Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Mạng xã hội địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
LINE là ứng dụng mạng xã hội hàng đầu Nhật Bản với 86 triệu người dùng hàng tháng, “đè bẹp” Facebook với 26 triệu người dùng.
Mạng xã hội địa phương bỏ xa các “ông lớn” thế giới
Với số dân hơn 126 triệu, Nhật Bản là một trong những nước đông dân và giầu có nhất thế giới. Ngay cả khi dân số già đi nhanh chóng (33% trên 65 tuổi), đây vẫn là thị trường béo bở, đặc biệt với các dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử và mạng xã hội. 9/10 người tại Nhật Bản truy cập Internet, trung bình mỗi người sở hữu 2 thiết bị di động, chưa kể tỉ lệ người dùng mạng xã hội (MXH) cao nhất hành tinh (gần 2 trong 3 người sử dụng MXH).
Chính vì vậy, công ty nào cũng muốn có phần trên thị trường Nhật Bản. Số liệu mới nhất từ Insta Lab cho thấy cái tên đứng đầu không gian mạng xã hội tại đây là LINE với 86 triệu người dùng hàng tháng (MAU), bỏ xa YouTube (65 triệu), Twitter (48 triệu), Instagram (33 triệu) và Facebook (26 triệu). Vì sao YouTube hay Facebook không thể “xưng vương, xưng bá” ở xứ sở mặt trời mọc mà phải chịu thua trước một đối thủ nội địa?
LINE có 86 triệu người dùng tại Nhật Bản hàng tháng.
Trước khi LINE ra đời, Nhật Bản chủ yếu liên lạc qua SMS và gọi thoại, trong khi các nước khác đều đã sử dụng ứng dụng nhắn tin. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn sau hàng loạt thảm họa tự nhiên năm 2011, buộc Nhật Bản phải chuyển sang dùng mạng xã hội để định vị và liên lạc với người sống sót, trong bối cảnh tất cả phương tiện liên lạc truyền thống đều vô hiệu, trừ Internet.
Trước tình hình này, NHN Japan – công ty con của Naver (Hàn Quốc) – nhận trách nhiệm và phát triển một hệ thống liên lạc cho nhân viên. LINE dùng kết nối Internet, không phải hạ tầng viễn thông đã bị phá hủy trong thảm họa. Cuối năm 2011, LINE mở cửa cho tất cả người dùng. Chỉ trong vòng 18 tháng, nó đã có hơn 100 triệu người dùng. Từ khởi đầu khiêm tốn là một ứng dụng nhắn tin đơn giản, LINE bắt đầu thay thế mọi hình thức liên lạc khác và cuối cùng trở thành ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất trong nước vào năm 2013. Không chỉ nổi tiếng tại quê nhà, LINE còn được ưa chuộng ở Đài Loan, Thái Lan, Indonesia.
Biểu tượng mẫu mực của “địa phương hóa” sản phẩm
Để đạt được thành công trong thời gian ngắn như vậy, LINE theo đuổi các chiến lược vô cùng khác biệt, khiến Facebook cũng phải “chào thua”.
Đầu tiên, LINE không giống với các ứng dụng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram. Ứng dụng tạo ra nền tảng hàng hóa của riêng mình với 4 linh vật độc đáo, được đón nhận rộng rãi, đại diện cho mọi cảm xúc phù hợp với người Nhật. Điều này không chỉ mang đến nhận diện thương hiệu mà còn gia tăng tỉ lệ tiếp cận LINE đáng kể. Bản thân LINE mang tính biểu tượng tới mức công ty mở cả cửa hàng tại Tokyo và các thành phố lớn khác trên toàn quốc dưới tên LINE Friends. Các cửa hàng này trưng bày dòng sản phẩm riêng như đồ chơi, sticker, cho phép người dùng tận hưởng trải nghiệm mà không mạng xã hội nào có.
Họ còn tạo điều kiện cho nền tảng LINE Creators, trong đó các nghệ sỹ có thể phát triển những sticker độc nhất vô nhị. Nhờ đó, LINE tăng cường hiện diện một cách thần tốc và bắt đầu phát sinh doanh thu từ sáng tạo nội dung, tương tự YouTube. Theo trang Quartz, 2 trong 3 nguồn thu của LINE đến từ sticker và nội dung, còn lại là quảng cáo.
Thứ hai, trong khi phần lớn mạng xã hội như Facebook, Instagram, WhatsApp được phát triển hướng tới người dùng toàn cầu, LINE lại đặc biệt dành cho người Nhật. Nó có tất cả đặc tính quan trọng mà người dùng Nhật Bản đang tìm kiếm, dẫn tới trở thành ứng dụng nhắn tin “phải có” cho hầu hết  mọi người.
Hệ sinh thái LINE bao gồm quảng cáo, dòng thời gian, tin tức, ví điện tử, hội nhóm, sticker miễn phí và trả phí, chủ đề và một mục dành riêng cho “dịch vụ”. Tất cả những tính năng này biến LINE thành trải nghiệm rất Nhật Bản mà người dân không thể chối từ. LINE chính là một ví dụ tuyệt vời của địa phương hóa sản phẩm.
Trên hết, với người Nhật, hiện nay LINE đồng nghĩa với mạng xã hội, game, thậm chí dịch vụ tài chính và mọi thứ khác. Theo Fast Company, có khoảng 50 ứng dụng được đưa vào mục “dịch vụ” của LINE như LINE GAME, Shopping, LINE TV, LINE Music, LINE Business, LINE Manga… Nó cũng có nghĩa là tất cả những tính năng mà người ta có thể tưởng tượng trên smartphone đều có trong LINE.
Nhắc đến thành công của LINE, không thể bỏ qua tầm quan trọng của sticker (nhãn dán). Nếu không có sticker, LINE không thể nổi tiếng đến vậy trong giới trẻ. Nó cũng là nguồn thu lớn, biến LINE thành một “gã khổng lồ” như ngày nay. Người dùng mua sticker cho bản thân hoặc làm quà tặng cho bạn bè. Với những người được nuôi dưỡng và lớn lên trong thế giới truyện tranh, sticker là cách dễ nhất và duyên dáng nhất để họ bày tỏ cảm xúc.
Họ có thể mua sticker với giá khoảng 1,7 USD/bộ hoặc tải miễn phí từ các thư viện được tài trợ, trong đó nhãn hàng bỏ tiền để giới thiệu nhân vật. Nhiều sticker được mua là nhân vật truyện tranh từ các bộ truyện cũ mà họ đọc khi còn nhỏ. Vì vậy, khi chia sẻ với bạn bè, các thông tin trao đổi trở nên ý nghĩa hơn và riêng tư hơn.
Chiến lược hiệu quả tới mức toàn bộ doanh thu của LINE có thể gói gọn chỉ bằng cách nhìn vào doanh số của sticker. Mỗi ngày, xấp xỉ 2 tỷ sticker được sử dụng và gửi đi trên LINE, với gần 40.000 sticker để lựa chọn. Về giá trị tài chính, trong 7 tháng đầu ra mắt, LINE Creator Market đã tạo ra 30 triệu USD doanh thu. Đây hoàn toàn là những con số biết nói về vai trò của sticker đối với LINE.
Cửa hàng LINE Friends có mặt tại nhiều địa điểm ở Nhật Bản.
Một lĩnh vực khác mà LINE làm rất tốt đó là game. Dữ liệu của App Ape chỉ ra hai tựa game của LINE Game nằm trong bảng xếp hạng 5 game được chơi nhiều nhất hàng ngày trên Android. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dùng LINE sử dụng sticker cũng là những người chơi game nhiều nhất. VentureBeat năm 2013 đưa tin LINE “vô tình” trở thành nền tảng game phổ biến tại Nhật Bản. Công ty tận dụng nhu cầu mua sắm vật phẩm trong ứng dụng của các game thủ. Đến năm 2018, LINE hợp tác với Disney ra mắt tựa game “Disney Tsum Tsum” và nhanh chóng là một trong các game được tải về nhiều nhất cũng như đem đến doanh thu khủng.
Cuối cùng, các ứng dụng smartphone chỉ hữu dụng nếu thế giới cần chúng. Hệ sinh thái LINE kết hợp nhịp nhàng với nhiều tình huống cuộc sống của người Nhật. Đặc biệt, nó còn có tính bảo mật cao. Những thuê bao mạng di động như NTT DoCoMo có hệ thống xác thực ID riêng, tạo ra cảm giác an toàn được người Nhật đánh giá cao, trong khi các mạng xã hội lớn khác như Facebook không có. Xác minh LINE ID bổ sung một lớp bảo mật, giúp người dùng tự tin hơn khi sử dụng các tính năng khác mà ứng dụng cung cấp.
Nếu như phần lớn người Nhật dùng LINE hàng ngày, chỉ có 5,5% thường đăng bài trên Facebook, theo một khảo sát năm 2018 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Họ chủ yếu vào Facebook để xem bài viết của người khác. Nhiều người đăng ký tài khoản nhưng không bao giờ dùng nó. Một bà nội trợ ở độ tuổi 60 chia sẻ bà e ngại thể hiện cảm xúc thật với bạn bè Facebook vì họ bao gồm nhiều đối tượng khác nhau. Do đó, LINE được yêu thích hơn so với Facebook khi người dùng muốn giao lưu.   
Chính vì những lý do kể trên, LINE trở thành mạng xã hội lớn nhất tại Nhật Bản và xu hướng không dễ gì thay đổi, nhất là sau khi Yahoo và LINE sáp nhập, tạo ra một trong các công ty Internet lớn nhất cả nước.
Du Lam (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)