Một khu trung tâm mua sắm ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia tuy đã đại hạ giá nhưng vẫn vắng khách – Ảnh: AFP |
Khác với chuyến bay đi còn tới gần một nửa ghế trống, chuyến bay từ Kuala Lumpur về TP.HCM của Vietnam Airlines vào ngày 16-4 kín chỗ. Hơn một phần ba hành khách là những người lao động Việt Nam từ Malaysia trở về nước.
Ồn ào, ngơ ngác, những người công nhân nguồn gốc từ nông dân này, ngoại trừ bộ đồ quần áo mới sắm để mặc về quê cho oai, trông không khác gì nhiều với những người mới ra đi làm việc ở nước ngoài lần đầu tiên. Họ cũng không giấu giếm chuyện trở về vì không có việc làm
“Đa số chúng em hết hợp đồng rồi. Một số người phải về vì nhà máy đóng cửa”, anh Đinh Tiến Quân, quê ở Phú Thọ, kể. Trước đó, anh đã làm việc trong một nhà máy nhựa ở Malaysia được hai năm rưỡi, với mức lương khoảng hai triệu đồng Việt Nam. Dù nghe có vẻ cao hơn lương ở Việt Nam, nhưng sau hơn hai năm làm việc, anh Quân chỉ đủ dành dụm để trả món nợ 24 triệu đồng dùng để lo lót đi lao động xuất khẩu. “Làm việc ở Malaysia lương thấp lắm. Có lẽ về nhà kiếm việc còn đỡ hơn”.
Malaysia là quốc gia sử dụng nhiều lao động xuất khẩu từ Việt Nam nhất hiện nay. Theo cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng hơn 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 30 nhóm ngành nghề. Riêng ở Malaysia, số lao động Việt Nam lên tới 115.000 người.
Malaysia đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế hiện nay. Tuần trước, một loạt dự báo mới đưa ra đều dự đoán nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng âm trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 1998. Ngân hàng Thế giới cho rằng, nền kinh tế đứng hàng thứ ba của Đông Nam Á sẽ tăng trưởng âm 1%.
Nhưng viện Nghiên cứu kinh tế Malaysia hôm thứ tư tuần trước đã nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế sẽ bị giảm 2,2% trong năm nay, trong khi xuất khẩu giảm 24%. Các công ty có thể sẽ phải cắt tới 200.000 việc làm. Như vậy, có thể rất nhiều trong số hơn 100.000 lao động Việt Nam tại nước này sẽ phải khăn gói về nước, gia nhập đội quân thất nghiệp đang lớn dần ở Việt Nam.
Những dấu hiệu của sụt giảm kinh tế nhìn thấy rõ nhất từ hoạt động bán lẻ. Các khu mua sắm lớn ở khu trung tâm Kuala Lumpur và dọc đại lộ Bukit Bintang khá vắng vẻ, hầu như không có người mua sắm. Đứng nhìn những hàng ghế của chiếc roller coaster gần như trống rỗng đang nhào lộn trong Berjaya Times Square, một trong những khu mua sắm lớn nhất ở Kuala Lumpur, một thanh niên Malaysia cho rằng, mọi người đều cắt giảm chi tiêu vào mua sắm và các dịch vụ giải trí vì e ngại tình hình kinh tế có thể xấu hơn. Lĩnh vực dịch vụ cũng bị thiệt hại theo ngành xuất khẩu, vì người tiêu dùng ít mua sắm hơn.
Giống như Đài Loan, lĩnh vực công nghiệp điện tử của Malaysia phát triển rất mạnh. Đây cũng là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì khi kinh tế khó khăn, điện tử gia dụng, các mặt hàng IT… là một trong những khoản chi tiêu mà người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu cắt giảm đầu tiên. Mới đây hãng Intel, vốn đã đầu tư 3,6 tỉ USD vào Malaysia và tuyển dụng khoảng 10.000 lao động, đã tuyên bố đóng cửa một nhà máy ở nước này.
Một trong những lĩnh vực bị suy giảm thấy rõ nhất là thị trường địa ốc. Giao dịch sụt giảm, giá địa ốc giảm mạnh, khiến cho một số dự án phải đình hoãn, hoặc thi công cầm chừng. Ông Vinod Sekhar, một doanh nhân nằm trong số những người giàu nhất Malaysia cho biết, việc cắt giảm lao động khiến cho giới lao động nước ngoài, không chỉ những người lao động tay chân Việt Nam, mà giới quản lý cao cấp, bắt đầu rời khỏi Malaysia, làm ảnh hưởng dây chuyền tới những ngành dịch vụ khác.
Theo cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc bộ Lao động thương binh và xã hội, số lao động Việt Nam phải về nước do khủng hoảng kinh tế trong ba tháng đầu năm nay là 6.000 người. Cơ quan này dự đoán, tổng số lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước trong năm này là 10.000 người.
Trên thực tế, chưa tính đến những lao động đang làm việc ở các thị trường lớn khác như: Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật, chỉ riêng tỷ lệ lao động Việt Nam ở Malaysia mất việc năm nay có thể cao hơn dự tính này rất nhiều. Bài toán cho nền kinh tế Việt Nam, như vậy không thể loại trừ con số thất nghiệp từ lao động xuất khẩu. Những người như anh Đinh Tiến Quân, khi về nước, sẽ lại đối phó với những gian nan mới, tìm việc trên chính quê hương mình.
Theo LAN ANH – Sài Gòn tiếp thị
Bình luận (0)