Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Mập mờ thực phẩm hữu cơ

Tạp Chí Giáo Dục

Trên thị trường đang xuất hiện tràn ngập các mặt hàng hữu cơ tươi sống với mức giá cao ngất ngưởng. Nhiều sản phẩm trong số này chỉ được chủ hàng cam kết bằng miệng “đạt chuẩn hữu cơ”, mà không hề có tem nhãn, chỉ dẫn địa lý, cơ sở sản xuất… theo quy định.

Chất lượng… tự phong

Anh Mai Quang Tuấn (ngụ tại Quang Trung, quận Gò Vấp) chia sẻ, vợ chồng anh có hai bé song sinh 6 tháng tuổi, đang tập ăn dặm, nên vợ chồng anh tìm mua thực phẩm hữu cơ cho bé, chấp nhận dù có tốn kém. Tuy vậy, “ngoài những mặt hàng khô nhập khẩu, đối với rau quả tươi sống không dễ tìm mua, đã vậy còn thiếu nhiều thông tin cơ bản để kiểm chứng”, anh Mai Quang Tuấn phản ánh. 

Trong vai người tiêu dùng, chúng tôi đã lần lượt khảo sát tại một số điểm chuyên doanh thực phẩm hữu cơ trên địa bàn TPHCM. Tại một số cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), đường Nguyễn Tri Phương (quận 5), ngoại trừ các loại rau, quả hữu cơ nhập nguyên lô trực tiếp từ nước ngoài (có tem, nhãn…), nơi đây còn bán kèm nhiều loại rau củ, quả chỉ dán mác viết tắt của cửa hàng. Các lô hàng này không có bất kỳ tem tiêu chuẩn, chứng nhận nào. Thậm chí sản phẩm không có tên, địa chỉ cơ sở sản xuất thế nhưng nhân viên bán hàng vẫn khẳng định là sản phẩm hữu cơ. 
 

Trái cây xuất khẩu, trong đó có sản phẩm hữu cơ, được doanh nghiệp giới thiệu tại một hội chợ quốc tế ở TPHCM (Ảnh: GIA HÂN)

Đem thắc mắc này trao đổi với một nhân viên phụ trách mảng thị trường của cửa hàng VF trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), chúng tôi được biết đó là thực phẩm sản xuất tại Việt Nam, có áp dụng quy trình sản xuất của thực phẩm hữu cơ, nhưng người sản xuất không đăng ký chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm vì chi phí quá lớn. Nhân viên này còn nói thêm: “Cả nước ta chỉ được vài cơ sở sản xuất có chứng nhận organic, nhưng để xuất khẩu là chính”. Nhân viên này cũng khẳng định: “Đây là sản phẩm của trang trại gia đình ở Đồng Nai và Đà Lạt (Lâm Đồng). Khách hàng có thể yên tâm vì chúng được trồng theo tiêu chuẩn organic…”. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế của phóng viên, cửa hàng này đang lấy hàng từ một trang trại rau quả ở Đà Lạt, trong đó có nhiều loại với phẩm cấp khác nhau, số ít là hữu cơ. Số hàng này sau đó được gắn nhãn hiệu của cửa hàng. 

Vấn đề đặt ra ở đây là, giá 1kg rau theo chuẩn organic cao hơn nhiều lần rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và giá rau VietGAP lại đắt hơn giá rau thường tới vài chục phần trăm, nếu không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc rau, chắc chắn khách hàng không dễ phân biệt chúng. Điều này đặt nghi vấn, liệu khách hàng có được mua sản phẩm chính hãng hay không? Đáng chú ý, trên thị trường cũng có khá nhiều thực phẩm các loại như tôm, cá, thịt… được chào bán và được khẳng định sản phẩm organic, nhưng hoàn toàn không có thông tin xác nhận.

Khung pháp lý cho thực phẩm organic

Đại diện PGS Việt Nam (Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ được IFOAM – Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ – chấp nhận) cho biết, sản phẩm muốn được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ phải thực hiện theo chuỗi sản xuất khép kín, có sự giám sát chặt chẽ của người có chuyên môn, đảm bảo các tiêu chí theo quy định về đất, nước, dinh dưỡng, chất lượng… Chẳng hạn, đối với đất trồng, phải được quy hoạch thành vùng, được xét nghiệm không bị ô nhiễm kim loại nặng, hóa chất độc hại. Với nước, cũng phải xét nghiệm không bị ô nhiễm hóa chất, kim loại nặng. Không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chủ yếu áp dụng quy luật đấu tranh sinh học tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh…

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Organik Đà Lạt, thông tin thêm: Để sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ, doanh nghiệp (DN) phải đạt hàng trăm tiêu chí do tổ chức quốc tế đưa ra. Quy trình chứng nhận này được lặp lại mỗi năm, “ngốn” của DN khoảng 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dự án Song Nam (chuyên doanh rau quả xuất khẩu), nhận định năng suất rau quả hữu cơ thấp hơn từ 25% – 40% so với sản xuất thông thường. Về cảm quan, người tiêu dùng không thể nhận biết bằng mắt thường, ngoại trừ sản phẩm được đóng gói, ghi nhãn mác, chỉ dẫn địa lý…

Thực phẩm mạo nhận, tự xưng organic để bán giá cao hiện xuất hiện tràn lan nhưng cơ quan chức năng không dễ xử phạt. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: “Xu hướng hiện nay là DN tự chứng nhận chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm. DN được quyền sản xuất, kinh doanh những gì mà luật pháp không cấm. Tuy vậy, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng thì rất cần khung pháp lý cho thực phẩm organic. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn hàng đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh là điều rất quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Sở Công thương sẽ làm việc ngay với các siêu thị, cửa hàng tiện ích… để rà soát lại việc nhập hàng, cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm organic trên thị trường”

THI HỒNG

***

Nông dân “tẩy chay” VietGap

Từ năm 2009, nhằm giữ uy tín cho thương hiệu trái thanh long, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện việc sản xuất loại cây ăn trái này theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Thế nhưng, sau 7 năm nỗ lực, đến nay người trồng thanh long nơi đây dường như đã quá ngán ngẩm và bắt đầu “tẩy chay” hình thức sản xuất này. Vì sao?

Hàng loạt tổ sản xuất thanh long VietGAP bỏ bê sinh hoạt, thưa dần rồi mất hút; nông dân không buồn ghi chép sổ nhật ký sản xuất; người chưa tham gia thì không muốn vào, người vào rồi lại muốn ra… Đó là những thực tế đáng buồn khi chúng tôi tiến hành khảo sát một số tổ sản xuất thanh long VietGAP tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, nơi có diện tích thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận.

Nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã từ bỏ VietGAP

Ông Trương Tích Hùng, Tổ trưởng Tổ sản xuất thanh long VietGap Gò Cà 2 (huyện Hàm Thuận Bắc), phân tích: “Nếu tuân thủ sản xuất theo VietGAP đòi hỏi rất tốn công sức, chi phí cao, nhưng trọng lượng của mỗi trái thanh long chỉ từ 300 – 350 gram/trái, mẫu mã lại xấu do không dùng thuốc kích thích. Do vậy, nhiều hộ đã từ bỏ quy trình sản xuất này, quay lại trồng theo cách dùng thuốc kích thích để có những trái thanh long đạt trọng lượng trên 400 gram, số trái bị loại ít hơn, thu nhập cao hơn. Bởi vậy, ban đầu tổ sản xuất thanh long VietGAP này có tới hơn 100 hộ tham gia, nay thì chỉ còn hơn 30 hộ”.

Còn ông Trần Hữu Trí (nông dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) lại cho rằng: “Trồng thanh long theo VietGAP rất dễ bị dịch bệnh vì việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, hiện nay bệnh đốm nâu trên cây thanh long đang hoành hành. Nếu chúng tôi không dùng thuốc để khống chế thì thanh long sẽ giảm năng xuất, mẫu mã xấu không thể bán được”. 

Trong khi đó, đến nay tỉnh Bình Thuận chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra mua thanh long VietGAP. “Họ đến vườn chỉ cần thấy thanh long to, đẹp, không sâu bệnh là mua hết, còn chẳng ai hỏi có trồng theo VietGAP hay không?”, ông Trí nói. Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Trần Ngọc Hiệp cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hiện tại, khoảng 80% sản lượng trái thanh long của địa phương được xuất khẩu sang Trung Quốc. Thị trường này vốn dễ tính, họ không cần quan tâm nhiều đến tiêu chuẩn chất lượng, mà chỉ quan tâm đến mẫu mã đẹp. 

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, cái được lớn nhất của VietGAP là làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân, bởi ngoài áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, bà con còn được huấn luyện ý thức kỷ luật, ý thức về môi trường, tính cộng đồng, ý thức gắn kết trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Nhiều hộ dân trồng thanh long ở Bình Thuận cũng thừa nhận điều này. Thế nhưng, thực tế thị trường lại không cho phép họ dám thay đổi. 

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận Trần Ngọc Hiệp cho rằng, đã đến lúc ngành chức năng tỉnh Bình Thuận cũng cần nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ cho người nông dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất thanh long sạch. Việc quy hoạch vùng thanh long theo hướng chất lượng và sớm hình thành một mạng lưới thu mua, tiêu thụ sản phẩm thanh long sạch, hướng đến nhiều thị trường khó tính khác.

Bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thanh long Bình Thuận cho biết, địa phương hiện chỉ có 8.055/27.000ha trồng thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 1.515ha đã hết hiệu lực từ tháng 6-2016, nay nhiều bà con nông dân không tham gia nữa.

NGUYỄN TIẾN/SGGP

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)