Cuối tuần qua, một nhóm học sinh (HS) cũ thời tiểu học đến nhà thăm tôi. Các em đều đang học lớp 10 ở các trường THPT trong thành phố. Sau những lời thăm hỏi thì chuyện trường mới, lớp mới đã được các em tranh nhau kể cho tôi nghe. Ngoài những chuyện vui, chuyện tốt ở trường, tôi cứ băn khoăn mãi về hai thầy cô mà các em bảo rằng: “Không còn tin được nữa!”.
Em A. kể lớp em đầu năm học rất vui vì đa số các bạn hiếu động và rất hòa đồng. Thế là ngay từ đầu năm, những trò nghịch phá, những chuyện bao che lỗi lầm trong học tập, sinh hoạt của các bạn trong lớp đã làm giáo viên chủ nhiệm phiền lòng vì lớp luôn đứng hạng thi đua kém, bị nhiều thầy cô bộ môn than phiền. Cô chủ nhiệm đã dùng biện pháp “chia rẽ để trị”. Theo đó cô mời từng bạn lên làm việc. Rồi sau đó, cô nói với bạn X. là bạn Y. nói với cô như thế này và nói với bạn Y. là X. nói với cô như thế đó… Cô giao cho nhóm HS này theo dõi, báo cáo cô những việc làm của nhóm HS kia. Em A. nói: ““Ăng-ten, tay chân” của cô chủ nhiệm khắp nơi. Bạn nào làm gì cô cũng biết. Tiết sinh hoạt lớp là thời gian khủng khiếp nhất, cô đem từng hành động, lời nói của HS ra phê bình, kiểm điểm. Bây giờ trong lớp, không ai dám chơi thân với ai, không ai tin ai. Chán lắm thầy ơi, em chỉ chơi với bạn khác lớp hay bạn cũ ở THCS mà thôi”.
Tương tự, em B. thì kể, cuối học kì I, thầy dạy môn văn của lớp em cho HS viết nhận xét về… thầy. Thầy yêu cầu HS viết trung thực ý kiến của mình. Nghe lời, các bạn trong lớp hồ hởi ghi những nhận xét thẳng thắn về thầy. Ngoài những lời khen thầy như: “Yêu thương HS”, “Thầy rất quan tâm đến HS yếu”… thì cũng có một số ý kiến rất xác đáng: “Thầy dạy chưa sinh động”, “Tiết dạy của thầy đọc, chép nhiều quá”… Không biết vô tình hay cố ý, các tiết học sau, những lời phê bình của các bạn trong lớp đã được thầy đem ra “chì chiết” khi có dịp như: “Muốn lớp học sinh động phải không? Sắp tới tôi cho các em tự lên thuyết trình bài học, rồi nhớ mà tranh luận nhiều vô… cho sinh động”, hay “Lớp lười, dốt, không đọc chép để học thì ở lại lớp cả đám hả?”… Dù thầy không hề nói bạn nào viết các câu phê bình ấy nhưng những bạn trung thực viết theo yêu cầu của thầy đều “cúi mặt xuống bàn” khi thầy nói và bị các bạn khác cho là dại dột.
Qua lời các em kể, tôi nghĩ, sao cô chủ nhiệm lớp của em A. không dựa vào những ưu điểm của lớp là hiếu động, đoàn kết, yêu thương nhau để hướng các em vào các hoạt động văn thể mỹ đem lại thành tích cho lớp và dựa vào những HS tốt, ngoan để khuyên nhủ, cảm hóa các em nghịch ngợm, chưa ngoan. Biện pháp “hữu hiệu” nhanh để cho lớp “tốt” như cô nghĩ đã làm HS trong lớp mất lòng tin vào bạn bè, vào ngôi trường mà các em chỉ vừa mới học vài tháng. Thầy dạy văn của em B. thì lại đáng trách hơn. Người ta thường nói: “Dạy văn là dạy làm người”, vậy mà thầy đã tự mình đánh mất lòng tin ở HS. Liệu những bài học trung thực, thật thà, thẳng thắn… mà thầy rút ra từ những bài giảng của mình, các em có tin không?
HS lớp 10 đang ở lứa tuổi tâm sinh lý có nhiều thay đổi để trưởng thành, cách giải quyết, xử sự của các thầy cô giáo như thế sẽ để lại ấn tượng không đẹp trong cuộc đời HS của các em.
Lê Phương Nhân Tâm
Bình luận (0)