“Bạn bè em hay hỏi, quê mày ngoài chiến tranh bom đạn còn có gì không? Em nói Quảng Trị có nhiều món ngon, nhưng không phải ai cũng có điều kiện về thăm. Em nghĩ ẩm thực là phương thức hữu hiệu nhất để kết nối mọi người lại. Thế là em mở quán bán món ăn Quảng Trị ở TP.HCM, nghĩ ra cách đóng gói đặc sản bánh canh cá lóc (cháo bột cá lóc) đi muôn nơi”, Nguyễn Đức Nhật Thuận nói.
Nguyễn Đức Nhật Thuận đóng gói đặc sản cháo bột cá lóc Quảng Trị đưa ra thế giới
“Mang” Quảng Trị vào phố
Nhiều thực khách ở TP.HCM gần đây có lẽ không còn xa lạ với hai chữ Cà Mèn – một quán ẩm thực của chàng trai miền quê nghèo Quảng Trị. Giữa những ngày thành phố bị dịch Covid-19 bủa vây, khó khăn chồng chất, mỗi ngày Cà Mèn của Nguyễn Đức Nhật Thuận cùng cộng sự nấu gần 700 phần cơm yêu thương để tặng các bệnh viện dã chiến. Ít ai biết, để gầy dựng được một điểm đến giới thiệu ẩm thực quê mình, Thuận đã gửi vào đó cả khát vọng của tuổi trẻ.
Thuận sinh năm 1991, quê ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. Ba mẹ đều là nông dân làm lúa. Năm 2009, Thuận thi đỗ đại học, khăn gói vào TP.HCM theo học. Những ngày tháng rong ruổi khắp TP.HCM, Thuận thấy có nhiều bảng hiệu quán ăn. Từ phở Hà Nội, mì Quảng, bún bò Huế nhưng quán Quảng Trị thì không thấy hoặc rất hiếm. Giấc mơ về một quán ăn thương hiệu Quảng Trị được chàng trai quê nghèo ấp ủ. Tốt nghiệp ra trường, đi làm được gần 3 năm thì Thuận quyết định nghỉ việc công ty để mở Cà Mèn. Thuận kể: “Thu nhập lúc đó của em là một con số mơ ước của bao nhiêu người. Ba mẹ em là nông dân, cũng chẳng khá giả gì nên khi em nghe em quyết định bỏ việc công ty để khởi nghiệp, ai cũng phản đối. Thú thật, em là dân tay ngang, ở nhà không biết nấu ăn mà nói chuyện mở quán ăn thì nghe… phiêu lưu quá. Nhưng phản đối ban đầu rứa thôi, ba mẹ lúc mô cũng là hậu phương vững chắc của Cà Mèn từ ngày đầu khởi nghiệp”.
Thuận nói, Cà Mèn ngày đầu chỉ là mấy cái bàn ghế nhựa đặt trong hẻm nhỏ ở quận Tân Phú. Món đầu tiên và tạo được thương hiệu cho Cà Mèn là bánh ướt Phương Lang – một món ăn đặc sản nổi tiếng của làng Phương Lang (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng), sau đó phát triển thêm nhiều món đặc sản quê. Dần dà nhiều thực khách biết đến, thu nhập khá hơn, Thuận chuyển Cà Mèn về Phú Nhuận. Cà Mèn ngày càng đa dạng món ăn, ngoài bánh ướt Phương Lang có thêm bún nghệ, gà kho ném (củ nén), cháo bột vịt, cháo bột cá lóc. Sau đỉnh dịch Covid-19 năm trước, Thuận mở thêm món cơm để phục vụ thực khách.
Đưa cháo bột cá lóc ra thế giới
Thuận bảo, có năm nghỉ hè về quê, ngồi nói chuyện với mấy cậu dì trong xóm. Mọi người hỏi Thuận đang học gì? Thuận nói, em học ngành xuất nhập khẩu. Họ đùa: “Rứa thì gắng sau ni coi quê miềng có món chi xuất khẩu ra được nước ngoài thì nhớ mang đi, để ai cũng biết đến chốn quê nghèo xứ khó này còn có nhiều thứ thú vị”. Biết là câu nói bâng quơ nhưng khiến Thuận trăn trở rất nhiều. “Sống xa quê, em hiểu cảm giác thèm quay quắt một món ngon của quê mẹ. Nhiều khi chỉ đơn giản là dĩa bánh ướt thịt heo hay tô cháo bột cá lóc thôi mà ở thành phố tìm mãi không thấy có, huống chi là ở nhiều nơi xa xôi hơn, hoặc ở cả nước ngoài. Từ đó em quyết định đóng gói món cháo bột cá lóc để bà con trong nước hoặc khắp nơi trên thế giới đều có thể tự tay chuẩn bị cho mình một tô cháo bột chuẩn vị quê. Tiện lợi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng”, Thuận bộc bạch.
Dù đã có sản phẩm, đã được nhiều thực khách đánh giá tốt nhưng Thuận vẫn chưa hài lòng. Thuận nói, sẽ chỉnh sửa để sản phẩm hoàn hảo nhất có thể, để mọi thực khách, mọi lứa tuổi đều ăn được. Ví như sốt sa tế cay thì sẽ để riêng dành cho những ai thích ăn cay, nhất là những người con Quảng Trị xa quê thèm cảm giác một món ăn cay, mặn giữa những ngày se lạnh… “Mục tiêu gần là đưa các sản phẩm này vào các kênh siêu thị bán lẻ, xa hơn là hoàn thành được thủ tục pháp lý để xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài”, Thuận nói. |
Gần một năm nay, Cà Mèn bắt tay vào đóng gói cháo bột cá lóc. Để có được món ăn đậm vị quê, Thuận đặt mua gạo, cá lóc đồng từ quê nhà Hải Lăng. “Mẹ em tự tay giúp em lựa cá lóc. Bà con đi bắt cá về, mang qua nhà cho mẹ lựa từng con. Một trong những bí quyết quan trọng để tạo nên món cháo bột cá lóc ngon đúng vị là cá lóc. Phải là cá lóc đồng, săn chắc thịt thì sau khi sơ chế, tẩm ướp và cấp đông nhưng thịt cá vẫn luôn giữ được vị ngọt tươi, khi nấu ra vẫn đảm bảo ngon như ăn ở quán”. Thuận và các cộng sự ở Cà Mèn mất hơn 6 tháng để nghiên cứu, nấu, ăn thử và cuối cùng mới đưa ra công thức chuẩn nhất. “Cháo bột cá lóc là một món không hề dễ nấu. Nấu ăn tại chỗ còn khó, chỉ cần ăn chậm là bột rặc lại, vị dở đi huống chi là cô đặc lại để bảo quản được dài ngày. Anh em ở Cà Mèn phải test không biết bao nhiêu lần mới có được vị ngon như hiện tại”, Thuận chia sẻ.
Đóng gói ra mắt từ tháng 12-2021, cháo bột cá lóc của Cà Mèn nhận được nhiều sự ủng hộ của du khách, thậm chí là những thực khách chưa hề đặt chân đến Quảng Trị, họ tò mò muốn biết về đặc sản quê mình. Thuận cho biết, đến nay nhiều thực khách ở một số nước như Singapore, Thái Lan, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Canada… cũng đã mua mang về làm quà, nhất là những Việt kiều xa quê.
Thuận chia sẻ, sang đầu năm 2023 sẽ triển khai xưởng sản xuất ở Quảng Trị. “Có nhiều lý do cho việc chọn Quảng Trị làm nơi đặt xưởng, nhưng lý do sâu xa nhất là em và cộng sự muốn tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con ở quê, mang lại nguồn thu nhập ổn định để trang trải thêm cho cuộc sống. Điều quan trọng nữa là xưa nay, ấn tượng trở về quê luôn hằn lên trong mỗi người xa xứ nỗi ám ảnh của cuộc sống khó khăn. Thực ra không phải vậy, quê mình có nhiều tiềm năng, chỉ cần ý chí và đủ khát vọng hướng về phía trước, vươn lên cao hơn thì mọi thứ sẽ khác đi. Nếu Cà Mèn may mắn thành công, em nghĩ sẽ truyền thêm nhiều năng lượng tích cực, để những bạn trẻ đang khởi nghiệp như em có thêm động lực chung tay xây dựng quê hương”, Thuận trải lòng.
Phan Lệ
Bình luận (0)