Tòa soạnThư đi – tin lại

Màn kịch bất thành

Tạp Chí Giáo Dục

Nhờ cảnh giác cao độ mà bà Năm đã thoát khỏi màn kịch lừa đảo khá hoàn hảo của người bạn vốn là đồng nghiệp với chồng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: M.L

Nhờ tinh thần cảnh giác cao độ mà bà Nguyễn Thị Năm (phường 12 – quận Gò Vấp – TP.HCM) đã thoát khỏi màn kịch khá tinh vi của kẻ lừa đảo vốn là bạn đồng nghiệp của chồng.
Kịch bản hoàn hảo
Đang lui cui cùng mẹ chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi ngoài cửa, Lan vội chạy ra thì bắt gặp một người khách lạ. Ông ta trạc tuổi cha Lan, mặc bộ đồng phục công nhân đã bạc màu, trên vai khoác chiếc túi xách cũ khá to cho thấy ông vừa từ một địa phương khác đến. Lan chưa kịp hỏi thì người khách vừa cười vừa xoa đầu Lan: “Cháu có phải là Lan không. Chú là bạn của ba cháu vừa từ Mỹ Tho lên. Mẹ cháu có nhà không, chú cần gặp để báo tin ba cháu?”. Đang ngồi lặt rau ở nhà bếp, nghe người khách nhắc đến chồng, bà Năm – mẹ của Lan liền bỏ dở công việc chạy lên. Qua câu chuyện, bà biết được người khách tên là Ba Thông, làm nghề thợ hồ, hiện đang cùng chồng bà làm thuê cho một công trình xây dựng ở Mỹ Tho. Nay sẵn về thành phố thăm nhà, ông ghé qua báo tin ông Năm – chồng bà đang bệnh nặng. Ông Ba Thông nói: “Thật tội nghiệp cho ảnh. Vào nằm viện đã ba ngày rồi nhưng ảnh nhất quyết không đồng ý để tôi về báo tin cho chị hay. Ảnh nói sợ chị và cháu Lan lo lắng rồi xuống thăm ảnh, vừa bỏ công việc buôn bán vừa tốn tiền bạc. Bác sĩ nói ảnh bị lên máu”. Vẻ mặt bà Năm đỡ căng thẳng hơn: “Lại cái bệnh đó nữa. Đã hơn 40 tuổi rồi, nhiều lần tôi khuyên ổng ở nhà phụ tôi buôn bán mà ổng đâu có nghe”. Im lặng một lúc, như chợt nhớ ra, Ba Thông móc từ trong túi áo ra trao cho bà Năm một tấm ảnh chụp cảnh bốn người thợ hồ đang đứng trước một công trình xây dựng: “Đây là tấm ảnh kỷ niệm giữa ảnh và tôi. Ảnh bảo tôi mang về cho chị xem để làm tin. Ảnh nói chị và cháu Lan cứ ở nhà buôn bán bình thường, chỉ cần gửi gấp cho ảnh 5 triệu đồng để lo viện phí, thuốc men là được”. Ngắm gương mặt ông Năm một lúc, đôi mắt bà Năm lại rướm lệ: “Ổng lại sợ mẹ con tôi lo lắng, đi lại cực khổ nên mới nói vậy chứ vợ chồng mà, ổng bệnh hoạn xa nhà như vậy làm sao tôi có thể yên tâm buôn bán làm ăn. Mà anh Ba định khi nào quay xuống Mỹ Tho?”. “Bây giờ tôi về Hóc Môn thăm nhà. Ngay đêm nay tôi phải quay xuống dưới để kịp sáng mai làm việc”.
Bà Năm rót nước mời khách rồi xuống nhà sau bàn bạc với Lan: “Ba bệnh thì đương nhiên mình phải lo. Nhưng chỉ dựa vào câu nói mà mình giao tiền cho một người không quen biết thế này má thấy hổng yên tâm. 5 triệu đồng đối với gia đình mình đâu phải nhỏ”. Lan thỏ thẻ: “Má đa nghi quá. Nếu là người lừa đảo thì làm sao bác ấy biết rõ tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ nhà và cả căn bệnh lâu nay của ba. Rồi còn gọi đúng tên con, lại chụp ảnh chung với ba nữa mà?”. “Con nói cũng phải. Nhưng con thử nghĩ lại, sao ba con không viết vài chữ nhờ người ta cầm về mà lại giao tấm ảnh để làm bằng chứng như thế chứ?”. “Chuyện đơn giản vậy mà sao con không nghĩ ra ta. Mà tức thật, ba không xài điện thoại di động, mà nhà mình cũng không có điện thoại bàn…”.
Trở lên nhà gặp Ba Thông, bà Năm than thở: “Thú thiệt anh Ba đừng cười, ngay bây giờ nhà tôi không có đủ số tiền đó. Dù sao cũng cảm ơn anh Ba. Thôi anh cứ về thăm gia đình, tối nay tôi sẽ đến chỗ mấy người quen vay mượn rồi sáng mai mẹ con tôi xuống Mỹ Tho thăm ổng”. “Nhưng ảnh đã dặn đi dặn lại tôi là bảo chị đừng xuống. Hay chị thử mượn mấy người hàng xóm xem sao, một hai triệu cũng được, số còn lại tôi sẽ phụ lo”. Sự “quan tâm” thái quá từ người bạn đồng nghiệp của chồng càng khiến bà Năm thêm nghi. Tuy nhiên, do chưa có cơ sở kết luận thực hư nên bà cố giữ thái độ điềm đạm, tìm đủ lý do để né việc “chạy tiền”. Cuối cùng, có lẽ đã đọc được lờ mờ sự nghi ngờ của bà Năm, Ba Thông nói bằng giọng giận dỗi: “Vì tình cảm bạn bè nên tôi mới cất công lặn lội đến đây, nhưng nếu hoàn cảnh chị khó khăn quá thì đành chịu. Thôi giờ tôi phải về thăm gia đình, chị cứ yên tâm buôn bán, số tiền ảnh cần cứ để tôi lo liệu”. Dứt lời, Ba Thông liền khoác túi xách, hậm hực bỏ đi. Trước tình huống bất ngờ đó, Bà Năm chỉ kịp hỏi theo chồng mình đang nằm ở bệnh viện nào thì Ba Thông trả lời mà không thêm ngoảnh đầu lại: “Bệnh viện Đa khoa tỉnh”.
Lộ rõ chân tướng
Dù bán tín bán nghi nhưng bà Năm cũng đón xe tốc hành đi Mỹ Tho ngay trong đêm đó. Đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được sự giúp đỡ của những người có trách nhiệm, bà đã “lục lọi” khắp các phòng khoa nhưng không tìm được chồng mình. Sáng hôm sau, sau hơn hai tiếng đồng hồ ngồi xe ôm rong ruổi khắp các công trình xây dựng ở thành phố Mỹ Tho, cuối cùng bà cũng tìm được ông Năm trong lúc ông đang… vui vẻ nói cười cùng các đồng nghiệp. Nghe bà Năm kể lại sự việc, ông Năm vỗ mạnh vào đùi nói giọng quả quyết: “Không có Ba Thông, Bốn Thông nào hết. Đó là thằng Sáu Tương, nguyên cũng là thợ hồ ở công trình này. Do có tật hay “cầm nhầm đồ thiên hạ” nên đã bị ông chủ thầu đuổi việc cách đây vài hôm. Trước khi đi, nó có mời tôi và hai đồng nghiệp ở đây lai rai vài xị đế chia tay, sau đó nhờ anh thợ chụp hình dạo chụp chung bốn đứa một tấm hình làm kỷ niệm. Cũng may nhờ bà có ý thức đề cao cảnh giác nên vừa tránh được một quả lừa, vừa có cơ hội xuống đây… tâm sự cùng tôi”. Nói rồi, ông Năm cười to, còn bà Năm lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.
PHẠM MINH

Bình luận (0)