Không có ý định vào ĐH bằng mọi giá, nhiều học sinh đã chọn học trường nghề nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường lao động. Đó là chia sẻ của nhiều học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn (TP.HCM) trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.
Học nghề là sự lựa chọn đúng
Tại các gian hàng tư vấn, nhiều em học sinh đã đăng ký thử học nghề để xem có thực sự phù hợp với mình hay không? Em Trương Hữu Trí (học lớp 12A3) cho biết: “Em rất thích ngành công nghệ thông tin nhưng năng lực của em không giỏi. Nếu thi vào các trường ĐH lớn như Bách khoa, Khoa học Tự nhiên… thì khó mà trúng tuyển. Nếu không đỗ ĐH, chắc chắn em sẽ chọn trường nghề chứ không ôn thi lại. Vì thế, em đang tìm hiểu nghề thiết kế đồ họa hoặc điện – điện tử”.
Thực tế, những năm gần đây, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn đã không ngần ngại chọn học trường nghề. Thầy Phan Hường, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Kỳ xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua, trường có 64 học sinh/hơn 400 em lớp 12 đỗ ĐH đợt 1, những đợt tiếp theo chúng tôi đang thống kê lại. Hàng năm, tính trung bình trường có khoảng 30% học sinh đỗ ĐH, số còn lại vào trường CĐ, CĐ nghề, TCCN hoặc đi làm ở Khu chế xuất Tân Thuận”.
Ông Lê Thiên Huy, đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đang giải đáp thắc mắc của học sinh ở phần tư vấn riêng |
Nói về lý do có nhiều học sinh chọn học trường nghề, thầy Phan Hường cho rằng: “Quận 7 là địa bàn tập trung nhiều công ty, xí nghiệp cần lao động có tay nghề, vì nơi đây có Khu chế xuất Tân Thuận. Và nơi đây cũng giáp với các huyện có nhiều nhà máy, xí nghiệp như Bình Chánh, Nhà Bè. Vì thế, các em học sinh đã được nhà trường tư vấn kỹ để có sự lựa chọn đúng đắn, ra trường có việc làm ngay mà không phải đi xa. Hơn nữa, hiện nhiều nhà máy tại các khu chế xuất – khu công nghiệp vừa tuyển lao động, vừa mở lớp đào tạo nghề nên rất phù hợp với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn”.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tư vấn phân tích rằng trên địa bàn quận 7 và các quận/huyện lân cận có nhiều trường CĐ, TC đào tạo nghề nên thuận lợi cho việc đi lại của các em. Vì thế, không vào ĐH mà chọn trường nghề là sự lựa chọn đúng đắn của các em.
Cơ hội việc làm không thiếu
Theo các chuyên gia tư vấn, nhu cầu lao động có trình độ ĐH, sau ĐH hiện nay không nhiều, trong khi đó nhu cầu lao động có trình độ thấp hơn lại cần rất nhiều. “Cơ cấu nhân lực nước ta hiện nay ở trình độ sau ĐH chỉ chiếm 2%, ĐH chiếm 14%, CĐ chiếm 13%, TCCN và TC nghề chiếm 35%, số còn lại là sơ cấp nghề và lao động tự do. Thành phố cũng xác định 4 ngành công nghiệp trọng điểm mà chúng ta sẽ phát triển mạnh trong những năm tới là cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – cao su. Vì vậy, học sinh không nhất thiết phải vào ĐH, nếu chọn nghề phù hợp với năng lực và sở thích, các em sẽ thành công”, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, phân tích.
Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp đỏ mắt tìm kiếm lao động có tay nghề trong khi thạc sĩ, cử nhân lại thất nghiệp rất nhiều. Ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường MaacViet Arena, cho hay: “Trường chúng tôi đào tạo nghề hai năm nhưng khi các em còn học tại trường, nhiều doanh nghiệp đã đến tuyển dụng, cho phép các em vừa học vừa làm nhưng vẫn tuyển không đủ”.
Trong khi đó, ông Lê Thiên Huy, đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Nếu không đủ điều kiện vào ĐH, các em có thể xét vào hệ CĐ chính quy của trường chúng tôi với điểm số thấp hơn hoặc xét tuyển vào hệ CĐ thực hành. Với hệ CĐ thực hành, các em chỉ cần nộp học bạ THPT xét tuyển là được. Hiện hệ này ở trường chúng tôi đang đào tạo hơn 15 ngành, trong đó có những ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, điện – điện tử… để đáp ứng nhu cầu cho các khu chế xuất – khu công nghiệp.
Bài, ảnh: MINH CHÂU
Cơ cấu nhân lực nước ta hiện nay ở trình độ sau ĐH chỉ chiếm 2%, ĐH chiếm 14%, CĐ chiếm 13%, TCCN và TC nghề chiếm 35%, số còn lại là sơ cấp nghề và lao động tự do. |
Bình luận (0)