Để đảm bảo an toàn cho người dân, CSGT TP.HCM đang thực hiện chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” và “Xử phạt, nhiều chủ xe cơ giới, xe thô sơ, kém chất lượng lưu thông trên đường”.
Các “ma men” khi bị xử phạt biện minh với nhiều lý do
Uống ít hay nhiều đều vi phạm
Trong chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” do Đội CSGT An Sương thực hiện mới đây đã lập biên bản, xử phạt nhiều trường hợp có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Lập chốt tại Quốc lộ 1A – Phan Văn Hớn, Q.12 để thực hiện chuyên đề, lực lượng CSGT đã phát hiện anh N.C.D. (ngụ Q. Bình Thạnh) điều khiển xe mô tô. Khi yêu cầu dừng lại kiểm tra, CSGT đo được trong hơi thở anh D. có 0,155mg/lít khí thở nồng độ cồn. Khi yêu cầu ký tên vào biên bản xử phạt, anh D. biện minh: “Tại vì đám giỗ nên uống hai lon bia, đâu phải uống say xỉn mà chạy không tự chủ được đâu, mình uống là uống trong phạm vi thấy mình bình thường nhưng nồng độ cồn không biết máy thử như thế nào, giờ công an nói vi phạm thì vi phạm chứ tôi đâu có biết được”.
Tương tự, trường hợp của anh Đ.V.L làm nghề tự do cũng bị CSGT lập biên bản, tạm giữ phương tiện vì điều khiển xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn 0,344mg/lít khí thở. Anh L. cho biết, gia đình anh có đám giỗ của bác nên ngồi cùng mọi người trong gia đình từ 16 giờ chiều đến tối, tuy nhiên anh chỉ uống khoảng 4 lon bia. Do nhà gần nên anh chủ động đi xe máy chứ không thuê grab chở về.
Trường hợp của anh N.P.T (ngụ tỉnh Đồng Nai) có nồng độ cồn lên đến 1,058mg/lít khí thở. Đây là lỗi vi phạm rất nghiêm trọng, có thể bị phạt đến 7 triệu đồng.
Theo CSGT, khi các “ma men” bị xử phạt, tất cả đều biện minh với nhiều lý do. Dù lý do gì thì khi điều khiển giao thông có nồng độ cồn đã vi phạm vi định về an toàn giao thông. Những trường hợp có nồng độ cồn đều bị xử phạt.
Chủ xe cơ giới, xe thô sơ lấy lý do “mưu sinh”
Mặc dù đã bị cấm và thường xuyên được các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến và bị xử lý nghiêm, nhưng hiện nay các xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn lưu thông trên các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM, làm mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Tổ công tác CSGT TP.HCM có mặt tại Quốc lộ 22 – Nguyễn Thị Sóc (huyện Hóc Môn) để kiểm tra. Tại đây, lực lượng CSGT phát hiện nhiều trường hợp xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông qua khu vực. Sau khi kiểm tra, tổ công tác tiến hành lập biên bản, tạm giữ nhiều phương tiện vi phạm.
Cụ thể, trường hợp của anh P. V. H. H. (làm công nhân) điều khiển xe gắn máy kéo theo vật khác, không có giấy phép lái xe đã bị CSGT dừng phương tiện, lập biên bản vi phạm.
Khi bị xử phạt, nhiều chủ xe cũng biện minh với lý do “mưu sinh”. Điển hình là trường hợp của anh L. H. P. (ngụ Q.12) điều khiển xe mô tô không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số), mang vác vật cồng kềnh, đậu không đúng nơi quy định, không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe, không xuất trình được chứng minh nhân dân khi bị kiểm tra. “Bây giờ người ta đậu dài dài trên đường, mình mà chen vô đậu thì người ta quýnh mình liền cho nên chỗ nào quen thì mình đậu chỗ đó. Tôi vẫn thấy áy náy nhưng nếu tôi không đậu thì người khác cũng đậu. Hồi năm rồi tôi bị thu một chiếc, sau đó đóng phạt để lấy ra, mới đây tôi cọc bằng lái để lấy chiếc xe này, giờ CSGT bảo không có bằng lái giữ luôn chiếc xe này tôi không biết sống sao. Nói chung cuộc sống mưu sinh, nếu có nghề khác thì tội gì tôi đứng bên này cho nắng nôi”, anh P. biện minh.
Hầu hết các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trên đường đều được người dân sử dụng với mục đích kiếm sống, chủ nhân của các phương tiện này đều là những người lao động nghèo (bán rong ngoài đường hoặc chở thuê). Khi bị CSGT kiểm tra, hầu hết các chủ xe không xuất trình được giấy tờ hợp lệ, mặt khác do đây là xe tự chế nên không có đầy đủ các bộ phận như gương, đèn tín hiệu… Đáng nói, có nhiều phương tiện chở theo các vật dụng cồng kềnh như inox, đồng nát… rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Xe chở hàng cồng kềnh bị CSGT TP.HCM kiểm tra, lập biên bản
Theo CSGT, những trường hợp vi phạm sẽ bị tịch thu xe. Nếu xuất trình đầy đủ giấy tờ sẽ bị phạt về lỗi kéo theo xe khác, vật khác quy định tại Nghị định 100 (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123).
Theo ông Đoàn Văn Quới (Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP.HCM), từ đầu năm 2022 đến nay, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt đều tăng cường xử lý các phương tiện xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trên địa bàn. Đây là giải pháp nhằm hạn chế số lượng xe vi phạm, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn thành phố.
Trên thực tế, người dân thường sử dụng xe tự lắp ráp, tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật để vận chuyển hàng hóa nhằm giảm chi phí. Những chiếc xe này khi lưu thông trên đường gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan của TP. Không chỉ vậy, tình trạng người điều khiển xe tự chế với tốc độ cao, lạng lách, vượt đèn đỏ… diễn ra khá phổ biến, càng làm gia tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Tính từ ngày 15-12-2021 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã xử phạt 44 trường hợp điều khiển xe không kiểm định an toàn kỹ thuật; 2.386 trường hợp điều khiển xe không có gương chiếu hậu; 727 trường hợp điều khiển xe không có thắng, đèn, còi… “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt luôn thấu hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn, vất vả của người lao động nghèo. Tuy nhiên, người dân đừng vì mưu sinh, kiếm sống cho bản thân và gia đình mình mà bất chấp quy định của pháp luật, gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người khác. Những hiểm họa tai nạn giao thông do các loại xe tự chế, không đảm bảo an toàn kỹ thuật gây ra là rất lớn. Do đó, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không điều khiển các loại xe tự chế tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác”, ông Quới khuyến cáo.
Thúy Kiều
Bình luận (0)