Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mang cơm đi học bán trú

Tạp Chí Giáo Dục

Một bữa cơm trưa của trẻ học ở điểm trường thôn A Rồng, thuộc Trường Mầm non Hoa Lan (thị trấn Krông Klang, Quảng Trị)

Do thiếu giáo viên cấp dưỡng, nhiều điểm trường mầm non thuộc huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) đã tổ chức mô hình bán trú bằng cách vận động phụ huynh chuẩn bị cơm cho con mang theo ăn trưa. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ đến lớp ở huyện miền núi này được duy trì đều đặn…

Từ đầu năm học đến nay, tỷ lệ trẻ đến học tại điểm trường mầm non thôn A Rồng (thuộc Trường Mầm non Hoa Lan, thị trấn Krông Klang) đều đặn hơn các năm trước. Cô Nguyễn Thị Hiệp (giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo nhỡ tại đây) cho biết trẻ đến lớp đều đặn hơn một phần nhờ vào việc nhà trường vận động phụ huynh chuẩn bị bữa trưa cho các em mang theo. “Mỗi sáng khi phụ huynh mang cơm đến lớp, giáo viên nhận, ghi tên và đưa lên kệ cất nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh. Bữa trưa các em ăn uống rất vui vẻ. Ăn xong, giáo viên chuẩn bị chỗ để các em nghỉ trưa. Nhờ đó buổi chiều không có em nào nghỉ học, phần khác được ngủ trưa tròn giấc, sức khỏe các em tốt hơn, buổi học vì thế cũng vui vẻ hơn”, cô Hiệp cho hay.

Ở các điểm trường khác, nơi có địa hình cách trở, việc phụ huynh mang theo cơm trưa cho con cũng đã có tín hiệu lạc quan. Có mặt tại điểm trường thôn Ba Ngày (xã Tà Long), chúng tôi thấy bữa cơm trưa của các em được cô giáo đánh dấu tên trên cặp lồng để tránh nhầm lẫn được dọn ra ngay ngắn. Các em háo hức mở hộp cơm của mình với tiếng cười giòn tan. Bà Hồ Thị Ry (một phụ huynh có con học ở điểm trường này) cho biết: “Việc bới cơm cho con mang theo để con ở lại lớp buổi trưa rất tiện cho cha mẹ. Trước đây, trưa tôi phải đón con về ăn cơm, chiều lại đưa đến lớp nhưng có khi chiều cháu ngủ dậy muộn, thế là ở nhà luôn. Cháu ở nhà một mình, cha mẹ đi làm rẫy cũng không an tâm”.

Câu chuyện về mô hình vận động phụ huynh cho con mang cơm đến lớp được khởi xướng đầu tiên tại Trường Mầm non Hướng Hiệp. Tính đến nay đã được nhân rộng 100% các điểm trường chưa có giáo viên cấp dưỡng trên địa bàn huyện (61 điểm). Ông Phạm Văn Đức (Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đakrông) nhìn nhận, thực tế việc tổ chức nấu ăn bán trú đối với các điểm trường gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hầu hết các điểm trường đều có số lượng trẻ rất ít, có nhiều điểm chỉ có một cô giáo phụ trách với khoảng trên dưới 10 trẻ. Giáo viên này chủ yếu làm nhiệm vụ chuyên môn, không thể kiêm nhiệm thêm chức năng cấp dưỡng, đó là chưa kể việc đi mua thực phẩm từ các điểm trường đến trung tâm xã rất xa, đường sá đi lại khó khăn. Chính vì vậy, đối với các huyện miền núi đặc thù như Đakrông, nơi có nhiều điểm trường mầm non đóng tại các bản làng cheo leo, cách trở thì việc vận động phụ huynh chuẩn bị cơm cho con đến lớp để các cháu được học bán trú là một phương án khả thi.

Cũng theo ông Đức, giải pháp vận động phụ huynh mang cơm đến trường để trẻ ở lại buổi trưa đã giải quyết được khá nhiều vấn đề, đó là vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ, vừa giúp phụ huynh, nhất là đồng bào thiểu số an tâm hơn khi phải lên rẫy làm việc cả ngày.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)