Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mạnh tay với mua bán ngoại tệ trái phép

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thị trường ngoại tệ tự do TP.HCM đang thu hẹp trước sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên cần có những biện pháp khác đi kèm để giảm dần tình trạng "đô la hóa" hiện nay.
Có thể bị khởi tố hình sự
Trong những ngày đầu năm 2010, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã ra quyết định xử phạt 2 đơn vị thu đổi ngoại tệ trái phép với số tiền phạt 57,5 triệu đồng/đơn vị. Cơ quan chức năng cũng đang hoàn tất 2 hồ sơ mua bán ngoại tệ trái phép để ra quyết định xử phạt và hiện cũng đang tiến hành nhiều đợt kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu mua bán ngoại tệ trái phép cũng như niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ.
Ngoại tệ mua bán trái phép gặp rủi ro bị tạm thu cao – Ảnh: D.Đ.M
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết, khác với những năm trước, NHNN thường phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, quản lý thị trường để thành lập đoàn kiểm tra các đơn vị mua bán ngoại tệ trái phép hay niêm yết giá cả hàng hóa bằng ngoại tệ thì từ cuối năm 2009, các cơ quan chức năng này tự chủ động đi kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo tính bảo mật, bất ngờ đối với những điểm kinh doanh ngoại tệ hay niêm yết hàng hóa dịch vụ trái phép này. Cụ thể, NHNN sẽ kiểm tra những điểm thu đổi ngoại tệ được cấp phép, công an kiểm tra những đơn vị không được cấp phép và cơ quan quản lý thị trường kiểm tra những đơn vị niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ. Trong 4 tháng cuối năm 2009, cơ quan chức năng đã xử phạt 1 doanh nghiệp và 4 cá nhân với số tiền phạt là 189,5 triệu đồng, đồng thời phạt 34 đơn vị niêm yết giá cả hàng hóa bằng ngoại tệ gồm các cửa hàng mua bán hàng tiêu dùng, máy tính, đồ thể dục thể thao… là 25 triệu đồng/đơn vị.
Ngoài các điểm giao dịch ngân hàng, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có 83 đại lý thu đổi ngoại tệ mà người dân có thể đến để đổi. Các đại lý thu đổi ngoại tệ chủ yếu đặt tại khách sạn 3 sao trở lên, siêu thị, văn phòng bán vé hàng không nước ngoài, sân bay, các trung tâm thương mại…
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, người dân hiện nay chưa hiểu việc mua bán ngoại tệ tại các điểm trái phép khi bị phát hiện sẽ bị tạm thu số ngoại tệ này. Do đó, trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tuyên truyền rộng rãi hơn về vấn đề này trong dân chúng.
Theo một chuyên gia về ngoại hối, sau khi cơ quan chức năng có quyết định phạt hành chính đối với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép thì số ngoại tệ tạm thu sẽ phải thực hiện bán lại cho ngân hàng. Hành vi mua bán ngoại tệ trái phép bị xử phạt vài lần là đã có thể khởi tố hình sự.
Cùng với quy định các tập đoàn kinh tế phải bán ngoại tệ lại cho ngân hàng, những đợt kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng đã phần nào làm cho thị trường ngoại tệ tự do thu hẹp, giá USD tự do giảm nhanh, một số điểm thu đổi trái phép không còn dám công khai như trước.
Cải thiện tỷ giá để "diệt" chợ đen
Trên thực tế, nhiều năm qua việc kiểm tra thị trường ngoại tệ tự do đã được tiến hành, đặc biệt là dịp cuối năm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn thì mọi việc lại "đâu vào đó". Các hoạt động thu đổi, niêm yết, dùng ngoại tệ thanh toán càng diễn ra nhiều hơn. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TP.HCM) lý giải, chênh lệch giá ngoại tệ trong và ngoài ngân hàng, cộng với việc các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của người dân nên mới "lòi" ra thị trường chợ đen. Chưa kể khi người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thì giá bán sẽ thấp hơn khoảng 1.000 đồng/USD so với thị trường tự do, như vậy thì người dân thiệt. Do đó, phải làm sao cho tỷ giá trong ngân hàng nới dần đến tự do hóa thì mới triệt được tận gốc vấn đề USD hóa. Tuy nhiên giải pháp này khó thực hiện vì tỷ giá là một trong những công cụ điều tiết vĩ mô.
 Trên thực tế, tình trạng khiến các ngân hàng khó thu hút được nguồn ngoại tệ trong dân chúng là do việc mua ngoại tệ trong ngân hàng quá khó khăn. Người dân mang ngoại tệ vào ngân hàng bán thì dễ nhưng khi họ cần đi du học, chữa bệnh, du lịch… thì mua ngoại tệ lại cực kỳ khó. Trong một số thời điểm, người dân cần bán ngoại tệ thì ngân hàng lại "chê" không mua. Có thể nói, chính ngân hàng đã "đẩy" khách hàng ra thị trường chợ đen nên thị trường này mới có đất hoạt động.
Bên cạnh đó, việc một số tổ chức nước ngoài dự báo giá USD cuối năm 2010 sẽ tăng lên cũng dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ trong người dân. Một chuyên gia cho rằng, để người dân không găm giữ ngoại tệ thì cần làm rõ sự kỳ vọng này là không có cơ sở.
Thanh Xuân /TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)