Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Mang “ước mơ Tây Tạng” về đồng bằng

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây hàng ngàn năm người Trung Hoa và một số nước phương Đông đã xem đông trùng hạ thảo (ĐTHT) là loại “thần dược” quý nhất trong các loại thảo dược có đời sống hoang dã trên cao nguyên Tây Tạng. ĐTHT có tác dụng bổ dưỡng và chữa trị bá bệnh. Điều này nhiều người trong dân gian khi mắc bệnh hiểm nghèo thường truyền với nhau hãy tìm đến “ước mơ Tây Tạng”.

ThS. Trịnh Thị Xuân với các sản phẩm ĐTHT trong phòng thí nghiệm Khoa Nông nghiệp – ĐH Cần Thơ

Cordyceps militaris và Cordyceps sinensis, có tên gọi là ĐTHT, là loại nấm đứng đầu trong các nấm dược liệu. Tên của nấm thể hiện chu kỳ sinh trưởng và là sự kết hợp cộng sinh của một loài sinh vật: Theo đó mùa đông, sâu non sống trong lòng đất, gặp bào tử nấm Cordyceps sinensis phát tán rồi bị nhiễm nấm. Nấm hút hết dưỡng chất trong sâu khiến sâu chết. Đến mùa hè nấm phát triển và trồi lên mặt đất. Mùa đông, cặp cá thể này giống con sâu, mùa hè trông giống loài thực vật nên gọi là ĐTHT. Sự kết hợp kỳ diệu này đem đến cho nấm Cordyceps sinensis hàng trăm dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Trong tự nhiên ĐTHT mang gen nấm Cordyceps sinensis chỉ có ở những vùng núi cao trên 4.000m so với mặt nước biển như Nepal, Tây Tạng, dãy Himalaya, một số vùng của Trung Quốc như: Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam…

GS.TS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội Các ngành sinh học VN – cho biết: Nhiều nghiên cứu y học và dược học đã chứng minh: Sử dụng ĐTHT giúp bảo vệ thận, chống lại các nguyên nhân khiến suy thận; có công dụng hiệu quả trong điều trị các bệnh về đường hô hấp, bảo vệ gan, hạ huyết áp, chống thiếu máu cơ tim, tăng cường tính miễn dịch, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, ức chế sự hình thành các khối u trong cơ thể… Các phân tích hóa học của ĐTHT chứa nhiều loại vitamin; hơn 20 acid amin khác nhau, có D-mannitol, nhiều nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, Cu, Zn, đặc biệt là Selen. Rất hiếm vật chất trên trái đất chứa Selen, đây là chất có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa ung thư.

Bước ngoặt

Tốt nghiệp THPT, cô nữ sinh nổi tiếng học giỏi Trịnh Thị Xuân đã chọn ngành nông học với nguyện vọng: “Cố gắng tìm những giống lúa mới, hoặc các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng, phù hợp thổ nhưỡng ĐBSCL để góp phần giúp bà con nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống”. Tốt nghiệp ĐH năm 2006 chị được giữ lại trường, rồi được tập huấn chuyên môn ở Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan. Trong thời gian sang Nhật làm việc cho một dự án nghiên cứu vi sinh vật có ích tại Việt Nam để quản lý sâu bệnh gây hại cây trồng, từ đây chị biết đến các loại nấm ký sinh trên côn trùng, trong đó có ĐTHT. Trở về nước, cũng là lúc bệnh xơ gan của cha chị chuyển nặng, nguy cơ dẫn đến ung thư rất cao… “Bác sĩ khuyên cha tôi sử dụng ĐTHT vì có chất chống lại tế bào gây ung thư gan nhưng giá mắc quá. Gia đình cố gắng lắm cũng chỉ lo cho cha một thời gian rồi ngưng”, nữ thạc sĩ nhớ lại. Từ hoàn cảnh của gia đình, chị nghĩ đến những bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo khác, và quyết tâm nghiên cứu công nghệ sản xuất ĐTHT.

Năm 2012, chị bắt đầu nghiên cứu. Chị tìm đọc các tài liệu ở trong và ngoài nước, sau đó làm các thí nghiệm để tìm ra môi trường sản xuất ĐTHT phù hợp điều kiện ĐBSCL. Trong quá trình nghiên cứu chị được GS. Hiroki Sato, chuyên gia nghiên cứu vi sinh vật tại Viện Nghiên cứu về rừng ở Ibaraki (Nhật Bản) gợi ý giải pháp, hướng nghiên cứu và gửi cho chị nấm giống Cordyceps militaris để tiến hành nuôi cấy. Chị mua nhộng con tằm ở Đà Lạt và nuôi bằng thực phẩm với công thức do chị nghiên cứu gồm những dưỡng chất tương tự như ngoài tự nhiên bao gồm bột đậu xanh, bột đậu nành, bột mì, vitamin B1, B12, calci, magiê… Giai đoạn đầu bị thất bại liên tục. Có thí nghiệm ra được sợi nấm nhưng rất ngắn. Có khi sợi nấm phát triển dài nhưng qua kiểm nghiệm sản phẩm không có hoặc hàm lượng dược tính rất ít… “Có lúc mình định bỏ nhưng nghĩ đến cha và những người nghèo bị bệnh, mình lại có động lực để tiếp tục “bám” phòng thí nghiệm”, chị Xuân tâm sự.

Vạn sự khởi đầu nan… gian nan không bất mãn

Sau các thí nghiệm tiến hành trên gần 11kg côn trùng, cuối cùng “Ngày nhận được phiếu kết quả của Viện Thực phẩm chức năng (Bộ Y tế) thông báo tỷ lệ các dược tính có trong sản phẩm ĐTHT, quy trình sản xuất thành công, tôi mừng đến không ngăn được nước mắt. Tôi nghĩ đến cha và mơ đến ngày ĐTHT được sản xuất đại trà, sản phẩm phong phú trên thị trường, góp phần mang đến cho cộng đồng giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống và được chăm sóc sức khỏe toàn diện”, ThS. Xuân trải lòng.

Nhưng rồi sản xuất ĐTHT bằng tằm thì phải đặt mua ở Đà Lạt, không kiểm soát được những con tằm mang mầm bệnh; không chủ động nguồn nuôi… ách tắc mới bộc phát. Chị tự hỏi: Nhiều quốc gia ở châu Âu đã nuôi thành công ĐTHT trên môi trường lúa mạch, hạt kê, vậy tại sao không tận dụng những nguyên liệu có sẵn ở ĐBSCL? Sau khi nghiên cứu chị quyết định nuôi nấm Cordyceps militaris trên môi trường ngũ cốc với gạo kết hợp bổ sung các vitamin và chất dinh dưỡng. Qua hơn 2.000 thí nghiệm, thành công bắt đầu hé mở khi chị nghiên cứu trên gạo ST20 và gạo lứt Huyết Rồng. Để rồi một ngày nọ Viện Thực phẩm chức năng thêm lần nữa gửi kết quả: Dược tính Cordycepin: 3,9mg/g; Adenosine: 1,28mg/g (ngoài tự nhiên, dược tính Cordycepin: 1,63mg/g; còn sản phẩm của Trung Quốc là 1,848mg/g). Thế là thành công lần nữa ùa về gõ cửa nữ ThS. Trịnh Thị Xuân.

Sản phẩm ĐTHT mà ThS. Trịnh Thị Xuân nghiên cứu thành công có thể pha với nước trà để uống

Sau khi sản phẩm của chị được công bố và nhiều người biết đến, hôm nọ, một ni cô đến tìm đặt vấn đề: “Cô ơi nấm ĐTHT dính tới côn trùng, tôi là người tu hành, không ăn động vật. Có cách nào để tôi sử dụng được sản phẩm này?”. Thế là hành trình nghiên cứu mới mở ra. Để rồi với công nghệ sản xuất ĐTHT bằng dịch chiết từ các loại hoa quả kết hợp khoai tây, cà rốt, bổ sung vitamin và các nguyên tố vi lượng ra đời. Hàm lượng dược tính cũng bằng như sản xuất trên môi trường ngũ cốc hoặc côn trùng… Quy trình công nghệ sản xuất ĐTHT của chị được cấp chứng nhận bản quyền tác giả vào tháng 10-2014.

Hiện nay trên thị trường, ĐTHT khô, hàng chính hãng của Tây Tạng, đảm bảo chất lượng, có giá 1,8 tỷ đồng/kg; sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam có giá từ 160-180 triệu đồng/kg. Tại ĐH Cần Thơ, ĐTHT do ThS. Xuân sản xuất, dù hàm lượng dược phẩm cao hơn của Tây Tạng nhưng chỉ có 60 triệu đồng/kg. Chị giải thích: “Bán với giá này là để lấy lại chi phí mua nguyên vật liệu và khấu hao máy móc. Mục đích của ĐH Cần Thơ không phải kinh doanh mà là nghiên cứu khoa học nhằm góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng”.

Năm nay “Thạc sĩ ĐTHT” – tên mà các đồng nghiệp và người dân ĐBSCL quý mến dành cho chị – bước sang tuổi 34. Cùng với tín hiệu tốt đẹp từ sản phẩm ĐTHT trên thị trường, nữ giảng viên và là người mẹ hiền của hai cháu một trai, một gái; đồng thời có thêm niềm vui là luận án nghiên cứu sinh tiến sĩ của chị đã hoàn thành và chờ ngày ra hội đồng để bảo vệ.

Đan Phượng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)