Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mất bao lâu để hồi phục khi gãy xương cẳng chân?

Tạp Chí Giáo Dục

Người bị gãy xương chày mất ít nhất 4-6 tháng để vết thương lành lại. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt nhiều biến chứng nguy hiểm trong quá trình hồi phục.
Theo Học viện Phẫu thuật chỉnh hình Mỹ, xương chày hay xương ống đồng (ống chân, cẳng chân) là loại xương dài, dễ gãy nhất trong cơ thể. Gãy xương ống đồng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của ống chân, kéo dài từ đầu gối xuống đến trên mắt cá chân.
Cẳng chân được tạo thành từ hai bộ phận là xương chày và xương mác. Trong đó, xương chày chiếm diện tích lớn hơn, có nhiệm vụ hỗ trợ phần lớn trọng lượng cơ thể và là phần quan trọng của khớp gối, khớp mắt cá chân.
Va chạm xe, thi đấu thể thao cũng có thể khiến xương chày bị gãy. Trong nhiều trường hợp, xương mác sẽ bị ảnh hưởng khi xương chày gặp phải chấn thương.
Phân loại
Gãy xương chày, xương mác thường được phân loại tùy thuộc vị trí gãy (xa, giữa, gần); hình dạng vết gãy. Dựa trên những yếu tố đó, gãy xương chày, xương mác được chia thành 5 loại:
– Gãy ngang: Vết gãy là một đường thẳng nằm ngang, đi qua trục xương chày.
– Gãy xiên: Vết thương có đường xiên ngang trục.
– Gãy xoắn ốc: Đường đứt gãy bao quanh trục như các đường sọc, nguyên nhân là lực xoắn gây ra, đây cũng là loại phổ biến của các cầu thủ, va chạm khi chơi thể thao.
– Gãy thành 3 mảnh trở lên.
– Gãy hở/kép: Các mảnh xương nhô ra qua da hoặc xiên vào nhau. Loại này thường gây nhiều tổn thương cho các cơ, gân và dây chằng xung quanh. Bệnh nhân có biến chứng cao hơn, đặc biệt là nhiễm trùng, mất nhiều thời gian để chữa lành.
Khi bị gãy xương cẳng chân, bệnh nhân sẽ không thể đi lại, biến dạng ống chân. Nếu gãy hở, phần xương sẽ nhô ra trên da tại vị trí chấn thương. Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ phải chịu nhiều đau đớn, mất cảm giác ở bàn chân.
Từ trái qua phải là các loại chấn thương cẳng chân
Từ trái qua phải là các loại chấn thương cẳng chân: Gãy xoắn ốc, gãy thành nhiều mảnh, gãy xương hở, xuyên qua da.
Điều trị
Tùy từng tình trạng, mức độ mà bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách không phẫu thuật hoặc phẫu thuật.
Điều trị không phẫu thuật phù hợp với những người không thể đáp ứng phẫu thuật do sức khỏe kém, ít hoạt động, bị gãy xương kín, tình trạng không quá nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ dùng thanh nẹp để cố định phần chân bị gãy. Không giống bó bột, thanh nẹp có thể thắt chặt hoặc nới lỏng để cho phép can thiệp vết thương nếu có diễn biến khác thường.
Sau khi hết sưng, bệnh nhân có thể được chỉ định bó bột trong vài tuần rồi thay thế bằng nẹp chức năng và dây buộc. Nẹp sẽ bảo vệ và hỗ trợ chân đến khi lành, bệnh nhân có thể đi lại, vận động mà không gặp vấn đề đáng lo.
Với bệnh nhân gãy xương chày, mác hở, nhiều mảnh xương, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được đóng đinh nội tủy bằng titan. Đây là phương pháp được sử dụng trong hầu hết ca phẫu thuật chấn thương, gãy xương chân. Thanh titan sẽ đi qua chỗ gãy để cố định, vít vào xương ở cả hai đầu.
Ở bên ngoài, bệnh nhân cũng được cố định bằng ghim hoặc vít kim loại, gắn vào thanh bên ngoài da để giữ cho khung xương ổn định, lành trở lại.
Bệnh nhân gãy xương chày, mác phải mất ít nhất 4-6 tháng để vết thương lành lại
Bệnh nhân gãy xương chày, mác phải mất ít nhất 4-6 tháng để vết thương lành lại.
Hầu hết trường hợp gãy trục xương chày, xương mác phải mất ít nhất 4-6 tháng để chữa lành. Tuy nhiên, một số trường hợp mất nhiều thời gian hơn, đặc biệt là nạn nhân bị gãy xương hở, gãy thành nhiều mảnh hoặc có tiền sử hút thuốc.
Nhưng vấn đề của bệnh nhân gãy xương cẳng chân không chỉ nằm ở việc xương lành lại mà còn là đau đớn hậu chấn thương, các biến chứng có thể gặp phải.
Các bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân giảm đau bằng thuốc. Sau đó, người bệnh bắt đầu bước vào giai đoạn tập vật lý trị liệu. Giai đoạn này phụ thuộc vào thể lực và mức độ đáp ứng của từng người.
Bệnh nhân mất sức mạnh cơ bắp ở vùng bị thương nên các bài tập vật lý trị liệu rất quan trọng. Nó giúp khôi phục sức mạnh của cơ, cử động khớp linh hoạt. Các bài tập cũng làm giảm cơn đau hậu phẫu.
Gãy xương chày, xương mác có thể gây thêm nhiều biến chứng nguy hiểm. Các đầu của xương gãy thường sắc nhọn và có thể làm rách cơ, dây thần kinh, mạch máu xung quanh.
Nạn nhân có thể gặp hội chứng khoang cấp tính – tình trạng đau đớn xảy ra khi áp lực trong cơ tăng lên quá mức. Áp lực này có thể giảm lưu lượng máu, ngăn cản quá trình nuôi dưỡng oxy đến các tế bào thần kinh, cơ. Nếu không được giải tỏa áp lực nhanh chóng, bệnh nhân có thể bị thương tật vĩnh viễn.
Gãy hở làm xương tiếp xúc trực tiếp môi trường bên ngoài. Ngay cả khi được phẫu thuật, làm sạch, xương cũng có thể bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng xương rất khó điều trị và thường phải phẫu thuật nhiều lần, dùng kháng sinh dài ngày.
NT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)