Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mắt lé có thể gây mù

Tạp Chí Giáo Dục

BS Bệnh viện Mắt đang khám cho trẻ bị lé. Ảnh: T.L
Mắt lé (lác) là dị tật ở mắt do lệch trục nhãn cầu; thường mọi người chỉ lưu ý về mặt thẩm mỹ của nó mà xem nhẹ những ảnh hưởng xấu khó có thể hồi phục từ dị tật này, theo BS. Bùi Thị Thu Hương, Bệnh viện Mắt TP.HCM thì mắt lé còn liên quan đến nguy cơ mù lòa.
Thiệt thòi mắt lé
Sinh ra được một tháng, bé Thoại Miêu – con vợ chồng anh Tư Sáng ngụ ở P.1 TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp được nhiều người xuýt xoa với cặp mắt to tròn và đen láy. Tuy nhiên, bé có tật lé kim vì hai mắt nhìn không đều. Theo anh Sáng, chuyện mắt lé là do… trời nên đành phải chịu.
BS. Bùi Thị Thu Hương, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, lé là tình trạng nhãn cầu mắt bị lệch ra ngoài hoặc vào trong và có thể xảy ra ở một mắt hay cả hai mắt. Xét về mặt khoa học, lé là do cơ chế chi phối bị rối loạn mà cụ thể là sự điều hòa giữa các cơ trực và cơ chéo không cân bằng làm cho nhãn cầu không tụ về một hướng. Nếu quan sát kỹ, trong thực tế khi nhìn về một hướng, cặp mắt của con người phải cân xứng sau khi đưa qua đưa lại. Ngay khi mới chào đời, nhiều đứa trẻ đã bị tật lé mắt như trường hợp bé Thoại Miêu mà nguyên nhân chính là do bẩm sinh chứ không phải do môi trường. Những trường hợp đó được xếp vào loại lé bẩm sinh. Nếu lé bẩm sinh xuất hiện từ 1 đến 2 tuổi thì lé muộn là những đứa trẻ khi đã ngoài 2 tuổi mới bị tật “hai mắt không chịu nhìn về một hướng”.
Từ trước tới nay, người ta vẫn quan niệm tật lé mắt là do “trời sinh ra sao thì chịu vậy”. Vì thế, rất nhiều đứa trẻ mặc cảm với tật mắt của mình nên ảnh hưởng nhiều đến sự thiếu tự tin trong giao tiếp và sinh hoạt. Trẻ thường bị người khác, đôi khi cả người thân trong gia đình chế giễu gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý. Nhiều trẻ lớn lên, biết mình có tật về mắt nhưng không có người tư vấn và giúp đỡ đành chấp nhận sự thiệt thòi cho đến hết cuộc đời. Theo đánh giá của khoa học, mắt lé có liên quan đến tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và cả loạn thị. Khi hình ảnh thu nhận của 2 mắt không khớp thì dễ dẫn đến những khó khăn trong việc quan sát. Đây chính là nguy cơ gây cho người mắt lé “xích lại gần hơn” với tật khúc xạ. Mặc dù ba mẹ không bị cận thị, nhưng sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, bé Thoại Miêu đã phải đeo kính 0,5 độ và sau đó tăng lên 1 độ.
Có thể gây mù
Giàu hai con mắt khó hai bàn tay, nếu không chữa trị kịp thời thì tật mắt lé không chỉ ảnh hưởng xấu về mặt thẩm mỹ mà còn gây nguy cơ tật khúc xạ và mù lòa như cảnh báo của các BS chuyên khoa.
Gần đây, khoa học cũng đã chứng minh, mắt lé nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách cũng sẽ dẫn đến nguy cơ mù mắt cũng như các bệnh tật khác liên quan đến nhãn cầu. Đó là câu chuyện của cô giáo Lê Thị Thanh Trúc – Trường THPT Bố Trạch, Quảng Bình tuy hồi trẻ mắt bị lé kim nhưng khi về già bị tật khúc xạ và đến nay hai mắt hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng. Nỗi lo của cô Trúc bây giờ không phải là số phận của mình mà là tương lai phía trước của cậu con trai út, tuy chưa bị cận thị nhưng đôi mắt đang thừa hưởng gen di truyền của mẹ.
BS. Phan Thị Minh Nguyệt – Khoa Mắt (Bệnh viện TP.Vinh) nói, bệnh lé có thể chữa được nhưng trong thực tế các phụ huynh rất ít quan tâm vì cho rằng, đây là tật nhược thị chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Đó là một quan niệm cần phải nhìn nhận lại. Theo BS. Nguyệt, trẻ từ 2 đến 5 tuổi nếu bị lé cần được phát hiện và chữa trị kịp thời vì đây là giai đoạn đem lại nhiều thành công nhất. Ngoài phẫu thuật, tật mắt lé có thể được kéo giảm bằng vật lý trị liệu với máy chỉnh quang. Điều đó có nghĩa là càng lớn tuổi dị tật lé mắt càng chữa trị khó khăn hơn.
Quang Phan
Trẻ bị lé thường gặp khó khăn trong học tập
TS.BS Nguyễn Thị Xuân Hồng, Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2014, bệnh viện đã khám cho hơn 2.600 lượt trẻ bị lé, trong đó có 321 ca đủ điều kiện để mổ. Riêng năm 2013, số lượt trẻ đến khám xấp xỉ 18.000 ca, nhưng chỉ gần 2.300 ca được mổ. Một trong những nguyên nhân trẻ không được mổ là do gia đình khó khăn hoặc do trẻ nhập viện quá trễ. Trẻ bị lé thường gặp khó khăn trong học tập như viết không thẳng hàng, học không tốt các môn hình học, dễ trượt chân xuống bờ sông, ao hồ. Mặt khác, mắt lé không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn khiến tâm lý của trẻ bị tổn thương khi bị bạn bè trêu chọc. Trẻ sẽ càng trở nên rụt rè, tự ti hoặc hung hăng hơn.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)