Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Mất” 3 tỷ đồng/ngày – ai chịu trách nhiệm?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi TPHCM loay hoay giải bài toán phủ 100% nước sạch cho các hộ dân, thì mỗi ngày, vẫn còn một lượng lớn nước sạch bị thất thoát một cách đáng tiếc.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn TPHCM tính đến cuối năm 2014 là 33,5%, tức 500.000m³/ngày. Theo các chuyên gia, tỷ lệ trên là rất cao. Thời gian qua, ngành cấp nước có nhiều dự án được Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… hỗ trợ với mục tiêu giảm thất thoát nước. Việc đầu tư giảm thất thoát nước là hết sức cấp thiết, nhưng đầu tư như thế nào để mang lại hiệu quả thực sự là vấn đề cần phải làm rõ.

Tỷ lệ nước thất thoát cao dẫn đến giá nước cao và cuối cùng người dân phải gồng trả. (Ảnh người dân huyện Cần Giờ sử dụng nước máy). Ảnh: THANH TÂM

Từ năm 2009 đến nay, Sawaco đã đầu tư 3.788 tỷ đồng cho công tác này và tiền thu lại từ nước không bị thất thoát là 2.043 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, đơn vị này dự kiến đầu tư 1.924 tỷ đồng và sẽ thu lại được 11.373 tỷ đồng. Thế nhưng, mỗi ngày có đến nửa triệu mét khối nước sạch chảy vào lòng đất, gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng/ngày (giá nước thấp nhất 5.300 đồng/m³, ngoài định mức 11.000 đồng/m³). Số tiền này người tiêu dùng phải “gồng” trả vào giá nước. Tỷ lệ thất thoát nước cao như vậy, trách nhiệm chính là thuộc về Sawaco.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM, nhận định: “Tỷ lệ thất thoát nước càng cao thì dẫn đến giá nước cao và cuối cùng người dân lãnh đủ. Muốn giảm thất thoát nước, trước hết phải xác định rõ nguyên nhân để khắc phục. Sawaco phải có lộ trình giảm thất thoát nước cụ thể, tập trung nguồn lực đầu tư mới hệ thống đường ống để giảm tối đa nguồn nước sạch bị thất thoát”.

Sawaco cho rằng, có hàng trăm nguyên nhân thất thoát nước, như hệ thống cấp nước có đến 500.000 – 600.000 mối nối, trong khi ở các đô thị khác, số lượng mối nối không quá 100.000; quá cũ kỹ, xây dựng cách đây hơn 30 năm, nhiều đường ống bằng thép, gang, bê tông được xây dựng từ thời Pháp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP không chung một đầu mối quản lý thống nhất, chưa có bản đồ công trình ngầm. Nhiều ống cấp nước bị cống thoát nước đè lên hoặc đi lồng vào nhau nên khi thi công đào đường lắp đặt, sửa chữa công trình hạ tầng kỹ thuật làm xì, bể ống… TPHCM hiện có hơn 3.350km đường ống, trong đó có tới 700km đường ống cũ kỹ, chưa kể 3.500km đường ống lẻ nối với các hộ dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính để thất thoát nước là do khâu quản lý yếu kém. Nếu thất thoát nước do những nguyên nhân của công ty cấp nước đưa ra như trên thì rõ ràng 100% lỗi là do đơn vị này. Tại sao các công ty cấp nước thu tiền nước mà vẫn sử dụng ống cũ, mục; thu tiền của khách hàng sao không sửa chữa đường ống?

Theo Quy hoạch cấp nước TPHCM tại Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 19-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ thất thoát nước sạch trên địa bàn TPHCM đến năm 2015 là 32%, năm 2025 là 25%. Tuy nhiên, ngành nước đặt mục tiêu rút ngắn thời gian giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch, phấn đấu đến năm 2019 tỷ lệ thất thoát dưới 25%.

Giải pháp ưu tiên hàng đầu của Sawaco là phân vùng, tách mạng bằng cách thiết lập các DMA, tức là chia nhỏ nhiều khu vực với quy mô từ 1.000 đến 3.000 đồng hồ nước để kiểm soát. Sawaco cũng sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như hệ thống quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng GIS; trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật phục vụ giảm thất thoát nước và quản lý mạng lưới như: thiết bị dò tìm rò rỉ, định vị GPS; thay thế đường ống cũ, mục… 

Điều đáng nói là những giải pháp trên đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Và mỗi ngày, hơn nửa triệu mét khối nước sạch vẫn cứ thế chảy vào lòng đất…

Theo Nguyễn Quốc/ SGGP

 

Bình luận (0)