“Tình hình kinh tế thành phố trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014 có hướng phát triển mạnh. Đây chính là đòn bẩy tạo thế và lực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của thành phố trong năm 2014” – Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đánh giá như vậy tại cuộc họp kiểm điểm thường kỳ tình hình kinh tế – xã hội TPHCM tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014.
Sản xuất thực phẩm chế biến tại Công ty Vissan phục vụ chương trình bình ổn giá. Ảnh: CAO THĂNG
Nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm
Chỉ số phát triển công nghiệp tăng liên tục trong 8 tháng qua là một trong những điểm tích cực của nền kinh tế TPHCM. Cụ thể, 8 tháng ước tăng 6,5%, so cùng kỳ chỉ tăng 5,5%. Theo phân tích của đồng chí Lê Hoàng Quân, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 7,5% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Một trong những kết quả khá lạc quan khác trong hoạt động đầu tư được ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM, nêu ra: Đối với đầu tư trong nước, tính đến ngày 20-8 có 15.071 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 81.531 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 12% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 3% về vốn đăng ký. Ngoài ra, có gần 33.000 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh với số vốn bổ sung 83.890 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 13% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% về vốn bổ sung). Riêng đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-8, có 241 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 1,06 tỷ USD, so cùng kỳ giảm 7,3% về số dự án nhưng tăng 80,3% về tổng vốn. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát và tăng hợp lý. Thị trường xuất khẩu đa dạng, phong phú, không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nhập khẩu giảm, riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc giảm 7,4% và xuất khẩu tăng 15,4%.
Ngoài ra, qua báo cáo của UBND TP, đến thời điểm này, các cảng sông, cảng biển đã được khai thác hiệu quả, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu liên tục tăng mạnh, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khá, 8 tháng đầu năm ước thực hiện 170.683 tỷ đồng, đạt 75,42% dự toán, tăng 16,25% so cùng kỳ. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, giảm diện tích trồng lúa một vụ, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của TP. Hoạt động du lịch có nhiều nét mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham gia, doanh thu ngành du lịch đạt kết quả tích cực.
Gỡ khó về vốn, mặt bằng
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, đạt được kết quả khả quan nêu trên là do TP tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt tháo gỡ khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ.
Tuy vậy, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cũng chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế TP vẫn còn khó khăn nhất định. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng cao hơn kim ngạch nhập khẩu, và trong cơ cấu nhập khẩu, một số mặt hàng, sản phẩm công nghệ cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có xu hướng giảm về giá trị nhập khẩu nhưng vẫn còn một số sản phẩm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hóa chất có kim ngạch nhập khẩu tăng. Tổng vốn ngân sách nhà nước của TP đã giải ngân từ đầu năm đến nay đạt tỷ lệ hơn 58% so với kế hoạch được giao nên đây sẽ là gánh nặng giải ngân lên các tháng cuối năm. Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới trong tháng khá lớn, nhưng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vẫn còn ở mức cao.
Từ phân tích trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM góp ý, TP cần tiếp tục chuyển đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu và nhập khẩu; quan trọng hơn là đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác sản xuất, liên kết sản xuất các sản phẩm, linh kiện phục vụ cho các ngành công nghiệp trọng yếu của TP để góp phần chuyển đổi mô hình tăng trường bền vững hơn.
Theo lãnh đạo TPHCM, trong những tháng còn lại của năm nay, TP tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ. TP cũng sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách. Tại cuộc họp, nhiều lần Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh sẽ kiên quyết cắt, giảm vốn đối với các dự án không hoặc chậm thực hiện.
Giai đoạn 2016 – 2020: Chiều 26-8, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thành phố 5 năm 2016 – 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 của Chính phủ. Theo Kế hoạch phát triển TPHCM giai đoạn 2016 – 2020, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt từ 9,5% – 10%/năm, đến năm 2020 GDP bình quân đầu người theo giá thực tế từ 8.430 – 8.822 USD/người/năm; không còn hộ nghèo theo chuẩn thu nhập trên 16 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ cận nghèo theo chuẩn thu nhập 21 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp, đến năm 2020 khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng từ 58,16% – 60,07%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng từ 39,19% – 41,07% và nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 0,74% – 0,78%. Về kế hoạch đầu tư công, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các đơn vị chức năng, các quận, huyện lập kế hoạch phải bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm phục vụ nhu cầu bức thiết dân sinh, không dàn trải vốn. |
VÂN ANH (SGGP)
Bình luận (0)