Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Masan Group trong top danh mục đầu tư toàn cầu của TPG

Tạp Chí Giáo Dục

TPG, một trong những Quỹ đầu tư vốn tư nhân lớn và danh tiếng nhất thế giới, lần đầu tiên tổ chức “Hội nghị thường niên các nhà đầu tư” bên ngoài nước Mỹ. Địa điểm được chọn lần này là Việt Nam từ ngày 19 – 21.3, ở Hà Nội.
Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, đây là cơ hội để các nhà đầu tư của TPG đánh giá lại hoạt động và sự biến động về giá trị của danh mục đầu tư trong năm vừa qua. Chủ đề thảo luận chính của hội nghị sẽ tập trung vào các cơ hội ở thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.
Được biết hơn một nửa danh mục đầu tư của Quỹ TPG Growth, một quỹ thành viên với tổng số vốn đã được cam kết lên đến xấp xỉ 4 tỉ USD, đã được phân bổ cho các khoản đầu tư vào các thị trường mới nổi, bao gồm 35 triệu USD đã đầu tư vào Masan Group năm 2009 dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi. Khoản đầu tư này đã tạo ra lợi nhuận đáng kể, với giá thị trường hiện ước tính gấp 5 lần giá trị đầu tư ban đầu, dựa trên giá cổ phiếu hiện tại của Masan là 120.000 VNĐ/cổ phiếu.
Theo một vài nguồn tin trong ngành thì trong danh mục đầu tư của TPG Growth, Masan Group nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xuất sắc nhất và sẽ được giới thiệu tại hội nghị để giúp thu hút thêm vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Masan Consumer, công ty con của Masan Group, một trong những công ty hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận cao nhất châu Á
Giá trị vốn hóa của Masan Group đã tăng gấp 4 lần kể từ khi niêm yết vào năm 2009. Tăng trưởng nội sinh, thông qua hai công ty thành viên chủ chốt là Công ty Hàng Tiêu Dùng Masan (“Masan Consumer”) và Công ty Tài Nguyên Masan (“Masan Resources”) là động lực tạo ra giá trị lớn nhất cho tập đoàn.
Trong vòng 4 năm vừa qua, Masan Consumer đã là một trong số những công ty hàng tiêu dùng nhanh có mức độ tăng trưởng nhanh nhất và mức lợi nhuận cao nhất ở châu Á. Masan Consumer đã gia tăng doanh thu của mình gần 540% từ mức 1.920 tỉ đồng năm 2008 lên đến gần mức 10.400 tỉ đồng trong năm 2012. Trong khi đó mức lợi nhuận sau thuế đã gia tăng gần 700% từ hơn 400 tỉ đồng trong năm 2008 lên đến 2.800 tỉ đồng trong năm 2012.
Masan Consumer đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng này thông qua việc củng cố thành công vị thế thị trường trong ngành hàng nước chấm và mì ăn liền, để trở thành doanh nghiệp lần lượt chiếm thị phần số 1 và số 2 trong những ngành hàng này.
Trong một giao dịch gần đây, để gia tăng tỷ lệ cổ phần của mình tại Masan Consumer, KKR đã định giá công ty ở mức xấp xỉ 2,3 tỉ USD. Điều này cho thấy Masan Consumer đã thực sự tạo ra giá trị đáng kể cho cổ đông kể từ thương vụ đầu tư 10 triệu USD Mekong Capital trong năm 2009, khi công ty được định giá ở mức chỉ gần 300 triệu USD.
Tương tự như vậy, Masan Group đã tạo ra giá trị gia tăng đáng kể từ thương vụ mua lại dự án mỏ Núi Pháo, khi tập đoàn ước tính đã chi trả từ 250 – 300 triệu USD (chủ yếu bằng cổ phiếu MSN) cho 70% cổ phần sở hữu của Dragon Capital. Hơn 320 triệu USD đã được Masan Group đầu tư thêm trong vòng 2 năm vừa qua để hoàn toàn xoay chuyển và xúc tiến tiến độ của dự án. Theo dự kiến, dự án sẽ đi vào vận hành thử trong những tháng tới và sự kiện này sẽ là một minh chứng cho năng lực thực thi của Masan Group.
Masan Group cũng đã huy động hơn 1 tỉ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu và đã phân bổ xấp xỉ 430 triệu USD cho việc xây dựng các nền tảng vận hành dài hạn. Phần lớn số tiền được huy động này đã được phân bổ cho các doanh nghiệp hiện hữu trong tập đoàn, chẳng hạn để gia tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty thành viên và các công ty liên kết hay để tài trợ vốn đầu tư tài sản cố định của dự án mỏ Núi Pháo. Tập đoàn cũng đã chi gần 160 triệu USD để mua lại các doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Trong vòng hai năm qua, Masan đã mua lại cổ phần của Vinacafe Biên Hòa, Proconco và Vĩnh Hảo. Mặc dù các thương vụ lại này được thực hiện ở một mức giá không nhất thiết là rẻ, nhưng theo các nguồn tin thì chúng phù hợp với chiến lược chung của Masan Group là xây dựng chiều sâu cho mảng tiêu dùng. Các thương vụ này được mong đợi sẽ tạo ra lợi nhuận trong dài hạn khi được Masan Group đầu tư theo cùng một phương thức đã tạo nên sự thành công cho Masan Consumer và Masan Resources.
Khả năng của Masan Group trong việc tạo ra giá trị dài hạn cho cổ đông sẽ được giới thiệu trong hội nghị thường niên các nhà đầu tư. Đây cũng là một cơ hội lớn để giúp Việt Nam thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư ngoại cho thị trường trong nước.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)