Nhiều người quan niệm rằng “lé mắt” sẽ tự hết sau một thời gian nhưng theo TS.BS Nguyễn Thị Xuân Hồng (Trưởng phòng Khám lé, Bệnh viện Mắt TP.HCM) thì lé mắt là một bệnh lý cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.
Trước khi khám mắt lé, bệnh nhi cần phải kiểm tra khúc xạ |
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Bệnh viện Mắt TP.HCM mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám lé, nhưng phần lớn là các bé dưới 10 tuổi. Bởi đây là lứa tuổi dễ phát hiện bệnh và khả năng phục hồi cao nhất. TS.BS Xuân Hồng cho biết: “Thông thường đối với lé bẩm sinh thì sẽ được chỉ định mổ trước 2 tuổi. Đối với Bệnh viện Mắt TP.HCM thì chỉ chỉ định mổ lé ở các bé từ 20-22 tháng tuổi”. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên lé, tùy theo nguyên nhân mà có phương pháp điều trị thích hợp. Không nhất thiết phải phẫu thuật. Ví dụ, lé do tật khúc xạ nếu được điều trị sớm chỉ cần đeo kính sẽ giải quyết được tình trạng lé, còn lé do viêm cơ hoặc thần kinh sau khi điều trị viêm, lé sẽ tự hết…”. Lé là bệnh lý thần kinh – cơ, không di truyền theo gen nhưng trong gia đình có thể có nhiều người cùng bị và không có khả năng phòng ngừa. Gặp chị Nguyễn Thị Yến Anh (ngụ quận Gò Vấp) đưa con đi khám lé tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, chị chia sẻ: “Bé nhà tôi được 5 tuổi khi xem ti vi tôi có cảm giác bé bị lé, sau đó tôi nhắc nhở thì bé nhìn thẳng lại. Mọi người cũng bảo bé bị lé như vậy nó sẽ tự hết khi lớn nhưng vì là con gái tôi sợ sau này ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cháu nên tôi đưa đi khám”. Lé mắt gồm ba nhóm, nhóm lé ngang (lé trong, lé ngoài), lé đứng (đứng trên và đứng dưới), lé xoáy (xoáy trong và xoáy ngoài). Ngoài ra còn có các dạng kết hợp giữa ba nhóm lé trên. Lé có hai nguyên nhân chính là bẩm sinh hay vì nguyên do nào đó. Bẩm sinh là những trường hợp lé xảy ra sớm trước 6 tháng tuổi, lé có nguyên do xảy ra muộn hơn có thể là hậu quả của mắt nhìn kém lâu ngày như: tật khúc xạ (cận, viễn thị) mà không đeo kính, các tổn thương mắt làm giảm thị lực nặng, kéo dài. TS.BS Xuân Hồng nhấn mạnh: “Dù ở nguyên nhân nào thì bệnh lé cũng cần phải được phát hiện và điều trị sớm. Đã gọi là bệnh thì sẽ không tự hết như người ta vẫn thường nghĩ. Nếu như không khám và điều trị thì nó sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy”.
Lé gây nguy hiểm
TS.BS Xuân Hồng chia sẻ: “Lé nếu không điều trị ngoài mất thẩm mỹ còn dẫn đến các tổn hại chức năng rất nặng nề như ảnh hưởng thị lực, mắt lé thường xuyên có thể giảm thị lực đến mù, ảnh hưởng hợp thị hai mắt, trẻ không phân biệt được khoảng cách, không nhìn được hình nổi nên việc khám và điều trị sớm trẻ lé rất quan trọng. Lé không chỉ là biểu hiện của bệnh lý cơ vận nhãn mà còn là biểu hiện của một số các bệnh về mắt nguy hiểm. Ví dụ như ung thư nguyên bào võng mạc, bệnh glôcôm hoặc một số bệnh về đáy mắt. Nếu lé đơn thuần thì chỉ ảnh hưởng đến thị giác, không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu lé do những nguyên nhân bệnh lý, có thể do ung thư thì vô cùng nguy hiểm”. Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp lé mắt không được điều trị sớm dẫn đến mắt bị mù hay khả năng thị lực còn rất ít.
“Ngoài ảnh hưởng đến chức năng thị giác, ảnh hưởng thẩm mỹ thì các bé bị lé sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý nặng nề. Các bé bị lé thường bị mọi người xung quanh nhìn với con mắt khác thường và đôi khi còn bị bạn bè chọc ghẹo. Như vậy với một số bé, nếu điều này xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển tâm lý. Bé nào thuộc tuýp thần kinh yếu sẽ càng thu mình lại, ngược lại bé thuộc tuýp thần kinh mạnh sẽ trở nên hung bạo hơn”, TS.BS Xuân Hồng cho biết. |
Có một số bài tập cơ giúp các cơ vận nhãn tăng trương lực hoặc giảm co thắt nhưng đây chỉ là phương pháp hỗ trợ phương pháp điều trị chính. Các phương pháp điều trị lé gồm đeo kính, tập nhược thị và phẫu thuật. Nếu điều trị sớm sẽ có kết quả tốt. Tất cả các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) nếu không được chỉnh kính đúng và sớm đều gây nên lé. Để phòng ngừa tật khúc xạ đưa đến lé cần cho bé đi khám ở các cơ sở uy tín, các phòng khám nhãn nhi, đeo kính đúng độ và sớm theo đúng chỉ định chuyên môn. TS.BS Xuân Hồng cho biết thêm: “Thuốc bổ mắt thật ra không có công dụng như nhiều người vẫn nghĩ, bạn không nhất thiết phải dùng, chỉ cần cho trẻ ăn uống đúng bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng là được. Việc ăn uống đầy đủ khoa học là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tật”.
TS.BS Xuân Hồng nhấn mạnh: “Ngoài ảnh hưởng đến chức năng thị giác, ảnh hưởng thẩm mỹ thì các bé bị lé sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý nặng nề. Các bé bị lé thường bị mọi người xung quanh nhìn với con mắt khác thường và đôi khi còn bị bạn bè chọc ghẹo. Như vậy với một số bé, nếu điều này xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển tâm lý. Bé nào thuộc tuýp thần kinh yếu sẽ càng thu mình lại, ngược lại bé thuộc tuýp thần kinh mạnh sẽ trở nên hung bạo hơn”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Bình luận (0)