Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Mất mạng, hoại tử chân tay vì ăn tiết canh lợn

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đây, Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng do ăn tiết canh lợn. Trong đó, có người đã tử vong, có người bị cưa chân tay.
Các bệnh nhân đều là nam giới, đến từ các địa phương khách nhau, cùng có biểu hiện bệnh sau khi ăn tiết canh lợn. Trong số các bệnh nhân nhập viện dịp Tết Nguyên đán 2017, nặng nhất là bệnh nhân nam 63 tuổi ở Nam Định. Theo các bác sĩ, bệnh nhân này ăn tiết canh lợn trong ngày 30 tết. 2 ngày sau ăn thì bị sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử trên da. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nam Định, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nằm điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư /// Ảnh: Ngọc Thắng
Bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nằm điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư – Ảnh: Ngọc Thắng

Hiện Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 2 bệnh nhân ngụ tại Bắc Ninh và Ninh Bình, bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Bệnh nhân sống ở Bắc Ninh ăn tiết canh lợn vào dịp sát tết, khoảng 3 ngày sau đó bị sốt cao, đau đầu. Một bệnh nhân khác ngụ tại H.Hậu Lộc (Thanh Hóa) mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn mán trong buổi liên hoan tất niên. Sau khi điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư, do di chứng, anh này phải chuyển sang Bệnh viện Việt Đức phẫu cắt gần hết các ngón tay, ngón chân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết: “Liên cầu lợn tồn tại ở cả lợn khỏe mạnh. Nếu ăn thịt lợn tái, sống, tiết canh lợn đều có nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm này”. Theo bác sĩ Cấp, trường hợp được cứu sống, bệnh có thể để lại di chứng như điếc, phải cắt cụt chi do nhiễm khuẩn gây hoại tử chi.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, bệnh hay gặp nhất do liên cầu lợn là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, tỷ lệ tử vong cao. Người bị nhiễm liên cầu lợn được đã được chữa khỏi vẫn có thể bị nhiễm lại. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nguy hiểm này. “Để phòng bệnh, người dân không được ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, thịt có xuất huyết hoặc phù nề”, ông Phu khuyến cáo. Ông Phu cũng lưu ý, những người chăn nuôi và giết mổ lợn, chế biến thịt lợn cần sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ; thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại trừ vi khuẩn trên bề mặt da, đặc biệt trong trường hợp có các vết thương, trầy xước là điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập.

Nam Sơn – Thúy Anh  (TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)