Cây cà phê đang cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, gần đây hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nghe lời đồn thổi cây sa chi có giá trị hàng trăm nghìn đồng/kg nên đã phá rẫy cà phê, trồng sa chi. Bên cạnh đó, nhiều người chặt cao su bán gỗ vì giá cao.
Nghe lời đồn cây sa chi có giá trị kinh tế cao, sau 30 năm xuống giống vẫn được thu hoạch với giá khoảng 800 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân ở Gia Lai đã thẳng tay phá cây cà phê, trồng giống cây mới. Một số hộ dân khác do dự nên chỉ trồng xen canh, bất chấp sa chi là loài thân dây, khi trồng phải làm giàn, và dây sa chi sẽ quấn bám vào cây cà phê.
Nghe tin đồn thổi
Ông Vốt, trưởng thôn Brêp, xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang (Gia Lai) cho biết: Thôn có 119 hộ thì khoảng 20 hộ dân trồng sa chi. Người dân trong thôn không biết hạt loại cây này để làm gì, chỉ nghe đồn có giá 800 nghìn đồng/kg, lợi nhuận cao nên rủ nhau trồng. Hạt giống dân mua với giá 800 nghìn đồng/kg.
Về kỹ thuật trồng, nông dân tự mày mò tìm hiểu, rồi làm giàn bằng dây thép giữa các hàng cà phê đã có sẵn. Ông Vốt nói: “Mình không biết quả nó chín sẽ có màu gì, vì nghe dân buôn nói 4 tháng sẽ được thu, giờ đã qua 5 tháng, mình cũng hơi lo vì nhiều quả đã chín rồi mà chưa có ai đến hỏi”.
Ông Đinh ở làng T’leo, xã K’dang, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) cho biết vợ chồng ông đã chặt 800 cây cà phê 5 năm tuổi để mua 1 kg giống sa chi về trồng. Sau ba tháng, vườn sa chi nay sắp cho thu hoạch, dự định nếu bán được giá thì sẽ phá bỏ vườn tiêu, cà phê để tiếp tục mở rộng diện tích.
Lần theo số điện thoại của một thương lái tên Hưng được ghi trên tấm bảng nhỏ cạnh đường vào xã Đắk Djrăng, chúng tôi gọi và được anh này rao bán hạt giống sa chi với giá 550 nghìn đồng/kg, mỗi kg có khoảng 600 hạt. Anh này khẳng định loại cây này phù hợp với tất cả các loại đất, đầu ra đảm bảo. “Có ngày bọn em bán được 1.000 dây mới ươm dài khoảng 20cm, mỗi cây giá 12 nghìn đồng. Mới 4 tháng em đã bán được hơn 9 nghìn cây và 30kg hạt tại các huyện Đắk Đoa, Mang Yang”.
Phóng viên hỏi Hưng vì sao lại biết giống cây sa chi có hiệu quả kinh tế để bán cho người dân? Hưng nói do thấy đồng bào dân tộc thiểu số tìm hỏi mua giống với giá cả chục nghìn đồng/cây, nên Hưng đã tìm mua hạt, ươm giống bán lại cho người dân.
Rủi ro chực chờ
Ông Trương Duy Lộc – Phó Chủ tịch UBND xã K’Dang, huyện Đắk Đoa cho biết hiện tại chính quyền mới nắm được thông tin và đang rà soát lại số diện tích người dân trồng cây sa chi trên địa bàn. “Loại cây này không có trong danh mục phát triển kinh tế tại địa phương. Người dân chủ yếu trồng tự phát nên chắc chắn đầu ra sẽ rất khó khăn!” – ông Lộc nói.
Còn ông Lê Tuấn Hùng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đắk Đoa xác nhận: Chúng tôi còn chưa biết sa chi là cây gì, được trồng ra sao. Loài cây này mới du nhập, trên địa bàn chưa có cơ sở, nhà máy chế biến nào thu mua cho bà con. Huyện đang chờ các xã báo cáo tình hình để có cơ sở cảnh báo kịp thời, không để tự phát như thời gian vừa qua.
Mới đây, một người dân ở huyện Phú Thiện là bà Trần Thị Việt Bắc đã gửi đơn trình báo chính quyền, về việc tháng 6/2016, Công ty TNHH Hoàng Linh Xứ Nghệ, do ông Nguyễn Hoàng Linh làm giám đốc, đã ký hợp đồng với bà Bắc và anh Vũ Xuân Mười cùng góp vốn đầu tư trồng cây dược liệu sa chi. Tuy nhiên, ông Linh cung cấp giống không đảm bảo chất lượng, lại chưa thanh toán số tiền mà bà Bắc ứng để ươm giống theo hợp đồng. Theo bà Bắc, ông Linh đã lợi dụng bà và dân chúng địa phương để bán giống sa chi, trục lợi. Bà Bắc đề nghị lãnh đạo địa phương giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho dân trước “trò lừa sa chi”.
Ồ ạt cưa bán thân cây cao su
Gần đây, nhiều chủ vườn cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai ồ ạt bán thân cây cao su non trẻ từ 10-20 năm tuổi, dù chính quyền đã nhiều lần vận động nên giữ lại chăm sóc, chờ khi mủ cao su lên giá …
Thủy điện Sê San 4 khi hoàn thành đã gây ngập úng đất sản xuất của 380 hộ dân xã Ia O, Ia Khai (huyện Ia Grai, Gia Lai). Vì thế, năm 2008, Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn đã nhượng lại 397 ha cao su đang trong độ tuổi thu hoạch cho dân địa phương. Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều thương lái tìm đến mua gỗ cao su với giá 500 nghìn đồng/cây, và đã “dụ” được nhiều hộ dân cưa bán hết số cây cao su mà họ đang sở hữu, khiến 397 ha cao su mà Binh đoàn 15 nhượng lại cho dân nay chỉ còn khoảng 65 ha.
Ông Rơ Mah Jem, Phó chủ tịch xã Ia O cho biết: Diện tích cao su được Binh đoàn 15 nhượng lại ở làng Mít Jép, Mít Kom 1 và Mít Kom 2 đến nay chỉ còn gần 21 ha. “Người dân nhận vườn cao su, rồi cho người khác thuê lại với hợp đồng 3 đến 5 năm. Vì không phải là chủ nên những người thuê liên tục cạo lấy mủ không cho cây nghỉ. Thậm chí họ còn sử dụng nhiều chất kích thích mủ khiến cây yếu đi, khi chủ vườn nhận lại thì cây đã kiệt sức!” – ông Jem nói.
Tại vườn nhà ông Ksor Huen (ở làng Mít Kom 1, xã Ia Sao), hàng trăm gốc cây cao su vừa bị chặt hạ. Ông Huen cho biết: Khi dự án nhà máy thủy điện triển khai, gia đình tôi được đền bù bằng hơn 5 sào cao su đang cho mủ. Do thiếu người làm và không nắm được kỹ thuật khai thác nên khi được nhận về , tôi cho thuê luôn. Năm đầu tiên, tôi cho thuê được 30 triệu đồng. Tuy nhiên các năm tiếp theo, giá thuê giảm dần theo giá mủ cao su, đến năm 2015 thì chỉ còn 7 triệu đồng. Tôi chán không muốn chăm sóc vườn cao su, nên đã bán hết cả vườn chỉ được hơn 30 triệu đồng!
Lê Tiền (TPO)
Bình luận (0)