Thân nhân của người bệnh nên cảnh giác với các mánh lừa gạt của kẻ gian (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: H. Triều
|
Người bệnh vào bệnh viện (BV) điều trị cũng như các thân nhân nuôi người bệnh vốn đã rất buồn khổ. Thế nhưng, họ còn phải đối mặt với nỗi lo trước những mánh lừa gạt của kẻ gian “ẩn nấp” trong BV.
Bà Nguyễn Thị N. (57 tuổi, quê ở Bến Lức – Long An) lên BV Chợ Rẫy TP.HCM tái khám bệnh gan. Buổi trưa, bà N. xuống căng tin BV ăn cơm để chờ buổi chiều lấy kết quả. Đang ngồi ăn, bỗng có một phụ nữ tầm 34 tuổi, ăn mặc sang trọng đến bắt chuyện: “Chào dì, chắc dì không nhớ con hả?”. Bà N. còn chưa hết ngạc nhiên thì người phụ nữ kia nói tiếp: “Con là bạn của con dì nè”. Bà N. buột miệng: “Bạn của con K. – con gái tôi phải không”. Thế là người phụ nữ hỏi một tràng: “Dạ đúng rồi, con tên là Lan, K. khỏe không dì, có gia đình chưa. Con đi nước ngoài mười mấy năm nay mới về”. Câu chuyện cứ thế tiếp tục, bà N. không chút mảy may nghi ngờ đã kể hết hoàn cảnh gia đình của K. hiện tại cho người phụ nữ tên Lan kia nghe. “Tội nghiệp K. quá, con cứ nghĩ K. khá giả lắm. Nhà mẹ con gần đây, dì đi với con tới chơi cho biết nhà, sẵn con gửi ít tiền gọi là giúp đỡ bạn bè trong cơn khốn khó…”. Ăn xong bữa cơm, bà N. xách giỏ đi với Lan. Lan chở bà N. chạy lòng vòng qua các con hẻm vắng rồi dừng lại. Một thanh niên bịt kín mặt cầm dao xông ra, uy hiếp bà N. lấy đôi bông tai bằng vàng bà đang đeo và số tiền hơn một triệu đồng xong rồi cả hai biến mất. Bà N. chỉ còn biết đứng khóc rồi đi trình báo công an… Đây là chiêu lừa gạt mới nhất của kẻ gian, hay nhắm vào những phụ nữ nhẹ dạ cả tin ở quê lên TP khám bệnh. Anh Trần Công H., quê ở Cà Mau lên BV Gia Định TP.HCM nuôi mẹ bệnh kể: “Đêm 8-5 vừa qua, tôi nằm trong phòng nuôi bệnh nhân, cắm điện thoại di động sạc pin và để ngay trên đầu nằm. Sáng ra, tôi phát hiện điện thoại di động mất. Chị nằm giường bệnh bên cạnh cho biết nửa đêm có một người đàn ông đi vào lẩm bẩm: “Ngủ mà không đưa điện thoại tao giữ lại để sơ sẩy như thế này” rồi gỡ điện thoại bỏ túi quần. Tôi cứ tưởng đó là họ hàng của anh nên không gọi anh”. Nghe xong, anh H. chỉ biết kêu trời… Bà Nguyễn Thị M. ở quận 9 nuôi con bệnh ở BV Bình Dân và gặp một cô gái tự giới thiệu nuôi mẹ ở phòng bên. Hai buổi sáng, cô gái lấy cơm từ thiện về cho bà M. ăn. Sáng thứ ba, con trở bệnh nặng, bà M. chạy đi mua thuốc, giữa đường gặp cô gái và kể lể, cô gái liền bảo để mình nhanh chân chạy mua thuốc giúp. Không có tiền lẻ, bà M.đưa cô gái tờ 500.000 đồng và cô ta đã một đi không trở lại. Bà M. sang các phòng bên hỏi thì không có cô gái nào như bà tả đi nuôi mẹ ốm ở đây cả. Hiện, kẻ gian trong các BV có các hình thức lừa đảo phổ biến như giả danh bác sĩ, y tá (mặc áo blouse trắng, đeo bảng tên); giả dạng người đi nuôi bệnh để làm quen, kết thân với những người xung quanh, nhận giữ đồ giúp sau đó bỏ trốn; nhận mua thuốc giùm với giá rẻ; trà trộn vào phòng bệnh lúc vắng người hoặc ban đêm để trộm cắp… Hầu hết các BV trong TP đều phát loa mỗi ngày hai lần nhắc nhở mọi người nhưng tình trạng này vẫn chưa cải thiện được mấy. Có thể nói, những người đi nuôi bệnh thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, không ổn định nên hay mất cảnh giác, dễ bị kẻ gian dụ dỗ, lừa gạt dưới nhiều hình thức.
Ngọc Răng
Bình luận (0)