Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mặt khuyết của chỉ tiêu thi đua

Tạp Chí Giáo Dục

Kết thúc năm học 2016-2017, tôi có tham dự một buổi họp phụ huynh học sinh (PHHS) cho cháu mình. Buổi họp thông báo kết quả học tập của tất cả HS do cô chủ nhiệm tổ chức. Trong khi chờ đợi đến giờ họp, cô chủ nhiệm chưa vào, điều đầu tiên làm cho tôi thảng thốt là kết quả học tập của các HS được ghi trên bảng. Lớp sỉ số 42 HS nhưng có đến 32 cháu đạt HS giỏi (76,2%), 10 cháu khá (23,8%), hoàn toàn không có HS trung bình hay yếu kém. Tất nhiên, với kết quả tuyệt vời như thế thì thầy cô, PHHS nào cũng cảm thấy hãnh diện, vui mừng. Tuy nhiên, với tôi, đọng lại câu hỏi to tướng trong đầu là “liệu có nên vui hay nên lo khi một lớp học gần 80% HS giỏi?”.

Ai cũng biết, kết quả học tập của một lớp học, phải có HS giỏi, khá, yếu… Chính vì vậy mới có những thang xếp loại học tập. Là người đã từng trải qua thời đi học phổ thông (ngày trước xếp hạng) và giờ công tác trong ngành giáo dục, tôi hiểu được việc học tập không phải dễ dàng gì. Nếu như là một trường điểm, trường chuyên, với kết quả học tập như vừa nêu trên thì không đáng để bàn. Còn đây là lớp học ở một ngôi trường bình thường, thì mỗi HS có một sức học khác nhau. Chứ sao lại toàn là HS giỏi? Như thời của tôi học, HS được nằm trong “top 5” (từ hạng 1 đến hạng 5) phải nỗ lực hết mình, cực kỳ cần cù, thông minh lắm mới đạt được điểm trung bình trên 8. Còn bây giờ, điểm trung bình như thế là tầm thường. Nếu vậy, việc đánh giá kết quả học tập của HS kiểu này có còn hữu dụng? Vì nếu cứ như thế thì làm sao HS phấn đấu vươn lên để trội hơn bạn mình, thể hiện năng lực cạnh tranh?

Tôi đem câu chuyện cả lớp đa số là HS giỏi về hỏi cháu: “Lớp con ai cũng học giỏi thế hả?”. Cháu ngây thơ trả lời: “Con thấy có bạn học cũng tệ lắm”. Không riêng gì lớp của cháu tôi mà rất nhiều lớp học trung bình hiện nay, kết quả học tập của HS đa phần đều xếp loại giỏi (có lớp giỏi hoàn toàn). Điều đó PHHS có quyền nghi ngờ về việc xếp loại học tập. Thực tế cho thấy, với việc chạy đua chỉ tiêu ở một số trường hiện nay, nhiều giáo viên “buộc” phải nâng kết quả học tập của một số HS. Cho nên mới có câu phiếm luận “HS bây giờ thi rớt còn khó hơn thi đỗ”. Như trong lớp cháu tôi, ngoài thông báo kết quả học tập còn kèm theo thành tích của lớp đạt được ở trường: đạt danh hiệu lớp tiên tiến nhất khối, lớp có 100% HS khá – giỏi, lớp có HS giỏi nhất khối… Đó là chưa nói, chỉ tiêu thi đua về thành tích học tập còn cạnh tranh trường với trường, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh…

Đồng ý rằng việc đề ra chỉ tiêu thi đua có mặt ưu là giúp các cá nhân, tập thể phấn đấu, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất chứ không thụ động, chây ỳ. Tuy nhiên, mặt khuyết của nó quá lớn. Với những chỉ tiêu mà trường hay sở, bộ đề ra đã gây áp lực lên cá nhân, tập thể. Từ đó dẫn đến việc gian dối ở một số trường hòng báo cáo thành tích ảo cho “bằng anh bằng chị”, không bị hạ bậc thi đua, được khen thưởng…

Theo tôi, đã đến lúc ngành giáo dục nên xóa bỏ chỉ tiêu thi đua trong học tập như thế. Đừng vì những chỉ tiêu trên trời như thế mà “giết” cả thế hệ HS. Hãy để cho HS học đúng với năng lực của mình, qua đó PH và thầy cô hiểu rõ mặt hạn chế của từng HS mà cố gắng trui rèn thêm cho kết quả học tập tốt đẹp. Đồng thời, cho giáo viên dạy đúng với nghiệp vụ sư phạm, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Mọi chuyện cứ để nó diễn tiến tự nhiên theo thời gian. Học là để thu nạp kiến thức, kỹ năng sống, tạo tiền đề cho việc lao động giúp ích xã hội trong tương lai chứ không phải vì những bằng khen, những con số điểm 10, những học lực khá giỏi.

Nguyn Thanh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)