Đó là kết quả được trang Global Petrol Prices đưa ra khi lấy giá xăng RON 95 để so sánh.
Giá xăng VN đứng 66/168 quốc gia
Trên trang Global Petrol Prices lấy giá xăng RON 95 để đưa giá xăng trung bình của các nước. Theo đó, mức giá trung bình trên thế giới tính đến ngày 18.7 là 33.632 đồng một lít xăng RON 95. Giá xăng trung bình của Việt Nam vẫn đang ở mức 30.307 đồng/lít, tương đương giá xăng RON 95 của Petrolimex tại các thị trường thuộc vùng 2, xa các cảng, kho xăng dầu. Cũng theo trang này, giá xăng của Việt Nam đang đứng vị trí 66/168 quốc gia.
Các loại thuế phí đang chiếm hơn 30% giá thành xăng dầu bán lẻ. Ảnh: Độc Lập
Hiện tại, cũng theo trang này, một số nước và vùng lãnh thổ tại châu Á đang có giá xăng thấp hơn giá xăng của Việt Nam. Cụ thể, xăng RON 95 tại Malaysia 10.787 đồng/lít, Đài Loan giá 24.327 đồng/lít, tại Myanmar 24.536 đồng/lít, tại Nhật Bản 28.348 đồng/lít, Indonesia 28.793 đồng/lít, Thái Lan 29.462 đồng/lít…
Cũng trên trang này, 10 quốc gia có giá xăng rẻ nhất thế giới gồm Venezuela 520 đồng/lít, Libya 716 đồng/lít, Iran 1.251 đồng/lít, Syria 6.694 đồng/lít, Algeria 7.379 đồng/lít, Kuwait 7.998 đồng/lít, Angola 8.712 đồng/lít, Nigeria 9.757 đồng/lít, Turkmennistan 10.026 đồng/lít, Kazakhstan 10.116 đồng/lít. Ngoài ra, các nước như Ai Cập (13.311 đồng/lít), Colombia (13.536 đồng/lít), Nga (21.386 đồng/lít), Bangladesh (22.182 đồng/lít), Argentina (23.199 đồng/lít), Pakistan, Brazil, Mexico, Cu Ba, Mỹ… đều đang có giá xăng thấp hơn giá xăng tại Việt Nam.
Cao thấp là do thuế, phí
Theo Global Petrol Prices, giá xăng trung bình của thế giới ở mức hơn 33.000 đồng/lít. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể về giá giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Song một ngoại lệ đáng chú ý là Mỹ – quốc gia có nền kinh tế tiên tiến – nhưng lại có giá khí đốt thấp.
Ngoài ra, cũng theo các nhà phân tích trên trang này, sở dĩ có sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. "Tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.
Hiện tại, xăng Việt Nam còn gánh thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), trích lập Quỹ bình ổn giá, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, vận chuyển… Ước tỷ trọng thuế trong cơ cấu tính giá xăng dầu chiếm khoảng 30%.
Sau khi giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ ngày 11.7 vừa qua, mới đây, Bộ Tài chính cũng trình đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 20% về 10%. Tuy nhiên, đa số các ý kiến cho rằng, việc giảm thuế này không khiến giá trong nước giảm, bởi đa số các nhà nhập khẩu xăng dầu đều chọn thị trường Việt Nam có ký kết Hiệp định tự do thương mại để hưởng thuế ưu đãi từ 8 – 10% như từ Hàn Quốc, Asean…
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, nhập khẩu xăng dầu đạt 717.000 m3, tương đương 812 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 9% giá trị so với tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đi xuống. Đặc biệt, hiện nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 6 tháng đầu năm. Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc 1,9 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2 tỉ USD, tăng hơn 2 lần về lượng và tăng 3,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.063 USD/m3, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.
Theo Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)