Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về học phí với các cơ sở GD-ĐT công lập từ khi ban hành đến nay chưa có cơ hội áp dụng. Thực tế hiện nay cho thấy việc áp dụng nghị định này khó khả thi.
Đã gần một tháng kể từ khi Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành GD mầm non (gọi chung là tuyển sinh ĐH), nhưng cho đến nay rất ít trường công bố đề án tuyển sinh. Theo cán bộ phụ trách tuyển sinh của một số trường ĐH, sở dĩ trường chưa vội công bố đề án là bởi chưa có phương án thu học phí (HP). Thực tế cho thấy ngay cả với những trường đã công bố đề án thì phần nội dung liên quan HP cũng chỉ được ghi chung chung, nước đôi. Thậm chí có trường tuy có công bố, nhưng có cũng như… không.
Học phí là một trong những yếu tố phụ huynh và thí sinh cân nhắc khi nộp hồ sơ đăng ký vào trường ĐH nhưng lại đang gây bối rối cho nhiều phía. ĐÀO NGỌC THẠCH
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội là một trong số những trường công bố đề án tuyển sinh ĐH 2023 sớm (từ ngày 20.3). Đề án bao gồm 78 trang, với các thông tin rất chi tiết. Tuy nhiên, ở trang 22, mục "HP dự kiến với sinh viên (SV) chính quy; lộ trình tăng HP tối đa cho từng năm (nếu có)", thông tin trường cung cấp cho thí sinh chỉ vỏn vẹn chưa đến 3 dòng: "Thực hiện theo Nghị định (NĐ) số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý HP đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm HP, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo".
Không biết thu theo mức nào
Điều đáng nói là quy định trong NĐ 81 khá rộng, bao phủ nhiều trường hợp: cơ sở GD ĐH chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở GD ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở GD ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; chương trình đào tạo của cơ sở GD ĐH công lập đã được kiểm định. Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ ban hành NĐ 81 đến nay thì các trường ĐH chưa một lần thực hiện nghị định, do 2 năm liền gặp đại dịch Covid-19 và năm vừa rồi là "hậu Covid". Do đó, mức HP của các trường có thể chênh nhau nhiều lần. Thậm chí ngay trong một trường, cùng một khối ngành, và đều là chương trình đào tạo đại trà, HP cũng đã có thể chênh nhau vài ba lần do yếu tố chương trình đã được kiểm định hay chưa mà NĐ 81 đã đề cập.
Nhiều trường đại học đến nay chưa thông tin rõ ràng về học phí năm học tới vì chưa biết chỉ đạo về vấn đề này thế nào. ĐÀO NGỌC THẠCH
Khi PV hỏi về mức HP cụ thể cho năm học 2023 – 2024, một cán bộ của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội trả lời còn… bí hiểm hơn: "Nhà trường hoan nghênh các thí sinh tìm hiểu và dự thi vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Mọi nhu cầu tìm hiểu về trường, trong đó có vấn đề HP, thí sinh tìm hiểu trên website tuyển sinh hoặc cũng có thể đến trực tiếp bộ phận đón tiếp tại Văn phòng 1 của trường để được trả lời và tư vấn trực tiếp".
Một số trường khác, dù đã thể hiện sự nỗ lực trong việc cung cấp thông tin về HP cho người học, nhưng lại không rõ ràng, do phải chờ… chỉ đạo.
Ngày 13.4, Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội quyết định phê duyệt đề án tuyển sinh ĐH của trường, trong đó ghi rõ, HP dự kiến với SV năm học 2023 – 2024 là 11,7 triệu đồng. Nhưng sau đó, một lãnh đạo của trường cho Thanh Niên hay sẽ bổ sung vào đề án nội dung: "Dự kiến HP theo quy định của Chính phủ ở thời điểm hiện tại là 11,7 triệu đồng/năm học/SV. Nhà trường sẽ điều chỉnh mức HP khi có quy định mới của nhà nước". Được biết, 11,7 triệu đồng/SV/năm học là mức HP của năm học 2020 – 2021 với khối ngành kỹ thuật cho những trường chưa tự chủ, được quy định trong NĐ 85 (Chính phủ ban hành tháng 10.2015; NĐ 81 được ban hành nhằm thay thế NĐ 85).
Còn trong đề án của Trường ĐH GTVT (công bố từ ngày 7.2) thì đưa ra khá nhiều thông tin, nhưng người quan tâm phải dùng máy tính mới biết sẽ phải đóng bao nhiêu. Cụ thể, trường thông báo mức HP hiện tại mà nhà trường đang áp dụng cho từng khối ngành; sau đó thông báo dự kiến lộ trình tăng, Chính phủ cho phép tăng 23% nhưng trường dự kiến chỉ tăng 10% (nếu tính trung bình SV học 30 tín chỉ mỗi năm thì HP khối ngành kỹ thuật, toán và công nghệ thông tin là hơn 13,7 triệu đồng/SV; khối ngành dịch vụ là 11,7 triệu đồng/SV; khối ngành kinh tế là 11,2 triệu đồng/SV). Nhưng đoạn cuối của mục HP, đề án lại thêm câu: "Khi nhà trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án tự chủ chi thường xuyên, HP sẽ thu theo đề án nhưng hệ đại trà không tăng quá 1,5 lần, hệ chất lượng cao không tăng quá 2 lần mức quy định HP theo Nghị định 81/NĐ-CP đối với các trường chưa tự chủ". Nghĩa là HP bao nhiêu, hạ hồi phân giải!
Học viện Ngoại giao cũng mới công bố đề án, trong đó phần HP cũng cho biết là thực hiện theo NĐ 81. Trong đó, có 6/8 ngành đã đạt kiểm định nên nhà trường thu 4,4 triệu đồng/SV/tháng; 2 ngành chưa kiểm định thì thu 2,1 triệu đồng/SV/tháng. Học viện Ngoại giao là đơn vị công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo một cán bộ phụ trách đào tạo của Học viện Ngoại giao, nếu theo đúng lộ trình thu HP mà Chính phủ quy định trong NĐ 81, mức thu với 2 ngành chưa kiểm định là 2,4 triệu đồng/SV/tháng. Tuy nhiên, vì 2 năm học trước nhà trường thực hiện chủ trương chung của Chính phủ là không tăng HP, nên năm học tới cũng chỉ có thể tăng ở mức độ chấp nhận được so với năm ngoái.
Chờ… chỉ đạo
Theo lý giải của các trường, sở dĩ chưa thể rõ ràng thông tin về HP năm học tới là bởi chưa biết chỉ đạo từ cấp trên về vấn đề này thế nào. Chính phủ ban hành NĐ 81 (tháng 8.2021) khi cả nước gặp đại dịch Covid-19. Vì thế, vừa ban hành NĐ 81 xong, Chính phủ lại phải yêu cầu các trường không được tăng HP với năm học 2020 – 2021.
Năm học 2022 – 2023 bắt đầu là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Ngay từ đầu năm học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thông tin trong các hội nghị chính thức là Bộ này đang đề nghị Chính phủ có văn bản yêu cầu các trường ĐH không tăng HP để chia bớt gánh nặng với người dân. Tuy nhiên, rất lâu sau đó vẫn không có văn bản chỉ đạo nào nên các trường đều phải thu HP theo lộ trình tăng được quy định trong NĐ 81 (nhưng lùi lại một năm, tức là mức thu thực tế của năm học 2022 – 2023 bằng mức thu NĐ 81 quy định cho năm học 2021 – 2022). Đến ngày 20.12.2022, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 165 về HP đối với các cơ sở GD-ĐT công lập năm học 2022 – 2023. Trong đó yêu cầu các cơ sở GD ĐH công lập giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 – 2022.
Thực hiện Nghị quyết 165, hàng loạt trường ĐH phải ban hành lại quyết định về quy định mức HP năm học 2022 – 2023, đồng thời bố trí nhân sự tính toán mức HP đã thu thừa để trả lại cho SV. "Nếu vẫn thực hiện NĐ 81, các trường không thể áp nguyên quy định, tức là thu theo khung của năm học 2023 – 2024 trong NĐ 81. Bởi nếu như vậy HP sẽ tăng vọt, người dân sẽ phản ứng. Còn thu theo lộ trình lùi lại thì cụ thể như thế nào, Chính phủ phải chỉ đạo. Chứ bây giờ nhà trường không thể làm theo cách là cứ thu theo suy đoán chủ quan của đơn vị mình rồi sao đó hì hụi ngồi tính toán để trả lại tiền thừa cho SV", một lãnh đạo trường ĐH phân tích.
Học phí các trường nước ngoài tại VN Thạc sĩ Lê Thị Quỳnh Trâm, Giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính ĐH Fulbright VN, cho biết nhiều năm nay trường vẫn giữ nguyên mức HP 467,6 triệu đồng/năm và năm 2023 cũng vẫn như thế. Tuy nhiên, theo bà Trâm, hằng năm có đến 2/3 SV của trường được hỗ trợ các mức HP một phần hoặc toàn phần tùy vào hoàn cảnh khó khăn cụ thể. Trong khi đó, tại ĐH RMIT, HP sẽ được thanh toán theo từng học kỳ, dựa trên số môn SV học. Theo đó, mức HP áp dụng cho năm 2023, toàn khóa học là từ 288 – 384 tín chỉ tùy ngành học. Với ngành học gồm 288 tín chỉ mỗi năm, SV đóng 318,6 triệu đồng và toàn khóa là 955,9 triệu đồng. Với ngành học 384 tín chỉ (kỹ sư phần mềm, robot và cơ điện tử, kỹ thuật điện tử và hệ thống máy tính) thì mỗi năm SV đóng 318,6 triệu đồng và toàn khóa là 1,274 tỉ đồng. Mỹ Quyên |
Theo Quý Hiên/TNO
Bình luận (0)