Một trung tâm tuyển sinh lộn xộn, tự ý cấp bằng chưa được cơ quan chức năng công nhận nhưng vẫn liên tục đào tạo 11 năm nay.
Văn bằng tự cấp
Học viên N.T cho biết: “Sau khi thi vào ngành bóng đá trường ĐH Thể dục thể thao II không đậu, bỗng em nhận được giấy báo trúng tuyển của Trung tâm đào tạo huấn luyện viên thể thao Việt Nam – MIC (68 An Dương Vương, P.16, Q.8, TP.HCM). Vì trong giấy báo cho biết trung tâm này cũng có lớp đào tạo bóng đá nên em mới đăng ký vào học”.
Tuy vậy, theo T., khi học vài môn cơ bản được khoảng một tuần, trung tâm này có quyết định chuyển tất cả những học viên lớp bóng đá qua lớp võ! Phụ huynh của học viên cho biết khi đến trường hỏi về chuyện này, lãnh đạo trường bảo không đủ học viên để mở lớp bóng đá, nên đã thuyết phục các em chuyển sang lớp võ. Không muốn học lớp võ, T. xin rút lại học phí, trường không đồng ý với lý do học viên tự ý bỏ học. Trước đó, T. đã phải đóng gần 7 triệu đồng cho học phí và lệ phí cả một năm học. Nhiều học viên khác cũng lâm vào hoàn cảnh như T.
Cơ quan chức năng chưa cấp phép
Ông Phạm Anh Ba – Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Phòng chỉ cấp phép và quản lý các đơn vị đào tạo văn hóa. Đối với Trung tâm MIC có chức năng giáo dục thể thao, giải trí như nêu trên phòng không cấp phép, cũng không quản lý”. Ông Nguyễn Thành Hiệp – Trưởng phòng dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cũng khẳng định, phòng không cấp phép và cũng không quản lý Trung tâm MIC.
|
Sau nhiều năm dạy võ thuật, đây là năm đầu tiên trung tâm tuyển sinh bóng đá, bóng chuyền và điền kinh nhưng cả 3 ngành này không mở được lớp nào. Những thí sinh dự thi ngành giáo dục thể chất ở các trường ĐH mà không đậu, trung tâm gửi ngay giấy trúng tuyển và mời đến nhập học.
Trong thông báo chiêu sinh, trung tâm ghi rõ: “Khi tốt nghiệp sẽ được cấp văn bằng tương đương CĐ hệ 12+3, được phân công giảng dạy cấp 1, 2; được hưởng bậc lương hệ CĐ. Học viên tốt nghiệp nếu có KT3, được đăng ký thi tuyển công chức tại Sở GD-ĐT TP.HCM (được bố trí giảng dạy thể dục và võ thuật, xếp bậc lương CĐ – năm 2011 tỷ lệ trúng tuyển là 100%)”. Theo tìm hiểu, MIC trực thuộc Công ty TNHH đào tạo và tư vấn phát triển nhân lực VN. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM, công ty này được đổi tên từ Công ty TNHH thể thao VN. Trong các ngành nghề đăng ký kinh doanh, công ty có chức năng huấn luyện võ thuật. Năm 2008, công ty bổ sung chức năng giáo dục thể thao, giải trí. Vì vậy, con dấu trên văn bằng cấp cho học viên chỉ thể hiện tên Trung tâm MIC và tên công ty chứ không trực thuộc đơn vị chức năng nào. Luật sư Lê Lý Thuận – Phó giám đốc trung tâm, giải thích do Bộ LĐ-TB-XH cũng như Bộ GD-ĐT không có mã ngành này! “Vì vậy, trung tâm quyết định đào tạo thể nghiệm và chờ xã hội đánh giá”, ông Thuận nói.
Liên kết đến đâu?
Được quảng cáo rất hoành tráng nhưng khi chúng tôi đến nơi, cơ sở vật chất của trung tâm hết sức nghèo nàn. Sân bóng chuyền, nhà tập luyện… bong tróc, đang phải sửa chữa. Phòng ở của học viên ẩm thấp, chật chội. Tầng trệt của khu nhà làm việc cũng rất ẩm thấp, đọng nước, vài chiếc máy vi tính được treo bảng là internet miễn phí cho học viên lại không có… bàn phím!
Cơ sở của MIC đang bị xuống cấp – Ảnh: Đ.N |
Trong thông báo tuyển sinh khóa 12 (năm 2011), trung tâm nêu rõ học sinh có thể thi chuyển tiếp vào học để lấy bằng cử nhân giáo dục thể chất tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM và trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM. Tuy nhiên, thạc sĩ Tạ Quang Lâm – Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM, khẳng định: “Đã mấy năm nay nhà trường không còn hợp tác gì với trung tâm này trong việc đào tạo. Việc học chuyển tiếp từ trung tâm lên trường ĐH Sư phạm TP.HCM để lấy bằng ĐH như trung tâm thông báo là không hề có”. TS Lâm Quang Thành – Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, cũng nói chắc chắn: “Trường không hề có sự liên kết đào tạo cũng như chương trình chuyển tiếp gì với trung tâm này vì đơn vị này không phải là cơ sở đào tạo. Nếu có, chỉ là sự hỗ trợ tham gia giảng dạy của các giảng viên của trường với trung tâm ở góc độ cá nhân thôi”. TS Thành nói thêm: “Trường có mở các chương trình đào tạo tại chức, chương trình này dành cho tất cả các đối tượng nếu đạt yêu cầu chung, chứ không có chương trình riêng cho học viên của trung tâm”.
Ông Thuận cho biết thêm trung tâm cũng được nhận “hoa hồng” từ các trường ĐH liên kết. Về vấn đề này, ông Tạ Quang Lâm thông tin: “Trước đây việc trích phần trăm cho bên MIC là theo hình thức hỗ trợ về cơ sở vật chất và giảng dạy. Trường trích khoảng 30 – 35% trên tổng số học viên MIC đưa sang”. Còn TS Lâm Quang Thành khẳng định: “Không hề có chuyện trường trích phần trăm hoa hồng cho Trung tâm MIC. Trường chỉ trả tiền thuê địa điểm làm cơ sở đào tạo nhưng cho một cơ sở khác, không phải MIC”.
Hiện nay, thực chất của chương trình “liên kết” là trung tâm tập hợp học viên của mình có nhu cầu thi hệ vừa học vừa làm, chuyển danh sách sang các trường ĐH chuyên ngành tổ chức thi. Tuy nhiên, những kỳ thi này do các trường ĐH tổ chức theo đợt nên thí sinh đến từ trung tâm cũng chẳng có ưu tiên gì so với thí sinh bên ngoài. Vì thế dù không học ở trung tâm nhưng học viên hoàn toàn có thể đăng ký hệ này ở các trường ĐH thuộc ngành giáo dục thể chất.
Theo Đăng Nguyên – Hà Ánh
(TNO)
Bình luận (0)