Ngày 12-4, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Diễn đàn kinh tế năm 2017. Hội nghị thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế Trung ương, lãnh đạo các trường ĐH cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh… Tại đây nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển xứng tầm, Cần Thơ phải mạnh dạn thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém…
75 dự án FDI nhưng chỉ có 65 triệu USD
Tại đây, các đại biểu thừa nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức cao nhưng chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của Cần Thơ chưa cao; chưa xác định rõ sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp, dịch vụ mũi nhọn để đầu tư đúng mức; chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng của thành phố cũng như về thương mại, dịch vụ và du lịch… TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thẳng thắn: “Môi trường đầu tư của Cần Thơ chưa thật sự hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển của thành phố còn nhiều khó khăn; diện tích “đất sạch” để thu hút đầu tư không đáng kể; nguồn thu ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ bản và các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch có mặt chưa tốt. Trên một số lĩnh vực còn yếu kém, chưa đồng bộ, còn dàn trải trong quy hoạch các khu công nghiệp, khu dân cư. Một số dự án không có khả năng triển khai nhưng chậm thu hồi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố”.
TS. Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp – Ban Kinh tế Trung ương, thì cho rằng: “Nguồn nhân lực tuy đáp ứng yêu cầu nhưng chưa tương xứng với đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Chất lượng nguồn nhân lực, mặt bằng học vấn, tay nghề công nhân lao động của thành phố còn thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Còn tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng chậm có giải pháp khắc phục. Đời sống người lao động và một bộ phận cán bộ, viên chức còn khó khăn. Sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và một bộ phận cán bộ chưa theo kịp yêu cầu phát triển của đô thị loại I…”.
Thừa nhận những hạn chế của địa phương, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “Đến nay Cần Thơ thu hút 75 dự án FDI với tổng số vốn là 65 triệu USD, chỉ bằng 2% vốn FDI toàn khu vực, quy mô các dự án thì nhỏ, tản mạn. Nguyên nhân có nhiều, trong đó khách quan là giao thông chưa thuận tiện cho vận tải hàng hóa, nguyên liệu; Công nghệ phụ trợ chưa phát triển; Hạ tầng mềm (gồm giáo dục, y tế, nơi vui chơi giải trí cho các nhà đầu tư…) còn yếu. Để khắc phục, thành phố đang mời gọi Singapore và nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu tham gia các lĩnh vực này”.
Phát huy vị trí trung tâm của ĐBSCL
Để Cần Thơ phát triển xứng tầm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Về phía Trung ương, cần có những chính sách, cơ chế thông thoáng để tạo nền tảng cho Cần Thơ phát triển. Đối với Cần Thơ, ngoài việc khắc phục những hạn chế chủ quan, cần phát huy vị trí là trung tâm kết nối về mặt địa lý và kinh tế của ĐBSCL với thế mạnh của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và 2 cảng biển Cái Cui, Cần Thơ; cùng các tỉnh trong vùng kết nối giao thông với nhau và với TP.HCM”.
Đồng quan điểm, TS. Hoàng Xuân Hòa cũng cho rằng, Cần Thơ nên tăng cường hơn hiệu quả hợp tác với TP.HCM và các địa phương trong cả nước, đặc biệt là những địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong và ngoài nước.
Về vấn đề nhân lực, nhiều chuyên gia cho rằng Cần Thơ phải cải thiện để có được tính năng động, nhạy bén; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như nâng tỷ lệ lao động được đào tạo. Đặc biệt, “Cần Thơ cần tiếp tục rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ đầu ngành cho phù hợp. Phát huy, sử dụng tốt đội ngũ cán bộ có học vị, học hàm, đội ngũ trí thức có tâm có tầm, mạnh dạn thay thế những người yếu kém để đội ngũ cán bộ – viên chức sẽ đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của thành phố”, TS. Hoàng Xuân Hòa nói.
Ngoài ra, theo PGS.TS Võ Thành Danh, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Cần Thơ, thì: “Ngoài việc phát triển kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng, liên vùng; phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistic đại diện cho ĐBSCL, xác định một số ngành chiến lược để tập trung phát triển; tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, Cần Thơ cần có giải pháp đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, trong đó đặc biệt phát huy nguồn vốn ngoài ngân sách để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của thành phố khi các nguồn vốn đầu tư ngân sách không đáp ứng kịp…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)