Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mang xuân về cho nông dân

Tạp Chí Giáo Dục

PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm (phải) và ông Lê Hoàng Thanh bên chiếc bếp sử dụng gas từ hầm ủ biogas
Tôi ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Tư (ấp Nhân Lộc 1, Phong Điền, TP.Cần Thơ), sau 9 năm trở lại, tôi ngỡ ngàng trước ngôi nhà khang trang nằm ven tỉnh lộ 923 vừa được xây với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Trong nhà đủ phương tiện sinh hoạt hiện đại… Anh Tư hồ hởi khoe: Cơ ngơi này có được là nhờ cái hầm biogas của thầy Chiếm…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; là anh hai của 8 người em, cậu “nông dân” Nguyễn Hữu Chiếm sớm tham gia lao động phụ giúp cha mẹ. Vất vả nhưng cậu học rất giỏi. Tốt nghiệp ngành trồng trọt, ĐH Cần Thơ, kỹ sư Chiếm được học bổng sang Nhật học thạc sĩ, rồi tiếp tục lấy bằng tiến sĩ về môi trường sinh thái nông nghiệp. Trở về nước, TS. Nguyễn Hữu Chiếm giảng dạy ở ĐH Cần Thơ. Hơn 30 năm công tác, thầy Chiếm là một trong những người đặt nền móng về giảng dạy môi trường ở ĐBSCL.
Nhà khoa học của nông dân
Là nhà khoa học, thầy Chiếm luôn canh cánh trong lòng làm sao để giúp nông dân bớt vất vả, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Từ tâm nguyện đó, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, thầy nghiên cứu và chủ trì dự án “Phát triển nông thôn dựa trên cơ chế phát triển sạch”. Nhằm mục đích xây dựng mô hình điểm để phát triển nông thôn bền vững, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ. Dự án thực hiện tại ấp Mỹ Phụng, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, dưới sự hợp tác giữa Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, với Trung tâm Nghiên cứu thế giới về khoa học nông nghiệp (JIRCAS – Nhật Bản). JIRCARS hỗ trợ kinh phí giúp 1.000 hộ dân ở khu vực triển khai dự án và toàn huyện Phong Điền, quận Cái Răng, quận Bình Thủy, áp dụng kỹ thuật biogas để tạo năng lượng, thời gian thực hiện từ 2008 đến 2016.
Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Nếu người dân đô thị phải đối mặt với tình trạng tồn ứ rác thải sinh hoạt và công nghiệp; ô nhiễm không khí do khói bụi… thì khu vực nông thôn, bà con “sống chung” với tình trạng ô nhiễm do thuốc trừ sâu, rác thải nông nghiệp và bức xúc nhất là ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ chăn nuôi. Việc áp dụng các kỹ thuật mới, xây dựng mô hình sản xuất thân thiện với môi trường là yêu cầu cấp thiết, trong đó xây hầm biogas là giải pháp hữu hiệu nhất. Biogas giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần giải quyết ô nhiễm, giảm hiệu ứng nhà kính, và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững.
Bán công trình cho quốc tế

Anh Nguyễn Văn Tư (áo thun xanh, thứ hai từ bên phải) và vợ (bìa phải) cùng các kỹ thuật viên và cán bộ dự án, bên cạnh túi ủ biogas mới được lắp đặt
Dự án “Phát triển nông thôn dựa trên cơ chế phát triển sạch” gặp cản ngại ngay từ lúc triển khai khi nhiều nông dân “dị ứng” với hầm biogas, vì trước đó nhiều dịch vụ lắp đặt hệ thống này bị phá sản, gây thiệt hại nghiêm trọng. Từng bước khắc phục, thầy Chiếm tìm 15 hộ có kiến thức và “kết” với mô hình VACB (vườn-ao-chuồng-biogas), hỗ trợ họ xây túi ủ biogas, và tập huấn kỹ thuật xây dựng, sử dụng và bảo quản túi ủ, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Sau thời gian áp dụng đúng bài bản mô hình VACB, những nông dân này đạt hiệu quả cao về kinh tế. “Tiếng lành đồn xa”! Cứ thế, đến nay, không kể hàng trăm nông dân ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long bỏ tiền làm túi ủ biogas với hướng dẫn của các kỹ thuật viên dự án, tại TP.Cần Thơ có 600 hộ thuộc các quận, huyện Phong Điền, Cái Răng, Bình Thủy… Với cách làm khoa học, bài bản mà PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm đưa ra, mô hình VACB hồi sinh và ngày càng lan rộng.
Anh Nguyễn Văn Tư (ấp Nhân Lộc 1, Phong Điền), thổ lộ: “9 năm áp dụng mô hình VCB (vườn-chuồng-biogas), hiệu quả sản xuất và chi tiêu hợp lý giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn. Nhờ đó mà gia đình nuôi cô con gái lớn học ra trường và làm y sĩ; cô út vừa tốt nghiệp loại xuất sắc ngành sinh học, Trường ĐH Cần Thơ hiện đang làm việc ở tỉnh Tiền Giang”. Nói đến đây vợ anh Tư – chị Út – tiếp lời: “Nhà cửa, chuồng trại sạch sẽ, không bị xóm giềng cằn nhằn vì mùi hôi, mình an tâm chăn nuôi. Tui thấy xả thẳng phân heo xuống mương, mần cách gì cũng còn sót trong chuồng, đi qua nhà họ là nghe hôi rình. Trước đây tôi phải ra vườn mót củi phơi khô để nấu, cực nhất là mùa nước nổi, mùa mưa, không có chỗ phơi củi. Bây giờ nấu khí gas thiệt khỏe, nồi niêu nấu xong, chùi một lần là láng o”.
Năm 2010, ông Lê Hoàng Thanh, 64 tuổi, ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền được thầy Chiếm mời cộng tác. Ông nói về qui trình sản xuất: “Tôi tận dụng nước thải từ biogas để nuôi cá, giảm 40% lượng thức ăn. Sau đợt nuôi tôi vớt bùn dưới ao lên bón cây, giảm 50% lượng phân bón cần dùng cho vườn. Năm 2014, trừ chi phí tôi lãi ròng gần 140 triệu đồng”.
Trước thành công này, thầy Chiếm cho biết, những hiệu quả của dự án đã được Tổ chức Môi trường Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Nhật và Bộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam công nhận. Dự án đủ điều kiện bán Quota về bảo vệ môi trường. Chính phủ Nhật đồng ý mua với giá 250.000 USD. Theo kế hoạch, quý II năm 2015 việc ký kết sẽ tiến hành.
Đầu xuân, tôi mạn phép hỏi thầy về hướng tới, vị phó giáo sư mộc mạc nói: “Tôi chỉ có nguyện vọng là được góp phần giúp người nông dân nâng cao chất lượng sống. Tôi đang nghiên cứu xây dựng mô hình biogas mang tầm trang trại. Hy vọng những mô hình này sẽ góp phần giúp bà con tăng thu nhập, và bộ mặt nông thôn ngày càng cải thiện”.
Đan Phượng
Trở lại huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ, trong những ngày sắc xuân đang chộn rộn kéo về, tôi rất đỗi bỡ ngỡ trước những thay đổi nơi đây. Tỉnh lộ 923 được mở rộng, tráng nhựa phẳng lì, thông thương với các tuyến đường liên tỉnh, những cây cầu bề thế được xây dựng để nối những bờ vui. Hai bên đường, cùng với những hàng cây xanh, nhiều căn nhà mới xây, khang trang, sáng đẹp trong nắng mai. Đây là khu vực Lộ Vòng Cung lừng danh trong kháng chiến chống Mỹ, và địa danh “Vòng Cung đi dễ khó về…” ngày ấy bây giờ trở thành địa điểm du lịch sinh thái hàng năm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Mang dáng dấp đô thị nhưng nơi đây vẫn là vùng quê lúa, và bên cạnh sự trù phú còn có điểm nổi bật, ngày trước, những hộ chăn nuôi thường khiến mọi người khó chịu vì mùi hôi thối bốc ra thì giờ đây, số đàn heo tăng nhiều nhưng môi trường khá trong lành. Đấy là do hầu hết hộ chăn nuôi đã áp dụng mô hình VACB hoặc VCB. Ngoài thị trấn, nhiều xã của huyện cũng đẩy mạnh áp dụng VACB như: Trường Long, Mỹ Khánh, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân… Thành quả trên có vai trò quan trọng của NGƯT.PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ.
 

Bình luận (0)