Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Marketing và digital marketing khác nhau thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh ngành marketing truyền thống, vài năm gần đây nhiều trường đại học đã mở ngành digital marketing. Điều này khiến nhiều thí sinh băn khoăn liệu 2 ngành này có gì khác nhau và nên chọn học ngành nào?

Ngành mới Digital Marketing

Marketing là ngành học truyền thống được nhiều trường đào tạo trong thời gian qua. Tại TPHCM, những trường đào tạo ngành này có thể kể đến như Trường đại học Tài chính – Marketing, Trường đại học Hùng Vương TPHCM, Trường đại học Công nghiệp TPHCM, Trường đại học Mở TPHCM, Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM)…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính – Marketing – cho biết, ngành marketing giúp doanh nghiệp phân tích, tiếp cận, thấu hiểu nhu cầu của khách hàng, qua đó thiết lập các chiến lược giá, sản phẩm, phân phối, truyền thông phù hợp nhằm mang lại lợi nhuận hay xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. 

Thí sinh xét tuyển vào Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, nơi có đào tạo ngành digital marketing - ẢNH: TRƯƠNG MẪN

Thí sinh xét tuyển vào Trường đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM, nơi có đào tạo ngành digital marketing – Ảnh: Trương Mẫn

Gần đây, một số trường đại học đã mở đào tạo ngành digital marketing, như Trường đại học Tài chính – Marketing, Trường đại học Mở TPHCM, Trường đại học Hoa Sen, Trường đại học Kinh tế TPHCM… Mới nhất là Trường đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM, Trường đại học Công nghệ TPHCM…

Digital marketing được hiểu nôm na là các hoạt động marketing được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số. Việc tiếp cận khách hàng sẽ được thực hiện qua các kênh thông tin điện tử như: Facebook, Instagram, Google hay website. Thông qua những nền tảng kỹ thuật số, các chuyên gia marketing sẽ xây dựng và củng cố hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.

Tiến sĩ Phan Bảo Giang – Trưởng khoa Marketing Trường đại học Kinh tế – Tài chính TPHCM – cho biết, ngành digital marketing (marketing số) nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực mang tính xu hướng phát triển hiện nay. Digital marketing được thiết kế và áp dụng phương pháp lai “hybrid”, vừa phát triển kiến thức, kỹ năng vừa thúc đẩy sự sáng tạo, kỹ thuật, và kinh nghiệm trong marketing kỹ thuật số.

Mục tiêu của ngành học là cung cấp cái nhìn tổng quan, đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của marketing kỹ thuật số thông qua các khái niệm, lý thuyết và ứng dụng thực tiễn như phân tích và đánh giá dữ liệu trong marketing; cách sử dụng marketing kỹ thuật số và cách đo lường hiệu quả của nó. Nắm vững tất cả các kênh cốt lõi và cách chúng kết hợp với nhau để có thể lập kế hoạch; đồng thời đưa ra các giải pháp marketing, xây dựng các ý tưởng sáng tạo, truyền thông xã hội và kỹ thuật số hiệu quả, thành công. 

Tăng trưởng cao

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, digital marketing là một trong những công cụ hữu hiệu giúp việc tiếp cận và thực hiện các hoạt động truyền thông hiện đại ngày nay. Digital marketing giúp doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn khách hàng tiềm năng để tiếp cận; không bị giới hạn không gian và thời gian, cập nhật liên tục. Chi phí tương đối thấp, nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao, đặc biệt có thể kiểm soát được các chi phí quảng cáo như: Facebook Ads, Google Ads… Sử dụng thiết bị internet trên những kỹ thuật số hóa, không phải phụ thuộc nhiều vào các hãng truyền thông. Trong ngành marketing thì digital được dùng làm công cụ truyền thông để phát triển các chiến lược.

Tiến sĩ Phan Bảo Giang cho biết digital marketing là xu hướng marketing mới và sẽ song hành với ngành marketing hiện tại trong sự phát triển chung của thế giới. Điểm đặc trưng khác biệt đó chính là digital marketing trên thực tế được xây dựng để đào tạo theo hướng chuyên sâu hơn marketing, sẽ tập trung nhiều hơn vào các kiến thức và kỹ năng marketing trên các kênh phương tiện số như Facebook, Instagram, Google, website… 

Vậy nên, ngành digital marketing sẽ là lựa chọn tối ưu cho những thí sinh yêu thích công nghệ, truyền thông, thích sáng tạo nội dung số, thích giao tiếp và hoạt động trên môi trường internet.
Từ kết quả khảo sát 167 doanh nghiệp Việt Nam có những hoạt động số nổi bật, bản báo cáo “Vietnam Digital Marketing Trends 2021” đã chỉ ra: Năm 2021, tỉ trọng hoạt động digital marketing tăng 21% so với năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo. Mức đầu tư trung bình của doanh nghiệp cho hoạt động digital marketing trong 2021 ước tính khoảng 17% tổng doanh thu…

Thực tế, với bối cảnh chuyển dịch số mạnh mẽ tại Việt Nam, nhân lực trong ngành digital marketing ngày càng được các doanh nghiệp săn đón. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, đến năm 2025, ngành marketing cần tới 21.600 lao động trở lên mỗi năm, trong đó marketing kỹ thuật số chiếm tỉ trọng không nhỏ.
Học ngành digital marketing, sinh viên tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm đa dạng như: quản lý, tiếp thị, quan hệ công chúng, copywriter, marketing online, trợ lý truyền thông, quản lý thương hiệu, quan hệ khách hàng, phân tích kinh doanh, quản lý sự kiện… 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết marketing trong thời đại ngày nay là phương pháp tiếp thị được doanh nghiệp phát triển và tạo ra dựa trên nhu cầu mua sắm thực sự của khách hàng về một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Phương pháp này hình thành thông qua sự kết hợp giữa 4 yếu tố: chiến lược, tư duy sáng tạo, công nghệ hiện đại và khả năng phân tích. 

Marketing hiện đại giúp doanh nghiệp tạo ra các chiến lược tiếp thị và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng một cách tối ưu nhất. Nhưng xu thế mới sẽ luôn được cập nhật và đổi mới như: digital marketing, social media…

Theo Trương Mẫn/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)