Tràn lan nội dung xấu, độc
Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, phim chiếu mạng trở thành mảnh đất màu mỡ của nhiều nhà sáng tạo nội dung. Sức hút của các bộ phim chiếu mạng đến từ những chất liệu trong cuộc sống, kịch bản hài hước, dí dỏm. Những sê-ri của nhóm làm phim nghiệp dư như FapTV, BB&BG, Thích Ăn Phở… luôn nhận được nhiều sự yêu thích từ khán giả. Chưa kể, một số nhà sản xuất chuyên nghiệp như NSND Hồng Vân, diễn viên Trấn Thành, Thu Trang… cũng đầu tư nghiêm túc cho thị trường phim chiếu mạng.
Tuy nhiên, chất lượng lại không phải ưu tiên của nhiều nhà sản xuất phim chiếu mạng hiện nay. Những bộ phim chiếu mạng kém chất lượng với nội dung độc hại ngày càng nở rộ.
Nhiều phim chiếu mạng, nội dung xấu độc trên mạng xã hội thu hút người xem bằng tiêu đề gây sốc
Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, tiếp xúc thường xuyên với một nội dung nào đó, con người dễ có hành vi bắt chước, dẫn đến những hành vi lệch lạc trong xã hội. “Nhiều video đề cập vấn đề mại dâm, tình dục…, nếu người xem thật sự coi những điều trong phim đang diễn ra ngoài đời sống thực, họ sẽ không có niềm tin vào xã hội", PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định.
Việc sản xuất các phim chiếu mạng mang đến nguồn thu không nhỏ từ số lượng người xem, lượt tương tác. Chính vì thế, nhiều nhà sản xuất sẵn sàng dùng những chiêu thức gây tò mò, lôi kéo người xem một cách phản cảm như bạo lực và tình dục.
Trước thông tin xoay quanh vấn đề quản lý, kiểm tra phim chiếu mạng, diễn viên Huỳnh Phương (FapTV) khẳng định, đây là tin vui với những nhà làm phim chân chính. “Các quy định kiểm tra, quản lý giúp môi trường làm phim trên YouTube sạch hơn. Nếu không có sự quản lý từ cơ quan chức năng, một số đơn vị thích gì làm đó, cẩu thả về nội dung, vô hình trung khiến các nhà sản xuất khác bị đánh đồng”, Huỳnh Phương nói. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được một số chuyên gia lý giải là do giới trẻ quá chú trọng đến khởi nghiệp, làm giàu từ khi còn trẻ. Để giàu lên thì có nhiều cách nhưng giàu lên một cách nhanh chóng, dễ dàng có thể kể đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân, đặc biệt là trên mạng. Việc đầu tiên cần làm khi xây dựng thương hiệu là phải nổi tiếng và muốn nổi tiếng chỉ có hai con đường: tài năng và chiêu trò. Thực tế, nhiều người sản xuất phim chiếu mạng chọn chiêu trò. Từ đó, thị trường phim chiếu mạng ngày càng sinh ra những sản phẩm phản cảm, độc hại.
Dọn phim “rác” online
Trước thực trạng phim chiếu mạng tràn ngập sự phản cảm, độc hại gây ảnh hưởng lớn đến khán giả, đặc biệt là giới trẻ vốn là những người dùng mạng xã hội chưa có ý thức bảo vệ mình, Bộ VHTTDL quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.
Tổ công tác gồm 10 thành viên. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm Tổ trưởng. Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt là Tổ phó thường trực, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà đảm nhận vị trí Tổ phó. Tổ công tác chịu trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện.
Tổ công tác thực hiện cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng. Việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng cũng do Tổ công tác phụ trách. Cục Điện ảnh phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL xử lý vi phạm khi phát hiện những nội dung “rác”, độc hại.
Liên quan đến việc quản lý các nội dung trực tuyến khác, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan liên quan cũng sẽ kiểm tra toàn diện TikTok tại Việt Nam và xử lý nghiêm sai phạm. Cụ thể, từ ngày 15/5, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ bắt đầu kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, dự kiến việc kiểm tra sẽ kéo dài hết tháng 5.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT), cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi công văn cho các bộ, ngành liên quan cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, đến nay danh sách đoàn kiểm tra sắp hoàn thiện.
Những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Mạng xã hội lan truyền những nội dung khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, trong thời gian tới, Cục PTTH&TTĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự tạo sức đề kháng trước các nội dung xấu độc. Những nội dung “rác” được lan truyền mạnh mẽ là do đánh vào sự tò mò của người dùng, vì thế người dùng nên tỏ thái độ với nội dung kém chất lượng, để chúng “hết đất sống”.
Theo Gia Linh – Ngọc Ánh/TNO
Bình luận (0)