Hơn hai tuần qua, chiến sĩ Mùa hè xanh (MHX) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có mặt tại chín xã nghèo huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) để giúp dân làm đường, dạy học, xây nhà và mở các lớp tập huấn hướng nghiệp vay vốn cho thanh niên.
Dạy tin học cho trẻ em đồng bào Khmer tại xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) – Ảnh: PHƯỚC TUẦN |
Anh Phan Ngọc Anh – chỉ huy trưởng chiến dịch MHX Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên trường tổ chức chiến dịch tình nguyện hè tại huyện nghèo vùng biển Vĩnh Châu với hơn 700 chiến sĩ, đóng quân ở 53 ấp của huyện.
Những công trình ánh sáng
Nói chuyện sức khỏe và cả… bao cao su
Chiến dịch năm nay, đội hình chuyên Sức khỏe sinh sản gồm 12 thành viên đã đi qua từng xã để tổ chức các buổi nói chuyện, hướng dẫn thanh niên, bà con địa phương cách dùng bao cao su, sử dụng hiệu quả thuốc tránh thai, cách bảo vệ sức khỏe phòng tránh các căn bệnh.
Tại đây, đội đến các hộ gia đình tư vấn cho người dân kế hoạch hóa gia đình và phát miễn phí hơn 4.000 bao cao su. Chiến sĩ Bùi Thị Mỹ Duyên, đội trưởng, chia sẻ: “Lúc đầu báo cáo chuyên đề thanh niên cứ cười khúc khích, nhưng sau thì họ rất nghiêm túc và chú ý lắng nghe tụi mình nói. Đó là hiệu quả”.
|
Một buổi sáng tại lớp phổ cập tin học ở xã Vĩnh Hải, rất đông học sinh đồng bào Khmer đến lớp từ sớm để đợi các chiến sĩ. “Nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm và sự thích thú của các em, hi vọng các em học tốt, biết thêm về công nghệ thông tin”, chiến sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Nhiều thanh niên, cán bộ xã cũng tranh thủ đến lớp để được học cái hay, cái mới từ lớp vi tính. Có những ngày học viên đến đông, đội phải phân ra nhiều lớp và tăng cường máy tính xách tay cá nhân của chiến sĩ vào dạy liên tục từ sáng đến tối. Năm nay trường mang theo 20 bộ máy vi tính với đội hình chuyên tin học gồm 20 chiến sĩ thường trực đóng quân tại xã Vĩnh Tân và Vĩnh Hải. Kết thúc chiến dịch, toàn bộ máy sẽ được tặng lại địa phương. Trong chiến dịch lần này, chín tủ sách thiếu nhi gồm truyện, sách tham khảo, sách giáo khoa… cũng được các chiến sĩ dành tặng chín xã.
Ngay sau khi về mặt trận, 53 lớp ôn tập hè đã được triển khai, thu hút rất đông thiếu nhi đến lớp. Đặc biệt, do đặc thù đồng bào Khmer chiếm đa số nên rất nhiều thiếu nhi đồng bào Khmer đến lớp để được “thầy cô áo xanh” dạy thêm tiếng Việt.
Mục tiêu đặt ra của chiến dịch Mùa hè xanh 2011 của ĐH Kinh tế TP.HCM từ ngày 7 đến 27-7 tại mặt trận Vĩnh Châu là xây tặng chín căn nhà tình thương (trị giá 25 triệu đồng/căn), tổ chức các lớp ôn tập hè, các buổi hội thảo khuyến nông, hướng nghiệp, hướng dẫn phương pháp lọc nước phèn cho người dân, trồng 4.000 cây xanh dọc các tuyến đường, tuyên truyền sức khỏe sinh sản, phổ cập tin học và tổ chức vui chơi cho thiếu nhi…
Nội dung mới của chiến dịch năm nay là trường đã tổ chức các buổi hội thảo về hướng nghiệp cho thanh niên, giúp họ hiểu hơn về thủ tục vay vốn, kỹ năng sử dụng nguồn vốn vay hợp lý và cách lập nghiệp cho thanh niên. Các buổi hội thảo có sự tham dự của các giảng viên uy tín của trường.
Tình nghĩa đồng bào
Những ngày ở đây luôn đầy ắp nghĩa tình mà các chiến sĩ sẽ khó quên. Chuyện chú Năm mang qua cho đội mấy trái bắp, cô Tám tặng vài con cá rô hay bác Tư nấu nguyên nồi bún nước lèo khao mấy chiến sĩ sinh viên sau một ngày vất vả là những hình ảnh đẹp trong lòng các bạn sinh viên.
Tham gia chiến dịch Mùa hè xanh, nhiều chiến sĩ được trải nghiệm cuộc sống vất vả ở một vùng quê còn nghèo khó. Nhiều “cô chiêu, cậu ấm” cảm nhận sự nặng nhọc và quen dần với cảnh nấu cơm củi, đi bộ cả tiếng, sử dụng nước phèn, thấm cái cảnh muỗi đốt… Từ chính những điều kiện sống khắc nghiệt đã giúp các chiến sĩ tự trang bị cho bản thân những bài học kỹ năng quý báu, trưởng thành hơn trong công việc, gắn kết tình yêu thương với cộng đồng. Anh Phan Ngọc Anh bày tỏ: “Chiến dịch không những là xây công trình, dạy học mà ở đây các chiến sĩ qua chiến dịch còn học được nhiều điều từ cuộc sống, được rèn luyện ý thức trách nhiệm với cộng đồng”.
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ tạm biệt Vĩnh Châu, trên khuôn mặt chiến sĩ nào cũng đượm buồn vì sắp phải xa những đứa trẻ đen sạm vì nắng gió đồng bào Khmer, nhớ má Sáu, chú Năm, cô Tám, nhớ những ngày dầm mưa làm đường… Bạn Nguyễn Thị Kiều Khánh chia sẻ: “Tuy có vất vả, nặng nhọc nhưng ai cũng vui và hạnh phúc khi được sẻ chia một phần nhỏ sức trẻ của mình để giúp bà con nghèo nơi đây”.
Và chắc khi trở về ai cũng nhớ đến chiến dịch, nhớ đến những người dân nghèo nhưng chất đầy tình cảm của vùng đất biển Vĩnh Châu.
PHƯỚC TUẦN / TTO
Bình luận (0)