Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mạo danh Ngân hàng Nhà nước để lừa đảo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời gian gần đây nổi lên chiêu thức mạo danh Ngân hàng Nhà nước để lấy thông tin tài khoản khách hàng. Do không lường được thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm, đã có khách hàng bị lừa.

Tài khoản gặp sự cố

Anh Nguyễn Trung Hiếu (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, trưa 2/12, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ +84 8088 444 858. Đó là cuộc gọi từ tổng đài tự động, nội dung: “Đây là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, chúng tôi thông báo tới quý khách rằng, tài khoản ngân hàng của quý khách đã gặp sự cố, nên chúng tôi đã đóng tài khoản. Nếu quý khách muốn biết thông tin chi tiết và khắc phục sự cố, xin nhấn phím X để gặp nhân viên tư vấn trực tiếp. Xin nhắc lại, đây là NHNN…” và nội dung lặp lại y như trước.

“Sau một lúc định thần, tôi tắt máy, gọi đến ngân hàng của mình thì được xác nhận là không có thông tin như cuộc điện thoại trên và đó có thể là lừa đảo. Tôi gọi lại vào số đã gọi cho tôi thì số máy bị khóa. Điều tôi lo lắng là không biết từ đâu bọn họ biết tôi có tài khoản ngân hàng, biết được họ tên của tôi” – anh Hiếu thắc mắc.

Anh Nguyễn Trung Hiếu đăng cảnh báo về thủ đoạn mạo danh Ngân hàng Nhà nước của bọn tội phạm

Không may mắn như anh Hiếu, chị N.Th.T. (ngụ H.Hóc Môn) đã bị bọn tội phạm rút mất 9 triệu đồng vì lỡ cung cấp thông tin cá nhân. Ngày 25/11 vừa qua, số điện thoại 00131xxx gọi vào máy chị T., cũng với nội dung “NHNN Việt Nam xin thông báo tài khoản ngân hàng của quý khách bị lỗi…”. Chị T. giữ máy một chút thì nghe một giọng nam, tự xưng là nhân viên của NHNN Việt Nam. Y yêu cầu chị T. cung cấp thông tin để kiểm tra lại. Tưởng thật và sợ mất số tiền 9 triệu đồng trong tài khoản, chị T. đã làm theo hướng dẫn của kẻ giả danh.

“Hắn hỏi họ tên, số tài khoản, số chứng minh nhân dân. Sau đó, điện thoại của tôi có tin nhắn kèm đường link; nhấp vào thì ra thao tác với Ngân hàng Vietcombank. Do thấy đường link của ngân hàng, quá trình thao tác nhập mã đều có thông báo qua tin nhắn điện thoại nên tôi không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, sau khi thao tác hoàn tất thì số tiền 9 triệu đồng của tôi đã bị chuyển vào ví điện tử VTCPay của Công ty VTC Công nghệ và nội dung số (VTC Intecom)” – chị T. kể. Chị T. liên lạc với Công ty VTC Intecom thì được thông báo số tiền đó đã được sử dụng thanh toán online hết nên công ty không thể thu hồi.

Ngân hàng Nhà nước không làm việc riêng với người dân

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM – khẳng định, NHNN chỉ giao dịch với khách hàng là các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng…), không giao dịch, không mở tài khoản cho cá nhân và tổ chức nào khác. Tất cả các cuộc gọi nhân danh NHNN như trên đều là giả mạo.

Ông Nguyễn Thanh Hưng – Giám đốc VTC Intecom – nói, TP.HCM có khoảng 20 đơn vị được NHNN cấp phép làm trung tâm thanh toán giống như VTC Intecom nên tỷ lệ khách hàng bị mất tiền vì tội phạm công nghệ cao khá nhiều. Riêng VTC Intecom, thời gian qua cũng đã có vài trường hợp mất tiền tương tự như chị T. Trong đó, một số trường hợp đã thông báo kịp thời đến VTC Intecom nên được hỗ trợ khóa thẻ và hoàn trả lại tiền.

Hiện VTC Intecom chỉ hỗ trợ khách hàng bằng cách khóa thẻ để chặn các giao dịch xấu. Nếu giữ được tiền kịp thời, sẽ hoàn lại cho người bị hại hoặc sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ cho cơ quan chức năng. VTC Intecom không có khả năng truy thu số tiền đã mất cho khách hàng một khi đã được chuyển đi.

“Thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển nhanh chóng nên tội phạm lĩnh vực này hiện rất phổ biến. Nhiều vụ mất tiền đều do phía người dùng bị lừa nhấp vào các đường link lạ. Nếu phát hiện điều gì bất thường, cần phải thông báo đến đơn vị thẻ đang sử dụng để khóa thẻ ngay lập tức” – ông Hưng cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, chiêu lừa của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, bọn chúng có thể giả mạo bất cứ đơn vị, tổ chức nào. Để bảo vệ tài khoản, khách hàng tuyệt đối không vào các trang web từ đường link gửi kèm, kể cả những website ngân hàng mà đường link dẫn tới. Không cung cấp thông tin cá nhân liên quan đến thẻ, đặc biệt là mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, qua điện thoại, email hay mạng xã hội. Giao dịch chỉ nên thực hiện bằng cách truy cập website chính thức của ngân hàng và mua sắm, thanh toán trực tuyến tại các trang mạng uy tín, tin cậy.

Khách hàng cũng được khuyến cáo không lưu mật khẩu internet banking, mật khẩu email… trên thiết bị sử dụng chung, máy tính công cộng; cần thường xuyên thay đổi mật khẩu các dịch vụ ngân hàng điện tử/thẻ, email. Khi nhận tin nhắn SMS OTP, cần kiểm tra nội dung: loại giao dịch, số tiền, kênh giao dịch (phải khớp với giao dịch đang thực hiện), không nhập mã OTP vào bất kỳ trang web nào khác. Nên đăng xuất hay thoát khỏi hệ thống/màn hình dịch vụ sau mỗi lần truy cập hay giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, khách hàng không nên cài đặt các phần mềm không rõ nguồn gốc trên máy tính cá nhân và điện thoại di động để tránh nhiễm mã độc. 

Theo Thanh Hoa/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)