Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mạnh dạn trở lại giảng đường dù quá tuổi 20

Tạp Chí Giáo Dục

Sau tốt nghiệp THPT, một số bạn trẻ không thể tiếp tục học đại học, cao đẳng, nhưng những năm sau nhận ra rằng con đường học tập mang lại cho mình tương lai tốt hơn.

Không cô đơn trên giảng đường

Bước qua tuổi 34, anh Dương Trọng Nghĩa làm việc cho Công ty thiết bị điện CADIVI (Q.1, TPHCM) với vai trò kỹ thuật viên công nghệ thông tin (IT)]. Cuộc sống đã đi vào ổn định, anh Nghĩa quyết định trở lại Học viện Bưu chính viễn thông TP.HCM, tiếp tục theo đuổi đam mê IT của mình.

Anh Nghĩa ch biết không cảm thấy quá hồi hộp hay lo lắng khi đi học lại. NVCC

15 năm trước, khi tốt nghiệp THPT, anh Nghĩa đã chọn học cao đẳng nghề. Dù là một sinh viên giỏi, nhưng ra trường, con đường xin việc của anh cũng khá gập ghềnh. Trong 3 năm đầu tốt nghiệp cao đẳng nghề, anh phải đổi nhiều công việc, mỗi lần như vậy, phải tốn nhiều tháng đợi chờ. Cuối cùng, anh cũng chọn được công ty phù hợp và làm ổn định trong 9 năm qua.

Sau ngần ấy năm, anh Nghĩa vẫn nghĩ kiến thức của mình sẽ không vững nếu không được học đại học nên quyết định tiếp tục học để hoàn thiện mình. Nhiều năm qua, anh Nghĩa chỉ tập trung vào công việc tại công ty, cũng như đam mê nhiếp ảnh. Có tất cả mọi điều kiện để vui chơi giải trí, nhưng anh vẫn chọn việc học.

“Học là học cho mình. Đầu tư cho bản thân sẽ không bao giờ lỗ. Giờ mọi thứ ổn định, mình cũng chưa có gia đình, có nhiều thời gian trống sẽ làm cho mình lười dần nên mình chọn đi học. Bên cạnh đó, nếu có phải đổi công việc, mình cũng không còn lo đến chuyện bằng cấp”, anh Nghĩa bày tỏ quan điểm.

Trở lại trường học, anh tân sinh viên cho biết cũng hơi e dè vì đã quên khá nhiều kiến thức nền. Nhưng anh Nghĩa vẫn tin rằng với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, anh sẽ dễ hiểu hơn ở các môn có tính chuyên môn của ngành. Bên cạnh đó, học đại học mang lại cho anh sự tươi mới, năng động hơn, có thể học hỏi được nhiều hơn từ nhà trường và các bạn trẻ.

Thạc sĩ Đặng Phúc Hậu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng chia sẻ: "Nhiều bạn trẻ quyết định quay lại đại học lý do thường vì khó xin việc hoặc cần học lại từ căn bản. Hay đơn giản là muốn trải nghiệm đời sống sinh viên. Dù có chút tự ti nhưng việc trở lại này không quá khó nếu như có kế hoạch rõ ràng và chuẩn bị cho mình đầy đủ kỹ năng cần thiết".

Mạnh dạn trở lại giảng đường dù quá tuổi 20 - Ảnh 2.

Nhiều người tin rằng đại học là môi trường đáng để trải nghiệm. Trí Nghĩa

Theo ông Hậu, trong một lớp học có đến 10% các bạn lớn tuổi hơn so với các bạn cùng niên khoá. Sinh viên đều rất hoà đồng, vui vẻ, không để anh chị lớn hơn phải bị cô lập trong lớp. Thông thường, sinh viên nhỏ tuổi hơn rất kính trọng anh chị hơn tuổi. Trừ khi chính bản thân mỗi người tự cô lập mình.

Thạc sĩ Hậu cho biết thêm để trở lại đại học, quan trọng nhất là đã ổn định cuộc sống, có khả năng kiếm tiền và có thể chọn được môi trường có giờ giấc linh hoạt. Dù có thể hơi mất thời gian để bắt kịp việc học, nhưng người đã có kinh nghiệm công việc sẽ có lợi thế hơn để vượt qua các môn học.

Qua nhiều năm giảng dạy, thạc sĩ Phúc Hậu cũng thấy được người ít tuổi hơn có thể học hỏi được chín chắn, kinh nghiệm cuộc sống từ những người bạn lớn tuổi hơn. Dù ở độ tuổi nào, với mục đích nào, việc học tập, trong đó có việc học đại học là điều nên trải nghiệm. Đây là quãng thời gian đẹp, ý nghĩa.

Tin tương lai tươi sáng

Tốt nghiệp THPT năm 2018, Ngô Thị Loan (27 tuổi) làm công nhân sản xuất, rồi chuyển qua mảng làm đẹp. Cuối cùng, sau khi sinh con, Loan đi làm nghề design ảnh. Dù đã lên chức phụ huynh, nhưng Loan vẫn quyết tâm trở lại Trường cao đẳng Kinh tế và công nghệ, Hà Nội để tiếp tục theo học.

Có con cũng là một trong những động lực để Loan quyết định đi học lại. Loan kể thời gian mang bầu ở nhà đã làm cho cô phải suy nghĩ rất nhiều về tương lai. Khi có em bé, việc đi học lại của Loan trở nên khó khăn hơn, phải sắp xếp thời gian để chăm con và cáng đáng công việc. "Nhiều lần mình muốn bỏ cuộc, nhưng cuối cùng vẫn tập trung vào mục tiêu học tập, sau này còn có thể giáo dục con của mình một cách tốt nhất", Loan nói.

Cùng thế hệ với Loan, năm 2017, Phạm Duy (28 tuổi, ngụ Q1, TP.HCM) đăng ký thi vào Trường ĐH Y Hà Nội. Vì thi trượt nên Duy quyết định đi nghĩa vụ quân sự, sau 2 năm, Duy ra quân đi làm công việc bán hàng tại Hà Nội.

Làm được 2 năm, thấy cuộc đời chông chênh, Duy quyết định vào TP.HCM học trường Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng. Mỗi ngày anh sinh viên phải vừa học, vừa làm để ổn định cuộc sống. Đối với Duy, trở thành sinh viên khiến anh cảm nhận được sự vô tư, hồn nhiên của các bạn trẻ và trở nên tích cực hơn. Mọi thứ tại trường học yên bình hơn rất nhiều so với cuộc sống bên ngoài.

Trở lại với việc học tập, Duy từng một phen chới với khi theo không kịp các chương trình học. "Dù vậy, gia đình và bạn bè vẫn bên cạnh động viên mình để tiếp tục đường đua học tập. Mục tiêu của mình là học thật giỏi tiếng Anh và chuyên ngành bảo trì sửa chữa ô tô. Mình tin rằng khi đã muốn thì sẽ làm được và chỉ có học mới làm tương lai tươi sáng hơn", Duy khẳng định.

Theo Trí Nghĩa/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)