Theo thống kê sơ bộ từ Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, trong tuần đầu tiên thực hiện đợt cao điểm đảm bảo trật tự ATGT dịp cuối năm và phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2020, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 179 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đây là hành vi đang được siết chặt nhằm phòng ngừa và kéo giảm TNGT ở cả 3 mặt trên toàn địa bàn TP.
CSGT quận 1 kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong đợt cao điểm
179 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 1 tuần
Thông tin từ Công an quận 1 vào ngày 27-12 cho biết, địa phương đã nỗ lực triển khai đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ theo chỉ đạo của Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM từ ngày 16-12. Trong đó, các tuyến đường trung tâm trên địa bàn phường Tân Định, Bến Thành, Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé luôn được chú trọng tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trong dịp cuối năm cho đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, tổ công tác còn phối hợp với Tổ tuần tra 363 kiểm tra người và phương tiện nghi vấn tàng trữ trái phép chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hàng cấm, hàng lậu, pháo… Được biết, từ ngày đầu ra quân đến ngày 26-12, tổ công tác đã kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền kiến thức ATGT cho 212 trường hợp vi phạm ATGT đường bộ. Trong đó lập biên bản xử phạt 159 trường hợp vi phạm dừng đỗ trái quy định, lưu thông đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh công tác tuần tra, lực lượng chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền bằng áp phích, tờ rơi tuyên truyền về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy; dán logo tuyên truyền “Đã uống rượu, bia – không lái xe”.
Nói về số liệu xử phạt vi phạm nồng độ cồn trong tuần đầu tiên triển khai đợt cao điểm trên toàn địa bàn TP, đại diện Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, lực lượng CSGT đã được tăng cường tối đa và chủ động tổ chức phân luồng giao thông tại các tuyến đường ở cửa ngõ ra vào TP, các địa bàn giao thông phức tạp, nơi tập trung bến xe, bến cảng, kho bãi. Đồng thời, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM còn thành lập các tổ kiểm tra, chuyên đề tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 8.595 trường hợp vi phạm giao thông đường bộ. Trong đó có 179 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 146 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy với tổng số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước khoảng 3,673 tỷ đồng. Cũng theo ghi nhận của CSGT, trên địa bàn TP đã xảy ra 13 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 9 người, 6 người bị thương; 49 vụ va chạm, làm bị thương nhẹ 40 người; gây hư hỏng 34 phương tiện các loại.
Cách xử lý mang tính nhân văn
Đề cập đến công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, CSGT các quận huyện phản ánh tình trạng người say rượu bia chống đối người thi hành công vụ khiến cho công tác xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Thượng tá Lê Hoàng Nam (cán bộ Công an quận 1) cho biết, một số trường hợp say rượu bia điều khiển phương tiện bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra, họ đã được CSGT đưa về nhà và ngày hôm sau được mời lên làm việc. Trong đó có trường hợp khi đến cơ quan công an vẫn chưa nhớ “chuyện của ngày hôm qua”, nên được lực lượng chức năng cho xem lại clip hoặc hình ảnh liên quan. Khi đó, người vi phạm mới “tâm phục khẩu phục” thừa nhận hành vi vi phạm, cam kết không tái phạm và ngỏ lời cảm ơn vì đã giúp họ về nhà an toàn. Chung tay với CSGT trong việc phòng ngừa TNGT có liên quan đến nồng độ cồn, từ tháng 11-2019, anh Hoàng Nhật Hải (27 tuổi, quận Tân Phú) và một số tài xế xe ôm công nghệ đã thành lập nhóm thiện nguyện để hỗ trợ người say về nhà an toàn. Vào khoảng 22 giờ mỗi đêm, thành viên trong nhóm chia nhau rảo khắp những khu vực có nhiều hàng quán trên địa bàn quận Tân Bình, Tân Phú, quận 12… Trong trường hợp gặp người say, các anh sẽ đưa họ về nhà hoàn toàn miễn phí.
Theo khuyến cáo của Đại tá Đỗ Thanh Bình (Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông), khi đã uống rượu bia, các khả năng phản xạ về cơ, mắt… đều suy giảm gây nguy hiểm cho người say nếu điều khiển phương tiện giao thông. Chưa kể thực tế còn có những trường hợp chống đối người thi hành công vụ. Để xử lý được một trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng thường tốn khoảng 30 phút, từ việc dừng xe kiểm tra, định tính về việc vi phạm, yêu cầu chấm dứt vi phạm, định lượng nồng độ cồn, lập biên bản, tạm giữ giấy tờ… Đối với trường hợp bất hợp tác thì CSGT còn phải mất nhiều thời gian hơn. Ghi nhận nỗ lực đưa người say không có khả năng điều khiển phương tiện về nhà an toàn của CSGT quận 1 và nhóm thiện nguyện, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM) khẳng định đây là việc làm mang tính nhân văn, góp phần ngăn ngừa các nguyên nhân gây TNGT. Tuy nhiên, để phòng ngừa và kéo giảm TNGT có liên quan đến nồng độ cồn hiệu quả, ông Tường cho rằng bên cạnh hình thức chế tài theo quy định của pháp luật, nam giới cần hạn chế tình trạng ép nhau uống rượu, bia; khi đã xác định đi dự tiệc, nên chủ động lưu thông bằng xe Grab cho cả lộ trình đi và về; các quán ăn, nhà hàng cần tổ chức dịch vụ đưa đón người say rượu bia về nhà an toàn.
Vũ Phương
Bình luận (0)