Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Mặn mà hoa giấy Thanh Tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Khác với không khí sôi động của bao làng nghề vào dịp cuối năm, làng hoa Thanh Tiên vẫn yên ả như những ngày thường. Nhưng khi đến đầu làng thì quang cảnh khác hẵn. Những ngôi nhà thấp thoáng sau hàng dậu rực rỡ hẵn lên với vô vàn loài hoa khoe sắc, đến gần chợt nhận ra đó là hoa giấy.


Cả nhà quây quần làm hoa giấy.  
Làng hoa không tàn
Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế, nằm sát bên dòng sông Hương, đối diện với phố cổ Bao Vinh và cảng Thanh Hà. Những bậc tiền bối sáng lập ngôi làng này có gốc gác từ Sơn Tây, nam tiến theo chúa Nguyễn. Nguyên thủy họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Đến giờ chưa ai biết nghề làm hoa giấy bắt đầu từ khi nào, học nghề với ai. Có người cho rằng do địa thế của làng hay bị ngập lụt, do đó nhìn thấy các làng chung quanh trồng hoa tươi chơi tết, dân làng Thanh Tiên đã nghĩ ra cách làm hoa “giấy”. Thấy hoa giấy đẹp, người ta hỏi mua, thế là Thanh Tiên từ đó có nghề làm hoa giấy bán tết.
Hoa giấy bắt chước hoa thật, cũng đủ loại hoa mai, sen, hồng, đồng tiền, cúc, thược dược, thủy tiên…để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cái khó là phải làm sao giống như hoa thật, cũng có cành, lá, búp, nhị uốn mềm mại. Người sau học nghề người trước, giờ đây nghề làm hoa giấy đã đạt đến mức tinh xảo và nghệ thuật. Hoa giấy Thanh Tiên đẹp mặn mà, đằm thắm, khiến những tay làm hoa giấy “hàng mã” không thể bắt chước được. Do đó, ngày tết không mua hoa giấy Thanh Tiên chưng trên bàn thờ ông táo, bàn thờ trang ông, trang bà, người Huế cảm thấy như tết thiếu hoa mai vàng.
Làng Thanh Tiên chỉ có vỏn vẹn 83 mẫu ruộng, vậy mà không có ngôi làng thuần nông nào đón tết “hoành tráng” như nơi này. Mới đầu tháng 11 âm lịch, bước vào nhà nào cũng thấy không khí tết đến xuân về, dẫu nhà tranh vách đất cũng ngập tràn muôn hoa khoe sắc. Không chỉ người lớn, trẻ con lên năm, lên sáu một buổi đến trường, một buổi cũng tập tành làm hoa với ông bà. Vì vậy, đến khi dựng vợ gả chồng, ai cũng biết nghề làm hoa để phòng khi ngặt nghèo kiếm chút tiền tiêu tết.
Từ thế kỷ 16 (theo Đại Nam nhất thống chí), cứ đầu tháng chạp, trên những con đường đê dẫn vào làng này, trời vừa mờ sáng, từng đoàn người lũ lượt đem hoa ra chợ bán, ở Huế thấy hoa giấy Thanh Tiên là biết tết đã cận kề. Hàng trăm năm quen lệ như thế, hoa giấy Thanh Tiên dần dần gắn bó với đời sống của người Huế, miền đất quanh năm chỉ có một nguồn cung cấp hoa chủ yếu là Đà Lạt đưa về.
Vấn vương hoa giấy
Lúc sinh thời, nhà văn Thanh Tịnh sống một mình ở Hà Nội nhưng tết nào ông cũng chưng hoa giấy. Người không hiểu tưởng ông “tiết kiệm”. Ông giải thích “chơi hoa giấy để nhớ về Huế”.
Thật vậy, khác với những ngày bình thường, ngày tết người Huế dù đã mua rất nhiều hoa tươi, vẫn không bao giờ quên mua vài cành hoa giấy. Năm nào cũng vậy, hoa giấy Thanh Tiên lại theo chân những trẻ em trong làng bán dạo khắp phố phường đến tận vùng đầm phá hẻo lánh.
Hoa giấy rẻ lắm, mỗi cặp chỉ chục ngàn đồng. Nhưng để làm ra những cánh hoa ấy, người Thanh Tiên phải chuẩn bị các công đoạn từ mùa hè. Tháng 9-10 âm lịch, các nghệ nhân bắt đầu soạn ra những khúc tre tốt đem chẻ nhỏ, vót mỏng để làm cuống hoa. Những cành hoa, cuống hoa lại được phơi nắng trong mấy tháng mùa thu, sau đó mới tẩm màu. Phẩm màu được chiết xuất từ các loại cây cỏ trong làng, tạo nên những màu sắc đặc trưng không lẫn được của hoa giấy Thanh Tiên. Giấy làm hoa cũng do những người thợ tự nhuộm, mỗi gia đình có một bí kíp nhuộm riêng. Hoa giấy đều làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh hoa, nhụy hoa… đều làm ra từ đôi tay khéo léo của người thợ. Họ còn sử dụng những chiếc đục có nhiều khuôn hình khác nhau, xếp các mẫu đài hoa, búp hoa, cánh hoa chồng lên nhau, rồi chắn đục theo ý mình.
Các hộ làm hoa giấy lâu năm, cho biết: “Mỗi vụ hoa tết, bán được khoảng 2.500-3.000 cặp. những tết gần đây, hoa giấy được tiêu thụ nhiều hơn trước, riêng hoa sen giấy được du khách ưa thích hỏi mua quanh năm”. Hiện nay còn khoảng 100 hộ gia đình chuyên làm hoa giấy phục vụ cho nhu cầu chơi tết của người Huế và các vùng phụ cận. Hoa giấy Thanh Tiên được dùng để trang hoàng trên bàn thờ ông Táo, trang thờ bổn mạng của nhiều gia đình ở Huế là một điều thú vị không nơi nào có được. Nhưng cũng vì điều này, một thời chưa xa, hoa giấy Thanh Tiên suýt bị cấm cản như nghề làm tranh thờ ở làng Sinh bên cạnh.
Trải qua năm thế kỷ, không tàn lụi mà còn phát triển như ngày nay, hoa giấy Thanh Tiên không chỉ làm đẹp thêm cho phong vị tết Huế, mà còn làm nên một nét đặc trưng của văn hóa Huế.
Theo VŨ HÀO
(NDĐT)

Bình luận (0)