Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Mandalay nồng ấm

Tạp Chí Giáo Dục

Cố đô Mandalay có vẻ nhạt nhòa nếu so sánh với các điểm du lịch khác ở Myanmar, đất nước được mệnh danh là “vùng đất vàng” với hàng ngàn chùa tháp lộng lẫy. Thế nhưng, thành phố vừa cổ kính vừa sôi động này sở hữu vô số nét duyên ngầm…

Dọc hai bên đường từ sân bay vào thành phố là những cánh đồng lúa mì trải dài xen lẫn những vạt hoa hướng dương. Tuy nhiên, sắc vàng rực rỡ của những bông “hoa mặt trời” vẫn không sánh được với nụ cười ấm áp và tấm lòng nhiệt thành của người địa phương. Người dân Myanmar rất hồn nhiên và thân thiện với du khách. Những lời hỏi thăm và nụ cười rộng mở của các anh lái xe lôi, các chị bán hàng rong theo chân chúng tôi đi khắp nơi.

Người dân Mandalay lạc qun và hồn hậu

 

Với mỗi chiếc vé tham quan có giá 10 USD, du khách có thể khám phá toàn bộ các di sản trong khu vực Mandalay và phụ cận. Chúng tôi bắt đầu hành trình từ chùa Kuthodaw Paya ở trung tâm thành phố với hàng trăm ngọn tháp trắng muốt, nơi lưu giữ 729 trang kinh Phật khắc trên các phiến đá cẩm thạch từ năm 1857. Nếu muốn tìm lại chút hào quang của kinh đô cuối cùng các triều đại phong kiến Myanmar, bạn đừng quên ghé qua khu di sản pháo đài và hoàng cung. Quần thể cung điện và hệ thống hào nước được bảo tồn khá tốt khiến chúng tôi liên tưởng tới kiến trúc hoàng thành ở Huế.

Các tòa tháp trắng muốt ở chùa Kuthodaw Paya

 

Tuy nhiên, khu ngoại ô Mandalay mới là điểm nhấn của hành trình. Trong lịch sử, các triều đại phong kiến cuối cùng của Myanmar đều đóng đô ở Mandalay và các thành phố nhỏ phụ cận mà ngày nay đã trở thành những ngôi làng. Trong đó, lâu đời nhất là làng Sagaing, nơi đã từng là kinh đô vào thế kỷ XIV. Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng những dấu tích của một thời vàng son vẫn lưu lại trong khoảng 500 đền tháp mà bạn có thể quan sát rõ nhất từ đỉnh đồi Sagaing.   
Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Inwa, ngôi làng nhỏ xinh nằm bên bờ sông Ayeyarwady. Dọc bến sông là những ruộng ngô xanh tốt và những cây lapan (hoa gạo) nở hoa đỏ rực. Mặc dù làng cổ này có khá nhiều di sản quý như tu viện Bagaya Kyaung được chống bởi 267 cây cột gỗ tếch khổng lồ hay tháp nghiêng Nanmyin cao tới 27m, nhưng chính cuộc sống của người dân trong làng mới hấp dẫn du khách hơn cả. Chúng tôi đi tham quan làng trên một chiếc xe bò, thích thú ngắm nhìn dân làng vẫn còn sinh hoạt theo những nề nếp xưa cũ đã được duy trì hàng trăm năm nay.

Tháp nghiêng Namyin cao 27m ở làng Inwa

 

Chia tay làng Inwa, chúng tôi đi tới điểm cuối hành trình là cây cầu U Bein ở làng cổ Amarapura. Đây không chỉ là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới (1,2km) mà còn là một trong những nơi tuyệt vời nhất để ngắm hoàng hôn. Mỗi ngày, khi bầu trời chuyển màu vàng cam rực rỡ, những người dân làng Amarapura lại đi qua cây cầu gỗ gần 200 tuổi bắc ngang sông trở về nhà. Những vị sư mặc áo thụng dài phấp phới. Những người đàn ông quấn longyi bỏm bẻm nhai trầu. Các bà các chị đội những làn cói ở trên đầu, hai gò má trắng xóa bột cây thanaka. Nước hồ Taungthaman khi vơi khi đầy. Hơn 1.000 cây cột gỗ tếch dãi dầu mưa nắng đã dần mục nát và một ngày nào đó sẽ được thay thế bằng cột bê tông. Nhưng những hoàng hôn rực rỡ trên cầu U Bein sẽ mãi là biểu tượng sống động và ấm áp về Mandalay trong ký ức của chúng tôi.

Hoàng hôn rực rỡ trên cầu U Bein

 

Tạ Hạnh Liên / Phụ Nữ

Bình luận (0)