Bị cáo khai chỉ mang giùm valy cho người khác nhưng VKS bảo ai mang hành lý thì người đó phải chịu trách nhiệm.
Mới đây, ngày 24-8, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Ngọc Lâm (sinh năm 1970, quốc tịch Canada) tù chung thân, Đặng Tuấn Vinh (sinh năm 1975, TP.HCM) 20 năm tù, cùng về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Vụ án tuy còn có nhiều điều tranh cãi nhưng nó một lần nữa cảnh báo những hành khách đi máy bay phải cẩn thận khi nhận mang giùm hành lý cho người khác. Bởi chỉ cần bên trong có ma túy hay hàng cấm, người mang giùm có nguy cơ bị tù tội rất cao.
Máy soi phát hiện valy chứa ma túy
Theo cáo trạng, khoảng 10 giờ 30 ngày 17-12-2014, cán bộ hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đang soi chiếu hành lý nhập cảnh thì một nam hành khách tự ý rời khỏi hiện trường, bỏ lại hai chiếc valy màu xanh có thắt nơ màu đỏ. Qua kiểm tra, cán bộ phát hiện bên trong valy có nhiều viên nén nghi chứa ma túy. Kết quả giám định cho thấy các viên nén trên là chất tenamfetamine (MDA), hàm lượng trung bình là 9,8%, tổng trọng lượng 14,857 g.
Ngày 25-12-2014, Trần Quốc Huẩn đến CQĐT xin tự thú và khai nhận: Huẩn có quen biết từ trước với Đặng Tuấn Vinh, Vinh nhờ Huẩn vào sân bay đón hành lý giúp bạn của Vinh. Huẩn đồng ý, Vinh lấy bút ghi lại số tag cho Huẩn và dặn Huẩn lấy được valy thì xé bỏ tag đi.
Huẩn đẩy hành lý ra cổng. Khi đi qua khu vực có máy soi, thấy đông người nên Huẩn định đẩy xe qua luôn. Ra gần tới cửa thì cán bộ hải quan phát hiện yêu cầu quay lại. Khi cán bộ hải quan nghi vấn những viên thuốc màu hồng, Huẩn gọi điện thoại cho Vinh, kêu Vinh hỏi bạn đây là thuốc gì. Lát sau Vinh gọi lại nói không liên lạc được với bạn và bảo Huẩn cứ bỏ lại hai valy và ra về. Tiếp đó, Huẩn cùng Vinh đến khách sạn tìm bạn của Vinh nhưng không gặp…
Quá trình điều tra, Vinh khai có một người tên Phạm Ngọc Ngôn (anh ruột của bị cáo Lâm) đặt vấn đề vận chuyển tôm hùm từ Canada vào Việt Nam để tiêu thụ. Vinh không biết hai valy chứa ma túy.
Hai bị cáo Phạm Ngọc Lâm và Đặng Tuấn Vinh (mặc áo sậm màu) tại phiên tòa. Ảnh: LỆ TRINH
Truy tố người gửi kèm valy
Cũng theo cáo trạng, trước đó vào tháng 11-2014, Vinh có đến CQĐT trình báo có một đối tượng tên Hiền (Việt kiều Canada) đặt vấn đề với Vinh về việc vận chuyển thuốc lắc và cần sa từ Canada về Việt Nam. Cục CSĐT đã hướng dẫn Vinh tiếp tục giữ liên lạc với Hiền nhằm nắm tình hình, cách thức, thủ đoạn và các đối tượng có liên quan. “Chính vì lẽ đó, không có căn cứ chấp nhận lời khai của Vinh về việc không biết hai valy của Ngôn nhờ nhận hộ có chứa ma túy” – cáo trạng nêu.
Hãng hàng không xác nhận hai valy là của ông Phạm Ngọc Lâm gửi kèm theo khi đi chuyến bay khởi hành từ Toronto và nối chuyến từ Hong Kong về Việt Nam.
Ngày 25-12-2015, phát hiện ông Lâm xuất cảnh đi Canada nên CQĐT đã yêu cầu dừng xuất cảnh. Phục hồi dữ liệu trong điện thoại của ông Lâm, công an phát hiện nhiều bức ảnh chụp hai chiếc valy màu xanh có thắt nơ màu đỏ. Ngoài ra, điện thoại của ông Lâm còn lưu số điện thoại của Vinh.
Cáo trạng xác định trong vụ án này, Ngôn có vai trò người tổ chức. Do Ngôn đã bỏ trốn, CQĐT đã ra lệnh truy nã và tách vụ án chờ khi bắt được Ngôn sẽ xử lý sau. CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Huẩn.
Lâm và Vinh bị truy tố về tội vận chuyển trái phép chất ma túy theo khoản 4 Điều 194 BLHS, khung hình phạt đến chung thân, tử hình.
Valy không có dấu vân tay người nhận chuyển hàng
Tranh tụng tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Lâm cho rằng các chứng cứ kết tội bị cáo mang tính chất gián tiếp, suy diễn. Cụ thể, CQĐT căn cứ vào xác nhận của hãng hàng không kết luận hành lý mang tên ông Lâm mà không thu thập camera an ninh sân bay tại Canada để xác thực ai là người ký gửi hành lý.
Theo luật sư, các chứng cứ có lợi cho bị cáo thì CQĐT lại không xem xét. Cụ thể, kết quả giám định kết luận cả hai valy đều không có dấu vân tay của Lâm; thẻ lên máy bay của Lâm không ghi số tag của hai valy đó…
Bị cáo Lâm không nhận tội trong suốt quá trình điều tra và kêu oan tại tòa. Lâm khai từ khi sang Canada không có điều kiện học hành, phải đi làm thuê vất vả để kiếm sống. Mỗi lần muốn về nước phải nhờ người khác giúp làm thủ tục tại sân bay. Lần này Lâm nhờ một người tên Dũng mua giúp vé máy bay. Ngày 15-12-2014, Dũng đến đón Lâm ra sân bay. Trên đường, Dũng đón thêm một người bạn nữa và nói rằng người này cũng ra sân bay để gửi hành lý và sẽ giúp Lâm làm thủ tục.
Lâm cho rằng có thể lúc Lâm ngủ, Dũng đã lấy điện thoại của Lâm và lưu số điện thoại của Vinh vào rồi gửi hình ảnh cho Vinh. Lâm đưa passport cho bạn của Dũng làm thủ tục, có thể người này đã dùng tên tuổi của Lâm để gửi hai valy trên.
Bị cáo Vinh cũng liên tục kêu oan và khai rằng mình biết rõ hàng hóa đều phải qua máy soi nên không dại gì mà đâm vào chỗ chết.
***
Tuy nhiên, cuối cùng tòa nhận định các bị cáo tuy không nhận tội nhưng đã thừa nhận có thực hiện một phần hành vi của quá trình phạm tội. Từ đó tòa tuyên phạt hai bị cáo mức án như trên.
“Hành lý mang tên họ của ông, ông phải chịu trách nhiệm” Bị cáo Lâm từng bị chính phủ Canada tuyên án 18 tháng tù vì giữ nhà thuê và tưới nước cho cây cần sa. Tại phiên tòa, bị cáo Lâm kêu oan cho rằng mình không phải chủ nhân của hai valy, không phải người ký tên gửi valy. Đại diện VKS trả lời: “Ông không gửi, không ký tên nhưng hành lý mang tên họ của ông. Ông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam”. |
LỆ TRINH (PLO)
Bình luận (0)