Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Mất 150.000 người vì TNGT nhưng chưa có cán bộ bị kỷ luật

Tạp Chí Giáo Dục

Dù cơ bản tán thành những báo cáo của Chính phủ về tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nhưng trong buổi thảo luận tại hội trường hôm qua (27/10), các Đại biểu Quốc hội vẫn trăn trở không chỉ về những vấn đề kinh tế vĩ mô mà còn lo ngại về nhiều vấn đề an sinh xã hội…

Chưa có lãnh đạo nào bị kỷ luật vì để xảy ra tai nạn giao thông

Nhiều ĐB cho rằng, tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho nhà nước cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội là vấn đề hết sức cần thiết. “Theo quan điểm của chúng tôi, phải khẳng định hạ tầng kinh tế khó khăn nhất của Việt Nam chúng ta vẫn là giao thông. Do vậy vấn đề đầu tiên tôi nghĩ phải ưu tiên tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, có thể nói vấn đề hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, đặc biệt là khu vực miền Trung còn vô cùng khó khăn. Hiện tại chúng ta chỉ có một tuyến quốc lộ 1 duy nhất để liên kết vùng, đây là vấn đề khó và tác động rất lớn đến vấn đề kêu gọi thu hút đầu tư”, ĐB Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề nghị.

Nhiều ĐB nhận định, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, nhất là cảng biển và sân bay là chưa tập trung, còn “dàn hàng ngang” nên “đầu tư hàng chục cảng biển chỉ dùng được 2-3 cảng, trong khi đó đường sắt đã xuất hiện từ hơn 100 năm nay vẫn chưa được mở rộng, chưa có đường nào đáp ứng tiêu chuẩn quốc lộ…” như nhận xét của ĐB Lê Nam (Thanh Hóa).

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng: “Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước, chúng ta cần đến các trục giao thông, vì nó là huyết mạch của nền kinh tế. Trục giao thông đường một Bắc – Nam hiện nay, mặc dù tích cực nâng cấp sửa chữa nhưng chưa đủ tầm với sự thay đổi của đất nước, chưa đủ sức để tham gia gánh vác nền kinh tế đất nước và đây cũng là trục đường tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất. Nên phải quyết tâm và khẩn trương làm trục lộ Bắc – Nam rộng hơn mỗi bên 8 làn đường để phục vụ cho nền kinh tế nước nhà, hạn chế mức thấp nhất tai nạn giao thông”.

Cũng bức xúc trước tình trạng ngày càng “tồi tệ” của an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) và các tuyến quốc lộ, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông của các cấp kéo dài qua nhiều năm nhưng rất chậm được khắc phục, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. ĐB Nga dẫn chứng, trong 3 khóa gần đây có khoảng trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào từ Trung ương đến cơ sở bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều tai nạn và Quốc hội cũng chưa miễn nhiệm một Bộ trưởng nào vì lý do này.

Hàng năm đại đa số cán bộ, công chức của những cơ quan có trách nhiệm về an toàn giao thông đều được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu trách nhiệm cá nhân không nghiêm và quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng không được thực hiện trên thực tế thì khó có thể giải quyết tình trạng này.

Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng giữa phát triển hạ tầng và phương tiện, việc cho phép phát triển ồ ạt phương tiện giao thông trong 10 năm qua đã vượt xa khả năng đáp ứng của hạ tầng, đầu tư cho nâng cấp và phát triển hệ thống đường bộ chưa tương xứng… là những nguyên nhân cơ bản khiến tình hình an toàn giao thông đã đến mức báo động như thời gian qua.

Trước tình trạng khó khăn của vấn đề giao thông, các ĐB thấy rằng, cần sự cộng đồng trách nhiệm vì sẽ khó mong giảm phương tiện cá nhân khi vẫn cho ra đời các nhà sản xuất xe máy, nhập khẩu ô tô, những cố gắng cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ của Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ là “ném đá ao bèo” nếu các Bộ khác vẫn cho đặt các trường đại học ở nội đô, các tòa chung cư tại đô thị…
Đa số các DN nhỏ và vừa đang “sống dở, chết dở”

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, doanh nghiệp (DN) lớn gặp khó khăn 1 thì các DN nhỏ và vừa sẽ gặp khó khăn gấp nhiều lần. Các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp cổ phần tuy quy mô còn nhỏ nhưng số lượng rất nhiều (chiếm trên 95% tổng số DN trong cả nước), rất năng động và rất có điều kiện để phát huy trên địa bàn của từng địa phương, lực lượng tạo việc làm lớn nhất, nhưng “hiện nay đang rất khát vốn”, đang phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt ba năm qua và đặc biệt trong năm 2011.

Các Đại biểu (ĐB) cũng muốn Chính phủ nhìn thẳng thực trạng là đa số các DNNVV đang ở trong tình trạng “sống dở, chết dở” để có thêm các hỗ trợ tích cực hơn. “Nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15%/năm và lạm phát xuống dưới 10%/năm thì e rằng phần lớn số DN này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế”, ĐB Mai Trung Tín (Bình Dương) đề nghị.

Cảm thông với những khó khăn mà các DN đang phải đương đầu, ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) đề nghị cần có những giải pháp mạnh hơn về vốn để đẩy mạnh tiếp tục phát triển các loại hình DN gắn với phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thu ngân sách. ĐB Cự “kêu gọi” các ngân hàng “đồng hành với các DN, phải giảm bớt một phần lợi nhuận, các ngân hàng đều báo cáo là lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng thì chia sẻ để cùng cộng đồng DN phát triển, tất cả đều tồn tại, xã hội đều phát triển”.
Trong khi đó, chi phí không chính thức của DN và người dân trên thực tế không giảm đi mà còn gia tăng. Lương công chức thấp được coi là một trong những nguyên nhân chính cho tình trạng này. “Nhưng liệu Chính phủ có thể tăng lương đến mức phù hợp được không với ngân sách thâm hụt liên tục như hiện nay?”, ĐB Tín lo ngại.

Một mâu thuẫn trong chủ trương tinh giản biên chế và yêu cầu công việc cũng đã được chỉ ra. “Chúng ta liên tục nói về tinh giản biên chế hơn 20 năm qua, con số giảm thực sự theo chúng tôi là không nhiều, trong khi phát biểu của các ĐB từ các cơ quan chức năng trong cả ngày hôm qua nhắc nhiều đến việc thiếu người, thiếu lương, thiếu đầu tư, thiếu đào tạo, thiếu phương tiện…”. Nên giải quyết vấn đề “thiếu đủ thứ” này sao cho thật cơ bản là câu hỏi mà ĐB quan tâm.

Nhận thức rõ lý do để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% cho năm 2012 là để giải quyết việc làm, nhiều ĐB vẫn cho rằng, việc quan trọng hơn rất nhiều là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó.

Thep Phapluatvn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)