Ảnh minh họa: Adyoga.com.vn.
Bệnh nhân mới nhất là chị Hà (Trường Chinh, Hà Nội). Nghe nói tập Yoga có thể cải thiện sức khỏe, giúp cơ thể dẻo dai và tinh thần thư thái hơn, chị Hà, giảng viên một trường đại học tại Hà Nội, theo học một lớp về phương pháp này. Thế nhưng sau hơn một tháng tập luyện, chị cảm thấy đau mỏi thắt lưng, đi lệch cả người. Đi khám và chụp phim, chị mới biết mình bị thoát vị đĩa đệm. Theo các bác sĩ, có lẽ nguyên nhân là chị đã thực hiện nhiều tư thế sai.
Còn ông Hải (Hà Đông, Hà Nội) lại mất ngủ sau vài tháng tập các thế Yoga. Ông cho biết, bình thường ăn ngủ khá tốt nhưng vẫn tham gia tập Yoga với mấy người bạn cùng khu phố để tăng sức đề kháng, giữ gìn sức khỏe. Không ngờ càng tập thì càng thấy khó ngủ, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Mấy người bạn cùng tập cho rằng có lẽ do ông nhập tâm quá nên mới căng thẳng và khuyên nên thư giãn, giảm thời lượng tập. Thế nhưng, ông Hải chẳng thấy tình trạng được cải thiện nên đành nghỉ hẳn.
Một thành viên khác trong nhóm của ông Hải, sau quá trình tập luyện, tự dưng cứ thấy huyết áp tăng dần nên cũng không dám tiếp tục nữa.
Theo ông Dương Bảo Ngọc, giáo viên hướng dẫn của Câu lạc bộ Yoga, Trung tâm Unesco phát triển và nhân văn, Hà Nội, tập Yoga đúng cách giúp người ta khoẻ mạnh về cả thể trạng, tâm lý, tâm linh và không hề gây hại cho sức khỏe. Những trường hợp mang bệnh như trên thường là do tập sai tư thế hoặc tự ý tập hay người hướng dẫn không có kinh nghiệm, không chỉ dẫn hợp lý.
Ông Ngọc cho biết, thực tế, rất nhiều người bị thoát vị đĩa đệm hay cao huyết áp sau khi tập Yoga đã cải thiện được sức khỏe. Minh chứng điển hình là một thành viên của câu lạc bộ bị đau lưng do thoát vị đĩa đệm đã không thể đi lại được suốt 2 năm nhưng sau vài tháng tập kiên trì, đến nay đã tự đi chợ và khỏe mạnh hơn rất nhiều.
Theo ông Bảo, Yoga bao gồm luyện thở và tập các tư thế với tốc độ chậm, nhẹ nhàng, theo nguyên tắc từ dễ đến khó nên thường ít khi gây ra "tai nạn" cho người tham gia. Tuy nhiên, cũng như luyện tập bất cứ phương pháp nào, trước khi tham gia, người tập phải biết rõ mục đích tập luyện và thể trạng của mình. Người hướng dẫn cũng cần căn cứ vào tuổi tác, giới tính, tính cách của từng người để hướng dẫn những cách tập thích hợp.
Chẳng hạn, một số thế không áp dụng cho người huyết áp cao, hay có vấn đề về bài tiết, hô hấp. Hay một số động tác chỉ có những người đã tập lâu năm, có thể lực tốt mới thực hiện được. Tư thế trồng cây chuối hiện nay không được dạy cho các học viên bởi rất nguy hiểm.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người muốn rèn luyện cơ thể bằng Yoga không tự tập tại nhà hay theo băng đĩa, cần chọn những cơ sở, giáo viên uy tín để được hướng dẫn phù hợp nhất. Ngoài ra, tập Yoga cũng đòi hỏi những nguyên tắc, tuy rất nhỏ nhưng sẽ hỗ trợ giúp cho việc tập luyện đạt kết quả tốt hơn, như chế độ ăn uống, hay điều kiện môi trường xung quanh.
Chỉ nên tập trong phòng thoáng, tránh gió lùa; phụ nữ mang thai, bị ốm thì nên ngưng luyện. Ngoài ra, khi ở nhà nên tập trên nền cứng, nhiều người tập trên giường, trên đệm dày cũng dễ bị sai lệch tư thế cột sống.
Tập Yoga có thể kết hợp với các phương pháp thể chất khác nhưng nên giãn cách (ít nhất 30-60 phút sau khi tập).
Theo ông Bảo, nếu tập Yoga đúng cách, phù hợp với thể trạng, sau một thời gian, người tập sẽ cảm thấy khỏe ra, tinh thần thư thái. Còn khi có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe thì cần ngừng tập và hỏi ý kiến người hướng dẫn.
Bình luận (0)