Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Massage khiếm thị đang bị biến tướng

Tạp Chí Giáo Dục

Một cơ sở massage khiếm thị biến tướng trên đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM

Với sự giúp đỡ của Hội Người mù và ngành y tế, mô hình massage do nhân viên khiếm thị đảm trách đã từng bước giải quyết được công ăn việc làm cho những người khiếm thị.

Thế nhưng, hiện nay loại hình đang bị biến tướng đã làm mất đi tính nhân văn của nó. Hậu quả là những cơ sở làm ăn chân chính đã bị ảnh hưởng.

Mô hình “chui” biến tướng

Sau khi học xong chương trình THCS tại Trường PT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM, Phan Văn Minh, SN 1966 quê ở Cái Bè, Tiền Giang theo học một lớp dạy massage miễn phí. Cùng với gia đình anh bỏ tiền ra thành lập Trung tâm Phục hồi sức khỏe Tiến Minh trên đường Cao Đạt, P.1, Q.5. Nhờ hoạt động tốt nên trung tâm của anh đã giúp được gần 20 người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định. Đó cũng là mô hình từ nhiều năm nay của anh Bùi Văn Thanh khi mạnh dạn mở cơ sở massage Nhật Việt Thanh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh để giúp đỡ nhiều người có cùng cảnh ngộ. Mô hình này đã được Sở Y tế TP.HCM và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM tạo điều kiện giúp đỡ về giấy phép, dự án đầu tư và nhân lực để các chủ cơ sở là nhân viên khiếm thị có tư cách pháp nhân và sống được với nghề.

Ông Trần Xuân Vinh , Trưởng phòng Y học dân tộc (Sở Y tế TP.HCM) cho biết: “Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả cơ sở massage của người khiếm thị đều phải có giấy phép hành nghề của ngành y tế tại địa phương”. Theo ông Vinh, chủ các cơ sở massage phải có bằng tốt nghiệp của BS đa khoa, BS Đông y hoặc BS phục hồi chức năng”. Ngoài hợp đồng giữa BS và chủ cơ sở các nhân viên phải có giấy khám sức khỏe và chứng chỉ đào tạo chuyên môn do Bộ Y tế chỉ định. 

Tuy nhiên, mấy năm lại đây, các cơ sở này đang bị biến tướng một cách thái quá do một số ông chủ tìm cách “ăn theo” tự ý mở các cơ sở massage khiếm thị không đúng như chức năng vốn có. Trên đường Trần Quốc Tuấn, P.11, Q.Bình Thạnh có tiệm massage H. được quảng cáo là do đội ngũ nhân viên khiếm thị đảm trách nhưng không có bảng hiệu theo đúng quy định. Trước nhà chỉ có tấm bạt che mưa nắng ghi dòng chữ chung chung mà không hề có thông tin đầy đủ về giấy phép kinh doanh và quy định hành nghề. Phòng massage chỉ có 5 giường không hề có tủ đựng quần áo, các nội quy mà Sở Y tế quy định. Đó cũng là tình trạng tạm bợ của các cơ sở massage trên đường Cây Trâm, P.9, Q.Gò Vấp. Chỉ trên một đoạn đường 100m mà có đến 3 cơ sở massage được quảng cáo là do nhân viên khiếm thị đảm nhận. Tuy nhiên, khi chúng tôi vào tìm hiểu thì cả 3 cơ sở đều do người mắt sáng bình thường quản lý. Điều này không đúng với chủ trương của ngành y tế và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Một số cơ sở có nhân viên khiếm thị tại chỗ làm việc nhưng có cơ sở lại thuê mướn nhân viên từ nơi khác đến làm việc theo thời vụ chứ không có hợp đồng lao động như quy định.

Nguy cơ làm khó người khiếm thị

Thực tế cho thấy, các cơ sở massage khiếm thị “chui” hiện nay chủ yếu chạy theo lợi nhuận kinh doanh nên bỏ qua các khâu vệ sinh và an toàn sức khỏe cho khách hàng. Theo quan sát của chúng tôi, tất cả cơ sở massage này chỉ là những căn phòng cho thuê tạm bợ, không hề có vách ngăn và đủ diện tích theo quy định. Hầu hết được che tạm bằng những tấm ri đô gọi cho có, vào bên trong tối om không có ánh sáng đèn. Chỉ có mùi ẩm mốc, dơ bẩn từ ga trải giường, khăn tắm, gối bốc lên rất khó chịu. Hầu hết đều không được gắn camera để bảo đảm an ninh. Tệ hơn phòng tắm, nơi vệ sinh dùng chung với gia chủ. Đáng nói hơn một số cơ sở lại “treo đầu dê bán thịt chó” vì không hề có nhân viên khiếm thị nào cả. Tại một cơ sở massage khiếm thị đầu đường Lê Văn Thọ, P.8, Q.Gò Vấp, nhân viên ở đây đều là những thanh niên bình thường. Rõ ràng cơ sở massage khiếm thị đang bị mạo danh do một số người tự ý hành nghề trái phép.

Anh Nguyến Minh Tuấn, chủ cơ sở massage trên đường Nguyễn Duy Dương, Q.10 cho biết, trước đây cơ sở của anh trên đường này quá ế đành phải chuyển đi nơi khác do các cơ sở massage mạo danh “lấn sân”. Đó cũng là tình trạng ế ẩm của một số cơ sở massage khiếm thị đàng hoàng có nguy cơ đóng cửa vì đã quá hạn mà chưa làm được hợp đồng mới. 

Một cơ sở massage khiếm thị đúng nghĩa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Cũng vì mạo danh nên các cơ sở này thường “phá rào” trong các bước hành nghề như không bắt buộc mặc quần lót hay quấn khăn tắm theo quy định dù có cả nhân viên nữ phục vụ như cơ sở massage D.D trên đường Cây Trâm. Hầu hết nhân viên đều không mặc áo blouse trắng và gắn bảng tên giống như những nơi có giấy phép kinh doanh. Cơ sở dạng chui này trước đây còn bị chính quyền địa phương và liên ngành phát hiện có tình trạng kích dục, quan hệ đồng giới một cách công khai. 

Rõ ràng những cơ sở trá hình đang làm ảnh hưởng đến “miếng cơm manh áo” của những cơ sở massage khiếm thị chân chính. Trong lúc các cơ sở lành mạnh đang bị làm khó về thủ tục thì các loại hình biến tướng này vẫn có đất sống, gây bất công trong xã hội mà không thấy cơ quan chức năng tại địa phương xử lý. “Các cơ sở massage mạo danh này từ lâu đã làm “rối loạn” thị trường và ảnh hưởng đến thương hiệu và gây khó khăn cho những cơ sở làm ăn có uy tín, hợp pháp như chúng tôi” – chị Lê Thị Đẹp, vợ anh Minh phàn nàn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Điểm – Chủ tịch UBND P.8, Q.Gò Vấp khẳng định: “Trên địa bàn phường hiện nay có một số cơ sở massage khiếm thị đã được phòng kinh tế cấp giấy phép. Tuy nhiên do tôi mới về nhận công tác tại phường nên chưa thống kê hết số lượng cơ sở có trên địa bàn. Chúng tôi ghi nhận tất cả mọi ý kiến và sẽ có biện pháp quản lý chặt hơn trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh

Bình luận (0)