa.
Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh và Liên đoàn Giáo chức Quốc gia bày tỏ mối lo ngại đối với quyết định loại bỏ tiếng Anh. Shazlin Aidani – bà mẹ của ba đứa trẻ – nói rằng bà muốn con của mình được học toán và khoa học bằng tiếng Anh. Theo bà: “Khi chúng tốt nghiệp và đi làm, mọi thứ đều phải bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Bahasa!”.
Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)