Một ngày đi chợ cùng các công nhân, sinh viên mới thấy cơn bão giá đang khiến cuộc sống những người phụ thuộc, người thu nhập thấp bị đảo lộn.
|
Mớ rau, con cá cũng đua nhau tăng giá . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Khốn khổ
Có mặt ở khu vực Kim Chung, Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), nơi trọ của hầu hết công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long mới thấy sức càn của cơn bão giá.
Chị Dương Thị Tuyền (22 tuổi, quê Phú Bình, Thái Nguyên), xách mớ rau cải với mấy con cá rô phi bằng hai ngón tay, vừa về đầu cổng xóm trọ đã than: “Sờ đến cái gì cũng tăng giá. Dạo trước, hai chị em mỗi ngày chỉ khoảng 28-30 nghìn đồng là có bữa ăn tạm được, nhưng nay muốn có bữa ăn như vậy phải mất 45-50 nghìn đồng. Bởi thế, đành giảm mỗi thứ một tí”. Hai chị em Tuyền đều là công nhân, Tuyền làm cho Cty Panasonic, còn em gái làm cho một Cty khác.
Tuyền cho biết, lương 1,5 triệu đồng/tháng, thêm các khoản phụ cấp cũng được 1,9 triệu đồng, nhưng trừ đi các khoản, thực lĩnh mỗi tháng chỉ 1,7 triệu đồng, em gái cũng khoảng đó.
Xoay xở trong căn phòng khoảng 8 m2, Tuyền nói: “Tiền trọ đã 500 nghìn đồng/tháng, chưa kể điện nước, rồi tiền đi học thêm chứng chỉ tin học, tiền gửi cho bố mẹ sửa nhà…Đi làm mấy năm, cố tích cóp ít vốn để đổi nghề khi lấy chồng, nhưng cũng khó”.
Ở xóm trọ cạnh đó, Oanh (22 tuổi, quê Thanh Thủy, Phú Thọ) làm ở Cty Asahi cho biết, mỗi tháng thu nhập được khoảng 1,9 triệu đồng, nhưng lấy lương xong, lại tay trắng. Rau dưa, thịt thà tăng chóng mặt, có ngày thịt lợn tăng 5.000 đồng/kg.
Mới đây, nghe đâu lương trong doanh nghiệp sẽ tăng, chủ nhà trọ đã đến đưa trát, tuyên bố từ tháng này tiền nhà tăng từ 400 lên 450 nghìn đồng/tháng, tiền điện 1.500 lên 2.000 đồng/số, tiền nước 70 nghìn đồng/tháng, vì từ tháng này có nước máy.
Cầm bát mỳ tôm còn ăn dở, Oanh chia sẻ: “Chưa hết đâu anh ơi, tuần tới, em có tới 6 đám cưới ở quê đang chờ, toàn là bạn thân hồi đi học, đi làm. Lương không đủ tiền đi đám cưới, nhịn ăn, nhịn uống đã đành, đi vay cũng khó vì bạn bè cũng như mình”.
Đối với gia đình công nhân trẻ, nuôi con nhỏ càng khó khăn. Chị Trần Thị Phượng (quê Hiệp Hòa, Bắc Giang), làm ở Cty Panasonic đang bế cháu nhỏ cho biết, lương chỉ được 1,7 triệu đồng/tháng, nhưng tiền sữa, thức ăn cho con cũng gần 2 triệu đồng/tháng.
“Tháng trước, vợ chồng thuê người trông cháu hết 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng thấy con ốm suốt, nên chồng bắt nghỉ việc, trông con. Nay không phải trả tiền trông trẻ, nhưng lại mất suất lương, em cũng chưa biết phải xoay thế nào”.
Nay bão giá tràn cả ba miền, nên ở Đà Nẵng đời sống công nhân cũng rất khó khăn. 9 giờ như thường lệ, anh Nguyễn Hữu Tuấn (49 tuổi, trú kiệt 58 đường Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng) bắt đầu công việc đi chợ Cồn, phụ trách nấu ăn cho đội công nhân Cty Xây dựng số 7.
Cắt giảm cả rau xanh
Gia đình cũng vào loại khá, nhưng mấy hôm nay, bác Loan, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), đi chợ đều xuýt xoa khi thấy giá mọi thứ đều nhích lên nhanh chóng. Giá thịt lợn loại ngon mới hôm trước là 70 nghìn/kg thì hai hôm sau đã tăng hơn 75 nghìn/kg. Thay vì mua nhiều thịt, cá…bác Loan thay bằng trứng, đậu…
Nhưng, “hãi hùng” nhất là rau xanh. Tại nhiều chợ, giá một củ xu hào tăng từ 5 lên 7 nghìn, một cây xúp lơ giá hơn 10 nghìn, sắp bằng nửa cân gạo; một cân cải xanh giá “đội” gấp đôi, thành 10 nghìn đồng…
Thế nên, gia đình bác Nguyễn Thị Hường ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, mọi hôm đi chợ, đều mua 2 – 3 loại rau xanh, về ăn cho “mát ruột”, thì nay “xót ruột”, chỉ dám mua một loại rau cho bữa cơm gia đình.
Món ăn sáng phổ biến là trứng vịt lộn được nhiều người thích, thì nay đã tăng từ 3,5 nghìn/quả thành 5 nghìn/quả, khiến nhiều người thu nhập thấp phải đắn đo “ăn một hay hai?”.
Hoàng Tuấn
|
Hết qua dãy hàng rau, anh đến hỏi các quầy hàng cá, thịt… nhưng đều lắc đầu ngao ngán vì giá cả mỗi ngày một tăng. Khó khăn lắm anh Tuấn mới chọn được bó rau muống, mùng tơi và thêm ít củ cải. Giá được khảo sát mềm hơn các hàng khác nhưng bó rau muống lên đến 5.000 đồng, mùng tơi 6.000 đồng, thậm chí củ cải nhỏ có giá 10.000 đồng…
20 công nhân trong tổ nhưng mỗi ngày tiền ăn chỉ trên dưới 250.000 đồng. Anh Tuấn bảo: Giá tăng mạnh khoảng gần 1 tháng đổ lại đây. Cả nhóm tăng thêm 50 – 70 nghìn đồng cho một ngày ăn nhưng chẳng thấm vào đâu. Thậm chí có tăng tiền nhưng thức ăn vẫn thiếu.
“Anh em bảo nhau mùa bão giá nên bấm bụng có chi dùng tạm. Chủ yếu ăn no lấy sức đi làm, chứ ăn ngon thì hiếm lắm” – anh Trần Công Hùng, công nhân trong nhóm anh Tuấn nói thêm.
Theo các công nhân, trung bình thợ xây mỗi ngày chỉ thu nhập trên dưới 100.000 đồng. Trừ tiền nhà, tiền sinh hoạt cá nhân, mỗi ngày ăn họ tằn tiện bỏ ra 10 nghìn đồng. Còn lại tích góp gửi về gia đình ở quê. Tuy nhiên, trước đà tăng giá, các công nhân phải bỏ thêm 2.000 – 3.000 đồng/ngày vậy mà chất lượng bữa ăn mỗi ngày một giảm sút.
“Anh em đang bàn nhau tăng 5.000 – 6.000 đồng nữa mới đủ. Nếu thế thì mỗi ngày tôi chỉ tiết kiệm được 30.000 – 40.000 đồng, chẳng là bao so với nhu cầu chi tiêu, học phí của vợ con ở nhà” – anh Hùng ái ngại.
Xoay xở
Bữa cơm của nhóm sinh viên Vũ Thị Lý (20 tuổi, quê Đắc Lắc), trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng tại căn phòng 338 đường Hoàng Diệu khá đạm bạc. Ngoài món canh cải, mâm cơm thêm đĩa trứng rán cho 5 người ăn. “Bữa trước bọn em đi chợ hết có 35.000 đồng một ngày, giờ tăng thêm 15.000 đồng mà cũng chỉ được có thế” – Lý bảo.
Thay vì ăn hai bữa xôm tụ như mọi khi, nay nhóm sinh viên chủ yếu tập trung cho bữa trưa, còn lại bữa tối ăn qua loa. Hỏi chuyện, Lý cười trừ: “Con gái ăn buổi tối ít để giảm cân mà”.
Đối phó với giá cả tăng, không chỉ cơ cấu bữa ăn thay đổi, nhiều sinh viên tiết giảm hết mức, chọn cách “góp gạo thổi cơm chung” để cùng nhau vượt cơn bão giá.
Bọn em ăn trứng là chủ yếu, thỉnh thoảng chuyển qua món chả cá. Ít ăn thịt lắm vì thịt đắt mà giá lại tăng. Hôm nào thèm ăn thịt thì mua món thịt gà công nghiệp giá chỉ từ 35.000 đồng/kg – Nữ sinh Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
Vũ Thị Lý
|
“Bốn năm người góp nhau đi chợ thì dễ mua đồ hơn. Một mình em có ngày gần 20.000 đồng mà chẳng mua được gì. Sang đây cả bọn cùng tằn tiện, mỗi người 15.000 đồng/ngày” – Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Kế toán, trường CĐ Nghề Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng) bộc bạch.
Sinh viên Hà Nội cũng chẳng khá hơn. Bạn Phạm Quốc Vinh (quê ở Thanh Miện, Hải Dương), sinh viên năm 4 Đại học Dân lập Thăng Long, trọ ở làng sinh viên Hacinco (Nhân Chính, Thanh Xuân) cho hay: “Trước đây, mỗi suất họ bán 15.000 đồng, nay chủ quán nâng lên 18.000-20.000 đồng. Ngoài tiền phòng trả cố định hằng tháng, bố mẹ cho thêm 1,2 triệu đồng để ăn và tiêu vặt. Nhưng nay chắc em phải bảo bố gửi thêm tiền mới đủ, không được chắc phải độn thêm bữa ăn mì tôm mới đủ”.
Không chỉ cơm sinh viên, các quán cơm văn phòng cũng nâng giá. Anh Trần Viết Xuân, nhân viên văn phòng một Cty tại phố Hồ Đắc Di (Hà Nội) cho hay, bình thường chỉ 25-30 nghìn đồng/suất, thì nay chủ quán nâng lên 30-40 nghìn, cơm rang thập cẩm từ 20 lên 25 nghìn đồng.
Giá lên, giới văn phòng thường rủ nhau ăn bún đậu, hoặc làm bát phở, bánh đa cho qua bữa. Còn anh Lê Huy Tuấn, kỹ sư xây dựng, nhà ở khu Hạ Đình (Hà Nội) cho biết: “Mới sáng ra, quán bún mọc cạnh nhà đã trưng biển: bát bình thường tăng từ 15 lên 20 nghìn đồng, bát ít hơn 15 nghìn đồng, đi cắt tóc cũng tăng thêm 5 nghìn đồng… Ăn uống, đi lại phức tạp, tôi đành ở lại công trường (Đại lộ Thăng Long) với anh em công nhân, cuối tuần mới dám về nhà, tiết kiệm tiền”.
Phạm Anh – Nguyễn Huy / TPO
TPHCM: Giá lương thực, thực phẩm tăng mạnh
Theo nhận định của bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết: Ngày 7-11 giá cả ở một số chợ vẫn ở mức cao.
Tại chợ Nguyễn Thái Bình (quận 1), xà lách Đà Lạt được bán với giá 60.000 đồng/kg, dưa leo 14.000 đồng/kg, cà chua 17.000 đồng/kg… Bình quân mỗi kilôgam rau củ tăng 2.000 – 4.000 đồng. Giá thịt heo, thịt bò các loại cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng mỗi kilôgam. Đặc biệt, các mặt hàng thủy hải sản khô cũng có mức tăng từ 40.000 – 60.000 đồng/kg so với trước.
Tiểu thương tại các chợ cho biết do ảnh hưởng của mưa lũ nên nguồn hàng từ miền Trung đưa vào có mức tăng mạnh nhất, trong đó giá cá biển tăng 10.000 – 12.000 đồng/kg. Ông Yên – bán hàng tại chợ Nguyễn Thái Bình cho biết: “Nhà cung cấp tăng giá nhưng tôi cũng không dám tăng nhiều vì khách kêu quá. Giá cao nên hàng bán cũng chậm hơn so với trước”.
Thị trường gạo những ngày qua cũng có nhiều biến động. Chỉ mới mấy ngày đầu tháng 11, giá gạo bán lẻ đã tăng bình quân 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Kiểm tra giá cả trên cả nước
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các địa phương thành lập ngay đoàn kiểm tra, việc tuân thủ các quy định về quản lý giá và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-11.
Các đoàn sẽ kiểm tra việc tuân thủ các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết, đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về quản lý giá, tất cả các loại hàng hóa.
Trong trường hợp phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra của địa phương phải xử lý kiên quyết, nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kết quả khảo sát sơ bộ tại các địa phương cho thấy, những ngày cuối tháng 10 vừa qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng khá mạnh, trong đó tăng giá nhiều nhất và gây tác động tâm lý nhất cho người tiêu dùng là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Theo Tiền Phong
|
Tin liên quan
Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế...
Ngày 14-11, tại TP.Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công thương tổ chức diễn đàn “Khu thương mại tự...
Tối 4-11-2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam đã diễn ra lễ công bố “Thương hiệu quốc gia 2024-2026"...
Ngày 1-11-2024, TP.Cần Thơ long trọng khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2024. Ông Nguyễn Văn Hiếu...
Bình luận (0)