Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Mầm xanh trên đất Thành cổ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhắc đến thị xã Quảng Trị, nhiều người nhớ đến một miền Thành cổ với hàng ngàn sinh viên nguyện gác bút nghiên vào chiến trường. Hơn 45 năm sau ngày quê hương im tiếng súng, nhiều thế hệ học sinh trên miền quê nghèo Quảng Trị đã viết tiếp những ước mơ bên ngôi trường cạnh chân tường Thành cổ như một sự tri ân!

Văn Viết Đức – quán quân Olympia 2015 trưởng thành từ Trường THPT thị xã Quảng Trị

Đi lên dọc hành trình Thành cổ

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị bảo, không phải ngẫu nhiên sau đôi ba lần chọn lựa, di dời, trường lại về đóng chân bên Thành cổ. Bởi điều đó có ý nghĩa khi các thế hệ học trò nỗ lực học tập để tri ân các anh hùng ngã xuống trên chiến trường Thành cổ.

Kí ức về ngôi trường bên chân Thành cổ như cuốn phim tái hiện qua kí ức của thầy Dũng. Năm 1975, trường có vỏn vẹn 7 cán bộ, giáo viên. Thiếu thốn đủ bề. Ngày đó, để có đủ cơ sở vật chất, các thầy cô giáo vừa xoay xở tìm kiếm sách giáo khoa, mượn nhà dân để tổ chức giảng dạy, vừa phải tìm cách dựng phòng học. Không ngại gian khổ, với niềm tin về sự hồi sinh và phát triển, những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục ngoài giờ dạy, tranh thủ cắt tranh, chặt tre, kiếm gỗ dựng trường, mở lớp. Một ngôi trường 3 gian che bằng phên đất làm lớp học được dựng lên bằng những giọt mồ hôi đổ xuống của họ và bà con nhân dân.

Thầy Dũng nhắc lại: “Ban đầu trường chỉ có 3 lớp với 115 học sinh. Thầy và trò đã vượt qua mọi khó khăn thách thức, nguy hiểm do bom đạn và hậu quả chiến tranh để lại để hình thành cơ sở vật chất tạm thời ban đầu. Khóa học đầu tiên có 100%  học sinh đỗ tốt nghiệp; 60% đỗ vào ĐH. Kết quả đó đánh dấu sự khởi đầu về chất lượng và thành tích giáo dục của nhà trường”. Giai đoạn 1980-1995, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhà trường đã vận dụng triệt để nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Từ mạch nguồn của truyền thống hiếu học, tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo các thế hệ học sinh của trường luôn chăm ngoan, học giỏi, lao động giỏi.

Nhìn về quá khứ hoang tàn đổ nát của mảnh đất Thành cổ và mùa quả ngọt ngay trên chính mảnh đất này, chúng tôi chợt nhận ra rằng, gian khổ nào rồi cũng sẽ cho một kết quả tốt nếu trong khó khăn, con người biết cùng nhau chung sức để vượt qua!

Qua mỗi giai đoạn, nhà trường đều có những bước đổi thay nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục. Từ con số học sinh ít ỏi ngày đầu thành lập, nay trường có hơn 1.500 học sinh. Kể từ năm 2006 đến nay, trường luôn nằm trong “top” 100 trường, 200 trường chất lượng cao trên toàn quốc do Bộ GD-ĐT xếp hạng. Các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh của trường đều đạt giải cao. Trong đó, nhiều người đều biết đến Văn Viết Đức – quán quân Olympia 2015; Phạm Huy giải ba cuộc thi KHKT trên đất Mỹ. Mới đây nhất, Lê Thanh Tân Nhật đoạt ngôi vị á quân Olympia 2018.

Khơi dậy tinh thần tự học

Câu chuyện giữa buổi chiều rực nắng trong ngôi trường bên chân tường Thành cổ rực một màu trắng hoa cỏ lau của thầy Nguyễn Tiến Dũng hệt như đang mở từng trang tư liệu quý giá về quãng đường hơn 40 năm ươm mầm xanh bên miệng hố bom. Khi vết thương chiến tranh dần được hàn gắn, những người con miền quê Thành cổ không ngừng cố gắng mở ra các giai đoạn phát triển mới bên dòng Thạch Hãn bằng điểm nhấn giáo dục. Mỗi năm, vào khai giảng năm học mới, điều đầu tiên nhà trường truyền đạt đến học sinh là giáo dục truyền thống, khích lệ và chỉnh sửa. Nghĩa rằng người thầy luôn biết cách khích lệ niềm tự hào trong mỗi phụ huynh có con em vào trường và trong bản thân mỗi học sinh của nhà trường. Nêu cao tinh thần hiếu học đồng thời điểm về truyền thống đáng tự hào của nhà trường để làm nền tảng nhắc nhở học trò mình phải học tập xứng đáng với truyền thống đó.

Thầy Dũng bảo, để có những mùa quả ngọt đó, một phần từ sự đồng hành của nhà trường, giáo viên nhưng hơn cả là tinh thần tự học của mỗi học sinh. Từ những sân chơi nhỏ do nhà trường tổ chức để phát hiện nhân tố như cuộc thi chinh phục cấp trường. Rồi tiếp đó học sinh không hề đơn độc trên hành trình chinh phục đỉnh cao. Như Phạm Huy hay Viết Đức, Tân Nhật đều có thầy cô hết lòng hỗ trợ. Trước khi gánh ước mơ sang Mỹ, Phạm Huy luôn có sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo môn vật lý. Hay Viết Đức được các thầy cô tập hợp câu hỏi và kiến thức để giúp em củng cố thêm các vùng kiến thức đa diện. Tân Nhật ngoài sự hỗ trợ đó còn được tự chọn để bồi dưỡng môn học mình yêu thích trong quá trình tham gia sân chơi Olympia.

Vĩnh Yên – Thiên Phúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)