Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy năm nay yêu cầu các trường đại học, cao đẳng phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trong đề án tuyển sinh.
Sinh viên tìm việc trong ngày hội việc làm do trường đại học tổ chức. ẢNH: HÀ ÁNH
Nhìn vào số liệu thống kê ở một số trường có thể thấy những con số “đẹp” nhưng lại thiếu thuyết phục.
Đẹp như mơ!
Chẳng hạn trong đề án tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, mục tình hình việc làm năm 2017 còn bỏ trống.
Ở năm 2016, trường này công bố tỷ lệ sinh viên (SV) tìm được việc làm sau 12 tháng với tỷ lệ chung đạt 92,27%. Trong đó khối ngành có tỷ lệ thấp nhất cũng đạt trên 90%.
Tuy nhiên nhìn vào con số cụ thể do chính báo cáo của trường lại thấy có nhiều vấn đề. Chẳng hạn ở nhóm ngành kinh doanh – quản lý – pháp luật, số SV tốt nghiệp 430 người, trong đó SV có việc làm sau 12 tháng là 247 người. Như vậy, thực tế tỷ lệ này chỉ đạt trên 57% nhưng công bố trong đề án lên tới gần 91%.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố tỷ lệ SV có việc làm của 2 khóa tốt nghiệp gần nhất là 90,2%, ở từng nhóm ngành đạt từ 82 – 94%. Tuy nhiên, dữ liệu cụ thể trong đề án chưa khớp nhau. Ví dụ ở nhóm ngành xã hội – dịch vụ – môi trường – an ninh quốc phòng, trường có 1.197 SV tốt nghiệp, trong đó 737 người có phản hồi (đạt 61%). Trong khi đó ở đề án tỷ lệ này lên tới trên 94%. Tương tự, khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên chỉ có trên 1.800 SV phản hồi trong số trên 3.000 người tốt nghiệp, vì thế tỷ lệ trên 88% SV có việc làm như trong đề án cũng không chính xác.
Trường ĐH Lao động – Xã hội cũng công bố tỷ lệ này ở 2 nhóm ngành đào tạo của trường là 84 và 92%. Trường có ghi chú đây là tỷ lệ tính trên số SV phản hồi khảo sát nhưng không công bố con số khảo sát là bao nhiêu.
Thạc sĩ Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong đề án chỉ là thông tin tổng hợp. Ví dụ nhóm ngành kinh doanh – quản lý có trên 400 người tốt nghiệp nhưng trường chỉ liên hệ khảo sát được trên 300 người; trong đó 247 người đã có việc làm nên tỷ lệ đạt trên 90%. Số SV còn lại trường vẫn đang tiếp tục liên hệ và sẽ báo cáo bổ sung sau.
Như vậy, nhìn vào những con số “đẹp như mơ” này, thí sinh sẽ khó biết được đâu là con số xác thực. Thực tế khi công bố trên website trong mục “3 công khai”, có những trường chỉ khảo sát được một SV nhưng vẫn công bố tỷ lệ SV có việc làm của ngành học đó đạt tới 100%.
Có chế tài được không?
Năm 2009, trong thông tư ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT yêu cầu trường ĐH phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường chất lượng giáo dục thực tế trước ngày 31.12 mỗi năm. Một trong các nội dung quan trọng của mục này là tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường.
Mỗi năm sau đó, Bộ đều có công văn nhắc nhở và cảnh báo đây là yêu cầu bắt buộc, điều kiện để xem xét việc tuyển sinh của trường trong năm tiếp theo. Trong hội nghị triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 – 2012, Bộ cũng từng cảnh báo các trường về việc này. Cụ thể, nếu các trường vẫn không thực hiện đầy đủ “3 công khai”, Bộ sẽ gửi văn bản đến tất cả các trường THPT thông báo danh sách các trường ĐH, CĐ không công khai về thu chi tài chính và đề nghị học sinh thận trọng khi đăng ký dự thi vào trường.
Trước tình hình báo cáo chưa nghiêm túc của các trường, trong văn bản yêu cầu báo cáo tình hình việc làm năm 2016, Bộ GD-ĐT lần đầu tiên đưa ra tỷ lệ SV khảo sát cần có phản hồi tối thiểu trên tổng SV tốt nghiệp theo từng ngành đào tạo. Ví dụ, với ngành học có từ 51 – 60 SV tốt nghiệp thì kết quả khảo sát chỉ đạt yêu cầu khi có 87% số SV khảo sát có phản hồi. Nếu không đạt được tỷ lệ này thì báo cáo của trường không đạt yêu cầu.
Văn bản của Bộ còn nhấn mạnh báo cáo này sẽ là cơ sở để đăng ký chỉ tiêu và mở ngành. Từ năm 2018 trở đi, trường không báo cáo, báo cáo không đạt yêu cầu, không công khai thông tin này theo quy định thì sẽ không được tuyển sinh.
Ngay trong thông tư sửa đổi, bổ sung tên và một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy cũng nêu rõ các trường không công khai đầy đủ thông tin theo quy định sẽ không được tuyển sinh.
Tuy nhiên, nhìn vào số liệu các trường công bố trong đề án theo mẫu của Bộ thì khá thất vọng. Tỷ lệ này chỉ gồm thống kê số lượng SV tốt nghiệp theo khối ngành chứ không theo từng ngành cụ thể. Đây cũng chỉ là số lượng SV có việc làm sau khi ra trường 12 tháng, không phân biệt đúng ngành hoặc không. Trong đó, nhiều trường không nêu rõ số lượng SV được khảo sát và có phản hồi như quy định. Trong mục “3 công khai” trên website nhiều trường hiện vẫn chưa thấy thông tin này.
Vậy đến nay Bộ có thời gian kiểm tra để biết được những trường nào chưa thực hiện đúng yêu cầu? Nếu phát hiện, Bộ có đề nghị trường không thông báo tuyển sinh như quy định? Trong khi đó, hiện nay các trường đều đã thông báo tuyển sinh và thí sinh cũng sắp bước vào thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi.
Chẳng lẽ quy định này đặt ra chỉ để cho có?
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)