Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mất mùa, lan Đà Lạt tăng giá chóng mặt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mức tăng giá mạnh nhất, đến 200% tới đây thuộc về những chủng loại địa lan phổ biến như xanh thơm, tím hột… Trong khi đó những loại quý hiếm và đắt giá như cam lửa, vầng trăng (còn được gọi là hoàng lan và đỏ lửa) mức tăng thấp hơn chút ít.
Thị trường hoa lan trước Tết Nguyên đán 1 tháng vẫn khá trầm lắng. Điều này thể hiện ở sự vắng bóng các quầy chuyên doanh trên các phố như thường lệ. Ngay tại chợ hoa đầu mối là Quảng An hay phố sinh vật cảnh Hoàng Hoa Thám các loại lan mới, phục vụ dịp Tết vẫn chìm khuất.
Các loại lan mới, phục vụ dịp Tết vẫn chưa về. (Ảnh: N.N)
Giới kinh doanh cho biết, thường phải từ đầu tháng 12 âm lịch đến mùng 9-10/12 trở ra, hoa lan mới được bày bán xôm tụ. Mặt khác, nhu cầu, sức mua của người dân năm nay có vẻ chậm, nếu năm ngoái lượng mua đã bắt đầu tăng thì hiện tại “chưa thấy gì” nên các nhà vườn khá “bình chân”.
Tuy nhiên, khi được hỏi về tình hình giá cả thị trường năm nay, tất cả các nhà vườn lớn đều chung một nhận xét đó là nguồn hàng từ Đà Lạt nói riêng và trong nước nói chung đang tăng rất cao. 
Chủ quầy hoa cây cảnh Giang Nam trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết, so với năm ngoái, các loại địa lan như hoàng yến, lan xanh, lan đỏ lửa giá đã tăng gấp đôi.
Nếu một cành lan hoàng yến về đến Hà Nội năm ngoái có giá 190-200.000 đồng/cành thì năm nay giá tại Đà Lạt đã hơn 300.000 đồng, ra đến Hà Nội giá phải trên 400.000 đồng/cành. 
Tương tự, lan đỏ lửa năm ngoái giá về đến Hà Nội dao động từ 800-900.000 đồng/cành thì năm nay phải lên đến 1,2-1,5 triệu đồng/cành – chủ quầy Giang Nam ước tính.
Kế đó vài bước chân, chị Nguyễn Thị Tuyên, chủ vườn cây cảnh số 567 Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Hồi đầu vụ, chúng tôi đã có đôi ba người vào Đà Lạt tham khảo giá cả thị trường thì thấy giá biến động tăng mạnh. Vì thế lượng nhập năm nay chắc chắn sẽ giảm đến 50% so với năm ngoái”.
Không chỉ các quầy trên đường Hoàng Hoa Thám mà tại chợ Quảng An, chủ các nhà vườn như Mạnh Thắng, Hoàng Lan cũng cho biết, giá địa lan trong nước tăng cao trong khi hàng xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan do nguồn cung dồi dào, giá cả vẫn giữ nên khả năng tỷ trọng hàng nhập ngoại tới đây phải chiếm 60-70% thị phần địa lan tại Hà Nội.
Giá cao không chỉ vì mất mùa  
Cùng với xu hướng chơi hoa sang ngày Tết những năm gần đây, địa lan Đà Lạt đã trở thành mặt hàng rất được ưa chuộng tại Hà Nội. So với hàng cùng loại xuất xứ Trung Quốc, lan Đà Lạt nói riêng thường ưu trội hơn hẳn từ hình thức, độ bền cũng giá thành. 
Thời tiết bất ổn, lại là năm nhuận nên lan nở sớm và nở không đồng bộ, nguồn cung mặt hàng này cho Tết Nguyên đán được cho chỉ bằng 50% của năm ngoái (Ảnh: N.N)
Theo đó, khách hàng chọn mua đa số là những người kỹ tính, có điều kiện về kinh tế với mức chi phổ biến từ 2-2,5 triệu đồng/chậu (từ 3-7 cành tùy loại); nếu mục đích là biếu, tặng thì số tiền còn lên tới cả chục triệu đồng.
Nhu cầu của thị trường là vậy nhưng nguồn cung địa lan từ Đà Lạt nhìn chung vẫn được đánh giá là không đáp ứng được. Nhất là năm nay do thời tiết bất ổn, lại là năm nhuận nên lan nở sớm và nở không đồng bộ, nguồn cung mặt hàng này cho Tết Nguyên đán vì vậy được cho chỉ bằng 50% của năm ngoái.
“Lan Đà Lạt năm nay thực sự mất mùa. Giá cả tại đây bán ra đã tăng hơn cùng kỳ chừng 20-40% tùy loại” – ông Đoàn Văn Quỳnh – chủ vườn lan Anh Quỳnh, số 44B, Vạn Kiếp, Đà Lạt – một người kỳ cựu trong nghề trồng và kinh doanh địa lan, chuyên bán buôn cho các đầu mối ở Hà Nội chia sẻ.
Cụ thể, giá loại lan phổ thông như xanh thơm bán ra tại các nhà vườn năm ngoái dao động ở mức 200-250.000 đồng/cành (tùy chất lượng) thì giá năm nay đã là 250-400.000. Loại quý hiếm như cam lửa từ mức 700.000 đồng/cành năm ngoái thì nay đã là 900.000-1.000.000 đồng; lan vầng trăng cũng từ 500.000 đồng lên mức 500-700.000 đồng/cành. 
Giá bán buôn chênh so với cùng kỳ từ 20-40% như vậy nhưng giá đến tay người tiêu dùng tại Hà Nội theo thông tin từ các thương lái, loại lan phổ thông phải vọt lên gấp đôi so với giá mua buôn thì giới kinh doanh mới có lãi. 
Trong khi đó, loại đắt tiền như cam lửa hoặc vầng trăng, do mức giá mua buôn đã rất cao nên giá bán đến tay người tiêu dùng khó có thể tăng gấp đôi từ 1 triệu lên 2 triệu đồng/cành được. 
Nhìn nhận về mức giá đến tay người tiêu dùng tăng gấp đôi kể trên, một lãnh đạo Công ty hoa Đại Việt tại Đà Lạt cho rằng, các khâu trung gian, trong đó có khó khăn từ khâu vận chuyển mới là nguyên nhân đẩy giá thành lên gấp rưỡi, gấp đôi vào dịp Tết.
“Dù nguồn cung giảm sút nhưng chính sách của các công ty, các nhà vườn lớn thường không bao giờ tăng quá cao, gây đột biến. Lợi nhuận thu được từ việc điều chỉnh giá kể trên của các nhà sản xuất là không bao nhiêu hết” – vị này nói.
Nguyễn Nga / Vietnamnet

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)