Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mập mờ nguồn gốc sữa nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Lại thêm mặt hàng sữa dê, sữa bò nhập khẩu dành cho trẻ em, người già dính vào nghi án có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, nhà nhập khẩu công bố thông tin mập mờ như trường hợp sữa dê Danlait đã bị vạch trần gần đây.
Nhãn hàng sữa dê GmB được bày bán trong một siêu thị trên đường 3-2, TP.HCM – Ảnh: Thanh Đạm
Sữa dê Mỹ GmB, sữa non Frezzi và một số loại sữa bột dành cho trẻ em khác là những loại sữa đang bị nhiều người tiêu dùng quyết định ngưng sử dụng vì cho rằng nhà nhập khẩu “treo đầu dê, bán thịt chó”!
“Lòe” người tiêu dùng
Tương tự như vụ việc bê bối của sữa dê Danlait, trang web của nhà sản xuất nhãn hiệu sữa non Frezzi cũng đang bị nhiều ông bố, bà mẹ nghi ngờ là một website dỏm, được dựng lên vụng về. Sữa non Frezzi được giới thiệu sản xuất tại New Zealand do Công ty TNHH Fansi VN (đường Đội Cấn, P.Liễu Giai, Q.Ba Đình, Hà Nội) nhập khẩu. Website của nhà sản xuất là frezzi.co.nz. Tuy nhiên, qua các website chuyên cho phép kiểm tra nơi đặt máy chủ, người quản trị… lại cho thấy frezzi.co.nz được quản trị tại VN. Đáng lưu ý, địa chỉ đăng ký người sở hữu và quản trị website theo đăng ký lại cùng địa chỉ với nhà nhập khẩu mặt hàng này là Công ty TNHH Fansi VN.
Tìm hiểu về website trên dễ dàng nhận thấy đây là một website dỏm dựng lên để “lòe” người tiêu dùng bởi nó được viết hết sức vụng về. Nhà sản xuất sữa non Frezzi ở New Zealand nhưng lại sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt khi lưu ảnh và tải bức ảnh đó lên trang web, với tựa đề “sản phẩm trang chủ!?”, một bà mẹ từng cho con ăn sữa non Frezzi đặt câu hỏi.
Một nhãn hiệu khác cũng đang bị người tiêu dùng nghi ngờ có vấn đề về thông tin và xuất xứ sản phẩm là sữa dê GmB. Sữa dê GmB được các cửa hàng sữa, các trang web chuyên bán sữa bột cho trẻ em giới thiệu là “sữa dê Mỹ”, sữa dê của Mỹ, nhập khẩu từ Mỹ, xách tay từ Mỹ…
GmB hiện nay được giới thiệu là do hai công ty phân phối, gồm: Công ty TNHH thương mại quốc tế UNI (Hà Nội và các tỉnh khác) và ở TP.HCM do Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh phân phối (địa chỉ công ty ở đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM). Theo nhân viên Công ty Đại Hùng Tinh, trước đây chỉ có một công ty phân phối nhưng nay đã có hai công ty tham gia. Hai công ty này tự thỏa thuận phân chia địa bàn phân phối! Trên website suademy.com của Công ty Đại Hùng Tinh giới thiệu sữa dê Mỹ GmB là sản phẩm chất lượng của GMB Food International LLC có trụ sở tại Mỹ và nhà máy tại Hà Lan. Gmbfood.com là địa chỉ website của nhà sản xuất sữa dê Mỹ GmB.
Tuy nhiên qua tìm hiểu, giữa nhà sản xuất và nhà phân phối lại có những điểm trùng hợp bất ngờ. Người đại diện Công ty GmB Food là “CONG MINH HUYNH”. Trang web gmbfood.com được lập bởi một người VN có tên VN là “HUYNH CONG MINH”. Và theo Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM, giám đốc Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh cũng có tên Huỳnh Công Minh.
Chưa hết, trang web gmbfood.com của nhà sản xuất sữa GmB có một tấm ảnh giới thiệu về nhà máy trông rất khang trang, bề thế. Tuy nhiên, một số thành viên diễn đàn webtretho.com lại tìm ra bằng chứng cho thấy đây là ảnh photoshop, lấy từ một website khác về. Thực chất, đây là ảnh của một nhà máy có tên Tatura. Tuy nhiên, ảnh trên trang web gmbfood.com chỉ thay hàng chữ tên “Tatura” thành “GmB”! Chưa kể, GMB Food (nhà sản xuất tại Mỹ) giới thiệu trụ sở tại VN nằm cùng địa chỉ và có chung số điện thoại bàn với Công ty Đại Hùng Tinh!?
Nhà phân phối im lặng
Trên thị trường TP.HCM, sữa dê GmB được bày bán khá nhiều nơi, trong đó có các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng sữa và cả những siêu thị lớn, bán với giá rất cao tới 490.000 đồng/hộp 425g. Trước những bức xúc của người tiêu dùng trên các diễn đàn mạng, đến thời điểm này nhà phân phối sữa dê Mỹ GmB vẫn hoàn toàn im lặng, chỉ có động thái duy nhất là chỉnh sửa, thay đổi một số nội dung trên các website giới thiệu về sản phẩm sữa dê Mỹ GmB và nhà sản xuất sản phẩm này. Chiều 11-3, Tuổi Trẻ liên lạc với đại diện Công ty Đại Hùng Tinh, đặt vấn đề xung quanh những nghi vấn của người tiêu dùng, thế nhưng một nhân viên của công ty này cho biết “lãnh đạo đang đi công tác nước ngoài nên chưa thể có câu trả lời”.
Ông Lê Quang Mạnh, chuyên kinh doanh sữa bột cho trẻ em tại TP.HCM, cho biết thị trường sữa VN đang có rất nhiều sản phẩm sữa được gắn mác hàng cao cấp nhập khẩu từ Mỹ, New Zealand, Nga, Hà Lan… Nhiều người tiêu dùng có tâm lý cho rằng sữa nhập khẩu, sữa mắc tiền sẽ có chất lượng vượt trội hơn sữa trong nước, chứ chưa chú ý nhiều đến thành phần các chất dinh dưỡng trong sữa. Do đó, khoảng 1-2 năm trở lại đây, trên thị trường xuất hiện thêm nhiều nhãn hàng mới với giá bán cao ngất ngưởng. “Hoàn toàn có khả năng các nhãn hàng tung ra những thông tin hấp dẫn, không trung thực để đánh lừa các ông bố, bà mẹ mỗi khi tìm hiểu về sữa cho con” – ông Mạnh phân tích.
Quảng cáo lên mây xanh
Tại Hà Nội, rất nhiều cửa hàng sữa đang bán mặt hàng sữa non Frezzi, sữa dê GmB… Khảo sát ở một cửa hàng trong ngõ 45 Phạm Tuấn Tài, cửa hàng ở ngõ 80 Hoàng Đạo Thành, Q.Thanh Xuân… có bán đầy đủ các loại sữa non Frezzi cho trẻ từ 0-6 tháng, 6-12 tháng, 2-3 tuổi và từ 5 tuổi trở lên. Vào bất cứ cửa hàng nào, người bán hàng cũng hùng hồn giới thiệu: sữa non Frezzi là sản phẩm nhập khẩu 100% từ New Zealand, cung cấp sức đề kháng tự nhiên, bổ sung hàm lượng DHA cao giúp phát triển trí não và các tế bào võng mạc mắt cho bé thông minh hơn. Các cửa hàng đang kinh doanh mặt hàng này cho biết hàng luôn có sẵn với số lượng lớn, bán giá 260.000 đồng/hộp 175g và 400.000 đồng/hộp 375g (loại 9%)…
Sữa dê GmB cũng được bày bán ở nhiều cửa hàng, giá bán tới 490.000-510.000 đồng/hộp 425g. Đây là mức giá rất cao so với các loại sữa bột khác. Đa số các loại sữa bột khác hiện nay đều được bán với giá khoảng 400.000-500.000 đồng/hộp 900g. Với những thông tin “hoành tráng” về nguồn gốc sản phẩm, nhà phân phối tại VN đã bán sữa dê GmB với giá thuộc nhóm một trong những mặt hàng sữa bột đắt nhất trên thị trường.
HUỆ BẠCH
Theo BẠCH HOÀN (TTO)

Bình luận (0)