Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7 nên có những món này

Tạp Chí Giáo Dục

Cúng rằm tháng 7 là việc các gia đình thường làm mâm cỗ thắp hương để tưởng nhớ đến những người thân thiết. Xin giới thiệu cách làm mâm cơm cúng rằm tháng 7 để bạn đọc tham khảo.

Trong ngày rằm tháng 7, các gia đình thường lên chùa làm lễ Vu Lan, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên… vào ban ngày, sau đó về nhà làm một mâm cơm chay thắp hương lên bàn thờ Phật.

Mâm cỗ cúng rằm tháng 7. Ảnh: Kim Son Nguyen.

Vào ngày này, sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh – Kinh Vu Lan – để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.

Theo tục lệ của người Việt, lễ cúng thần linh thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Lễ đầy đủ phải có thêm rượu, trái cây và bình hoa.

Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.

Bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có ba bát hương. Bát hương ở giữa là thờ Phật, bát hương bên phải là thờ thần linh thổ công, bát hương bên trái thờ gia tiên.

Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất, sau đó là lễ thần linh và cuối cùng là mâm lễ gia tiên.

Sau khi cúi đầu lạy Phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện, bạn có thể tụng kinh niệm Phật. Nếu chưa biết tụng kinh niệm Phật thì đọc bài kinh Vu lan được bán rất nhiều hiện nay tại các chùa.

Tiếp đến là lễ cúng tạ ơn các thần linh và dâng mâm cơm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát, cầu bình an cho gia đình.

Mâm cúng chúng sinh gồm những gì?

Lễ cúng chúng sinh (cô hồn) được tổ chức vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 (âm lịch), bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất. Mọi việc cúng phải được hoàn tất vào ngày 15/7.

Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có:

· Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong)

· Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ)

· Hoa quả (5 loại 5 mầu)

· 12 cục đường thẻ

· Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng…)

· Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo

· Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã)

· Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ…..

Ngoài ra, vào dịp lễ Vu Lan, rằm tháng 7, mỗi gia đình có thể phóng sinh chim, cá, tôm, cua… Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, việc phóng sinh không bắt buộc phải thực hiện trong ngày rằm tháng 7. mà có thể thực hiện quanh năm, miễn là khi phóng sinh có suy nghĩ vô tư, trong sáng, thành tâm làm phúc.

Mâm cơm cúng rằm tháng 7

Gà luộc:

– Chọn gà trống từ 1,3 đến 1,5 kg/ con.

– Luộc chín và để cả con cúng, không chặt. Để có được hình gà đẹp, bạn nên bẻ gập chân gà, nhét phần bàn chân vào bụng. Dùng lạt/ chỉ buộc cổ gà và 2 cánh lại với nhau để tạo tư thế gà gáy.

– Để gà có lớp da căng bóng hấp dẫn, chuẩn bị chút mỡ gà sống, hấp hoặc cho vào chảo đun lửa nhỏ để mỡ gà chảy ra. Sau khi để gà ráo nước, thoa mỡ lên mình gà rồi bày lên mâm cúng. Cũng có thể dùng nghệ tươi đập dập cho vào nước luộc gà để có được màu vàng đẹp mắt.

– Khi bày ra đĩa, cắm thêm bông hoa hồng vào mỏ gà cho đẹp.

Xôi vò hạt sen

– Cho 0,2 kg hạt sen vào ninh nhỏ lửa đến khi hạt sen chín bở thì vớt ra, đừng ninh quá lâu, hạt sen dễ bị nát.

-Đậu xanh 0.8 kg,ngâm nở rồi đem đồ chín. Nếu các bạn nấu đậu xanh bằng nồi cơm điện thì không cần phải ngâm từ trước. Hạt đậu xanh khi chín phải khô, bở, không bị nát hoặc còn ướt. Sau đó, cho đậu xanh vào cối giã thật nhuyễn.

-Ngâm nở 0.5 kg gạo nếp, đãi sạch, xóc qua với chút muối rồi để thật ráo nước. Sau đó trộn gạo thật đều với khoảng 1 thìa canh dầu ăn.

– Tiếp đó là trộn gạo với 1/2 số đậu xanh đã giã.

Thịt ba chỉ xào nấm

– Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng mỏng vừa ăn, ướp với 1 ít gia vị, dầu ăn cho ngấm.

– Nấm mèo ngâm nở, rửa sạch, cắt sợi. Nấm đông cô, nấm rơm, nấm bào ngư rửa sạch, cắt mỏng. Hành tây bóc vỏ, cắt múi cau. Hành lá cắt khúc.

– Gừng, hành củ, tỏi bằm nhuyễn, phi thơm, sau đó cho thịt vào xào sơ. Cho tiếp dầu hào vào và đảo đều, thêm các loại nấm vào xào đến khi nấm chín, thêm hành tây, hành lá đảo đều rồi tắt bếp.

Canh bí ngòi nấu nấm

– 200g sườn non rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, để ráo.

– 1 trái bí ngòi cắt miếng vừa ăn. Cà rốt tỉa hoa, cắt lát mỏng. Nấm đông cô cắt 4. Đậu hũ non cắt khối vuông. Hành ngò cắt nhỏ.

– Nấu sườn non với 1,5 lít nước khoảng 10 phút, sau đó cho cà rốt, nấm đông cô, bí ngòi vào nấu, nêm hạt nêm. Cuối cùng cho đậu hũ, hành ngò, tiêu rồi tắt bếp.

Nem rán

+Nguyên liệu làm nem rán:

– 500g thịt sấn vai xay

– 1 củ hành tây

– 1 củ đậu, 1 củ cà rốt

– Hành tươi, rau mùi

– 10 tai mộc nhĩ, 10 cái nấm hương, 1 quả trứng gà

– 30g miến khô

– Gia vị, hạt tiêu

– Bánh đa nem

+Cách làm nem rán:

1. Chuẩn bị nguyên liệu làm nhân nem: Thịt lợn sấn mua về băm nhỏ, hành tây thái nhỏ, cà rốt thái sợi hoặc thái hạt lựu thật bé. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nước nóng, bỏ chân, rửa sạch lại rồi thái sợi bé.

Miến ngâm nước ấm cho mềm ra rồi dùng kéo cắt nhỏ. Tất cả những nguyên liệu này được dùng để trộn với nhau làm nhân nem. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ phần lá hành.

Phần củ còn lại bạn đập dập, bằm nhỏ. Cho hành lá vào trộn cùng nguyên liệu làm nem sẽ giúp món nem ngon hơn. Hành tây lột vỏ, thái mỏng rồi bằm nhỏ. Củ đậu và cà rốt bào sợi. Rau mùi thái nhỏ. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, bằm nhỏ. Miến ngâm nở, cắt ngắn.

2. Trộn nhân nem: Trộn đều các loại nguyên liệu đã băm với gia vị, hạt tiêu vừa khẩu vị, ta đã có nhân nem. Để món nem rán ngon, nên ướp nhân nem trong vòng 5-7 phút cho ngấm đều.

Đập trứng vào, trộn đều. Nhớ cho một quả trứng trước, sau khi đảo đều nhân nem, nếu thấy nhân khô có thể cho thêm quả nữa, tuy nhiên không nên cho trứng quá nhiều khiến nhân bị ướt, khó quấn thành nem.

3. Gói nem: Pha 1 thìa giấm, 1 thìa đường với chút nước lọc dùng để nhúng bánh đa nem trước khi gói. Công đoạn này sẽ giúp bánh đa mềm ra, khi rán nem giúp nem giòn và vàng hơn.

Trải bánh đa nem ra mặt phẳng, múc 1 thìa nhân nem vào khoảng 1/3 diện tích tấm bánh đa nem. Gấp 2 mép bánh lại và cuộn kín. Quá trình này bạn không cần cuộn quá chặt tay vì nhân có độ nở, nếu cuộn chặt tay khi rán nem dễ bị bục.

4. Rán nem: Làm nóng dầu trong chảo, cho nem vào rán ngập dầu hoặc rán bằng chiều cao nửa miếng nem rồi tiến hành lật. Rán đến khi nem vàng, giòn là được.

5. Pha nước chấm nem: Trong khi đợi nem rán chín, có thể tranh thủ pha nước chấm nem. Người miền Bắc quen ăn nem với nước chấm chua ngọt, món nem có ngon hay không phụ thuộc phần nhiều vào nước chấm. Chính vì vậy,  cần khéo léo khi pha. Cách pha nước chấm nem như sau, đầu tiên đập dập tỏi, ớt cho vào bát nhỏ. Thêm lần lượt dấm, nước mắm, đường và nước ấm theo tỉ lệ vàng: 1 chua – 1 ngọt – 1 mắm – 4 nước. tùy thuộc vào khẩu vị ăn của gia đình bạn có thể điều chỉnh độ mặn, ngọt của nước chấm nem rán cho phù hợp.

Đĩa giò lụa

Trong mâm cỗ truyền thống, ai ai cũng không thể quên đặt 1 đĩa giò lụa được tỉa khéo léo hoặc xếp thật ngay ngắn, giản đơn bên các món gà luộc, đĩa xôi. 

Đĩa giò, đĩa chả luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu nhất là trong mâm cỗ cúng Rằm tháng 7.

PT (ghi)/ Báo Tin Túc

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)