Đọc xong bài “Học sinh có nên mang điện thoại vào trường?” (ngày 25-12), tôi cứ suy nghĩ mãi về chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ). Bản thân nó không có tội mà tùy thuộc vào người sử dụng như thế nào cho hợp tình hợp lý. Hiện nay, hầu như 100% học sinh phổ thông có ĐTDĐ, điều đó chứng tỏ sức hút vô cùng lớn của phương tiện này. Qua bài báo, tôi thấy có nhiều người không đồng ý cho học sinh mang ĐTDĐ vào trường nhưng cũng có ý kiến cho rằng đó là quyền tự do của các em và là phương tiện thông tin cần thiết không thể cấm cản. Theo ý kiến của tôi, việc học sinh mang ĐTDĐ vào trường, vào lớp thì cái hại nhiều hơn cái lợi. Cái hại thứ nhất: Chúng ta đều biết, học sinh vào trường phải có nhiệm vụ học tập, rèn luyện. Trong giờ học trên lớp, quan trọng nhất là khâu nghe thầy cô giảng bài. Có ĐTDĐ trong tay, nhiều em không chăm chú nghe giảng mà “siêng năng” bấm nhắn tin cho bạn. Hậu quả là không hiểu bài, khi làm bài kiểm tra, bài thi thì tìm mọi cách quay cóp… Cái hại thứ hai: Nói ra có thể có người không tin nhưng học sinh ngày nay dùng ĐTDĐ để “gà bài” cho bạn ở lớp khác là chuyện bình thường. Ví dụ, bạn A. ở lớp X. đang làm bài kiểm tra, nhắn tin “cầu cứu” bạn mình là bài đó, môn đó… không làm được. Học sinh được bạn cầu cứu sẽ nhanh chóng chụp cả trang sách rồi gửi đi. Bên kia chỉ cần mở máy là có tài liệu “gốc” để chép. Cái hại thứ ba: Vì tuổi còn trẻ, thích khoe khoang nên xảy ra tình trạng “con gà tức nhau tiếng gáy”, đòi cha mẹ mua ĐTDĐ xịn để “bằng chị bằng em”, dẫn đến có trường hợp các em không có nên ăn cắp của bạn, làm cho cha mẹ phải liên lụy, khổ tâm…
Tóm lại, theo tôi, cần có quy định chặt chẽ việc học sinh mang ĐTDĐ vào trường, vào lớp học. Không để các em tùy tiện sử dụng ĐTDĐ mọi lúc mọi nơi trong trường học như hiện nay. Đó cũng là góp phần xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà ngành giáo dục đang thực hiện.n
Lê Trường Sa (Sóc Trăng)
Bình luận (0)