Chiều 9/4, một sinh viên 21 tuổi ngụ tại quận 5, TP HCM, được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Căn cứ việc bệnh nhân này không tiếp xúc với các ca bệnh trước đó, các bác sĩ nghi phẩy khuẩn tả đã lan trong cộng đồng.
Nên rửa rau sống bằng nước có pha thuốc khử khuẩn. Ảnh: Thiên Chương. |
Ngày 6/7, phụ nữ bị mắc tả đầu tiên tại TP HCM trong năm 2010 sống tại phường 6, quận 8. Ba ngày sau, cậu con trai 25 tháng tuổi của chị cũng lây bệnh do tiếp xúc với mẹ. Một người bạn từng tiếp xúc với bệnh nhân này cũng dương tính. Riêng một sinh viên sống ở quận 5 và không tiếp xúc với các bệnh nhân trên, cũng nhiễm bệnh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, hiện tượng cho thấy mầm bệnh tả có thể đã "lưu hành" trong cộng đồng.
Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, nam sinh viên nhập viện lúc 14h ngày 7/4 trong tình trạng trụy mạch do mất nước. Trước đó, anh này đã bị tiêu chảy và uống thuốc nhưng không khỏi. Nghi ngờ bệnh tả, các bác sĩ lấy mẫu phân xét nghiệm và nhận kết quả dương tính phẩy khuẩn tả.
Bệnh nhân cho hay, trước khi bị tiêu chảy, anh có ăn uống nhiều món ở một quán ăn ở Bình Thạnh và một số nơi khác nên không thể xác định chính xác mình đau bụng vì loại thức ăn cụ thể nào. Sau hai ngày điều trị, chiều 9/4, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định.
Việc điều tra dịch tễ đang được Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM và các quận tiến hành khẩn trương, tuy nhiên do các bệnh nhân thường đã dùng nhiều món ăn trước khi sinh bệnh nên khoanh vùng thức ăn hoặc nguồn nước nào có chứa mầm bệnh là không dễ.
"Cho đến nay, chúng tôi chỉ tạm nghi phẩy khuẩn tả khởi phát từ thức ăn do có hai người bệnh cùng dùng chung một món ăn. Tuy nhiên đây lại là hàng rong nên không còn mẫu để xét nghiệm", một bác sĩ nói.
Khẳng định số ca mắc tiêu chảy nhập viện nhiều hơn vào những ngày gần đây và nghi ngại số ca mắc phẩy khuẩn tả sẽ còn gia tăng, bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho rằng, người dân phải cảnh giác trước căn bệnh dễ lây lan này.
Theo ông Chính, dù các khuyến cáo trước đây vẫn cho rằng, mầm bệnh thường có nhiều trong các loại thức ăn như mắm tôm, thức ăn hàng rong, tuy nhiên, ông cho rằng nguồn nước mới chính là môi trường thuận lợi để phẩy khuẩn tả lưu hành ra môi trường. Chính vì thế người dân cần thực hiện việc ăn chín uống sôi và hạn chế rửa sau để ăn sống bằng nước chưa được diệt khuẩn.
Còn đại diện Sở Y tế TP HCM thì cho rằng, hiện cơ quan này đã chuẩn bị một lượng chất khử khuẩn cần thiết để làm sạch nước sinh hoạt. Tuy nhiên người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Việc ăn chín uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sẽ góp phần làm giảm khả năng bị nhiễm bệnh.
Thiên Chương (VnExpress)
Bình luận (0)