Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mập mờ về thực phẩm an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người dân vào siêu thị chọn mua thực phẩm sạch. Ảnh: T.L
Người tiêu dùng chỉ biết tin đó là thực phẩm an toàn, sạch, đạt chất lượng căn cứ vào… nơi mua, nhưng lại mù mờ giữa những tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic.
Càng đắt càng sạch?
Chị Hồng là nhân viên của một công ty tổ chức sự kiện tại Q.1 – TP.HCM. Công việc bận rộn và tâm lý “sợ” dùng thực phẩm thuần túy tại chợ trước những thông tin tràn lan thực phẩm không an toàn. Nên cùng với rất nhiều bà nội trợ khác ở công ty, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng có chưng biển “thực phẩm sạch” luôn là sự lựa chọn số 1 của chị. “Đắt thì có đắt hơn rồi. Gấp 2, 3 thậm chí là 4 lần so với giá ngoài chợ. Nhưng mà yên tâm hơn. Ăn uống cũng cảm giác ngon miệng hơn” – chị Hồng chia sẻ.
“Rau tự trồng trong nhà lồng theo tiêu chuẩn VietGAP”, “rau sạch, an toàn tuyệt đối, không dư lượng hóa chất, được trồng bằng phương pháp thủy canh”, “rau trồng bắt sâu bằng tay” là những mẩu quảng cáo được rao trên nhiều diễn đàn mạng như Webtretho, Lamchame, vatgia, rausach… Đa phần người bán đều giới thiệu rằng vì sợ nạn rau bẩn nên gia đình đã tự trồng rau để ăn cho an toàn, còn dư thì bán. Vì vậy, giá của những mặt hàng rau này cũng không hề mềm: Mồng tơi, rau muống, rau dền 16 ngàn/1 bó, rau ngót 18 ngàn/1 bó, bắp cải tròn 40 ngàn/1kg… tức là đắt hơn gấp 3, 4 lần so với giá rau bán lẻ tại chợ.
Tại một sạp hàng bán rau tại chợ trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú). Người bán hàng đon đả quảng cáo rằng, rau bán tại cửa hàng được lấy từ vườn trên Đà Lạt về của một nhà bà con nên chất lượng thì không phải bàn tới. Rất sạch và an toàn. Đi cùng với chữ “sạch” là giá tăng từ 50-100% so với mặt hàng rau “không gắn sạch” của sạp hàng bên cạnh, cụ thể đậu que “sạch” giá 35 ngàn/1kg trong khi đậu que “không sạch” giá 15 ngàn/1kg.
Tương tự, thực phẩm tại những cửa hàng chuyên cung cấp rau sạch, rau hữu cơ hay tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng có giá cao hơn từ 50-70% so với giá thị trường. Tại một cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch trên đường Võ Văn Tần (Q.3), thịt gà giá 350 ngàn/1kg, thịt bò giá 290 ngàn/1kg, thịt heo giá 250 ngàn/1kg… Người bán hàng ở đây nói, thực phẩm tại đây từ bò, heo, gà đều có kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, chọn lọc từ khâu con giống. Bên cạnh những mặt hàng trong nước còn được nhập khẩu từ nước ngoài. Còn rau thì được trồng theo phương pháp hữu cơ nên tất nhiên là giá thành phải cao hơn ngoài thị trường. “Mỗi tuần 3 lần, tôi điện thoại đặt hàng một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, an toàn tại đường Điện Biên Phủ (Q.3) để mua rau quả, thịt cá. Khi mình bỏ ra một số tiền lớn hơn so với việc tiêu dùng ngoài chợ, lại mua tại một cơ sở kinh doanh lớn, họ quảng cáo là an toàn, là sạch thì mình có cảm giác an toàn hơn, yên tâm hơn thôi. Chứ mấy thứ tiêu chuẩn này nọ, thực sự là mình không hiểu…” – chị Quỳnh Hương, một người tiêu dùng cho hay.
Thực phẩm thế nào là an toàn?
Người tiêu dùng hiện chỉ biết căn cứ vào giá thành sản phẩm, nơi bán sản phẩm để đánh giá thực phẩm “sạch” hay chưa. Thông thường, người tiêu dùng thường tin tưởng khi lựa chọn thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, những cửa hàng thực phẩm “sạch”.
Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, thực phẩm chỉ cần gắn mác “sạch” là bán có giá. Vì vậy, ngày càng nhiều những cửa hàng thực phẩm sạch mọc lên, với quảng cáo là thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic.
“Tôi cũng không rõ những tiêu chuẩn thực phẩm sạch là gì. Chỉ biết thực phẩm sạch có giá rất cao do phải trải qua quá trình khắt khe từ khâu con giống đến nuôi trồng. Thường thì tôi chọn mua trong siêu thị” – chị Hồng cho biết. Theo ThS. Trần Trọng Vũ – giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Công nghệ Sài Gòn thì có nhiều tiêu chuẩn để phân biệt thực phẩm an toàn. Phổ biến nhất hiện nay là tiêu chuẩn VietGAP – quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, đưa ra các tiêu chí giúp nông dân hướng đến thực hành sản xuất nông nghiệp loại bỏ những mối nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng. Tiêu chuẩn GlobalGAP là bộ tiêu chuẩn về nông trại được công nhận quốc tế dành cho việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Còn tiêu chuẩn Organic là tiêu chuẩn đối với thực hành sản xuất thực phẩm hữu cơ. Thực phẩm hữu cơ có giá thành cao hơn so với thực phẩm an toàn. Vì thực phẩm hữu cơ được trồng và chăm hoàn toàn bằng công tác thủ công, không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào. Còn thực phẩm an toàn thì cho phép sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng chỉ đảm bảo không còn tồn dư thuốc đối với người sử dụng.
Tuy nhiên, theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM thì hiện không có nhiều cơ sở sản xuất loại rau hữu cơ. Do vậy, việc người bán hàng tự “gắn mác” để “lòe” người tiêu dùng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Người tiêu dùng hiện tại chỉ biết dùng cảm quan, cảm giác để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình khi lựa chọn thực phẩm.
Yến Hoa
Dịch vụ đi chợ thuê phát triển mạnh
Đi cùng xu thế lựa chọn thực phẩm sạch, người tiêu dùng cũng đang hướng đến dịch vụ đi chợ thuê. Dịch vụ này nhắm đến bộ phận người nội trợ có quỹ thời gian ít ỏi, không thể trực tiếp đi chợ lựa chọn thực phẩm cho gia đình, muốn có bữa cơm nhà nhưng lại không muốn thuê người giúp việc. Họ sẽ “mướn” người đi chợ, chọn thực phẩm thậm chí lên thực đơn, chọn món giúp mình. Ngay cả việc nêm nếm gia vị món ăn cũng được dịch vụ “bao” luôn. Chỉ cần nhấc “a lô” lên, thậm chí qua Facebook, người tiêu dùng đã hoàn toàn có những thực phẩm theo ý mình trên kệ bếp. Trên Facebook Nấu Ăn PRO, chọn gói bao gồm dịch vụ đi chợ thuê, sơ chế nguyên liệu theo món ăn và đưa đến tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ việc bỏ vào nồi để nấu.
Ilovefood, Sen Vàng, Lifeissimple… là một trong những công ty chuyên cung cấp dịch vụ đi chợ thuê chuyên nghiệp tại TP.HCM. Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho người nội trợ, các công ty này còn giúp khách hàng sơ chế trước món ăn, nấu chín sẵn món ăn, tùy thuộc vào quỹ thời gian của người nội trợ ít đến đâu. Chị Hồng Hạnh, một khách hàng thường xuyên của dịch vụ này chia sẻ: “Khi công việc bận bù đầu, nhất là những tháng cuối năm, tôi thường lựa chọn dịch vụ đi chợ thuê, vừa không tốn nhiều thời gian, thực phẩm vừa đảm bảo an toàn lại vẫn có bữa ăn ngon, ấm cúng không khí cùng gia đình thay vì ra ăn hàng như trước kia”.
Tuy nhiên, cũng vì dịch vụ theo kiểu “mì ăn liền” nên phần nhiều, người nội trợ thường chỉ chọn sử dụng trong một khoảng thời gian không cố định, nhất vào thời điểm cuối năm, hay những người quá bận rộn mà không có người giúp việc nhà.
Đại diện của Ilovefood cho biết, công ty không có nhiều đơn hàng cố định trong năm. Khách hàng chỉ sử dụng dịch vụ trong một thời gian ngắn rồi ngưng. Sau đó lại quay trở lại sử dụng. Mỗi ngày đơn hàng của Ilovefood có thể lên đến vài trăm người, ngày bình thường cũng trên 100. Với giá thành mỗi đơn hàng dao động từ 100-250 ngàn đồng cho một gia đình 3, 4 người ăn.
Y.Hoa
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)