Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Mất thị trường XKLĐ: Tự mình hại mình

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động xây dựng VN học nghề đi làm việc ở Qatar. Ảnh: C.T.V

Đánh giá cao những ưu điểm của lao động VN như cần cù, thông minh, thích ứng nhanh…, song các chủ sử dụng lao động lo ngại nhất là ý thức chấp hành pháp luật. Nhiều thị trường mới mở ra đã mất cũng do nhiều lao động VN có hành vi phạm pháp

Bộ LĐ-TB-XH đặt chỉ tiêu từ sau năm 2010 xuất khẩu hơn 100.000 lao động mỗi năm để đến năm 2015 có 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, rất khó thực hiện chỉ tiêu đề ra bởi trong hơn 10 năm qua, XKLĐ của VN chỉ quẩn quanh ở một số thị trường. Nhiều thị trường mới được mở ra, nhưng đáng tiếc đã phải ngừng, đóng cửa chỉ sau thời gian ngắn khai thác. XKLĐ VN đang tự mình hại mình, mà nổi cộm nhất là tình trạng vi phạm pháp luật gia tăng của người lao động.

Lao động “quậy”

Như Báo NLĐ đã thông tin, mới đây, Chính phủ Qatar chính thức ngừng gia hạn visa cho lao động VN. Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, lý do chủ yếu là do tình trạng lao động VN vi phạm pháp luật như đánh nhau, đình công trái luật, cho vay nặng lãi, đánh bạc, trộm cắp, nấu rượu lậu… ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.

Từ năm 2007, gần 10 doanh nghiệp (DN) tìm được những đơn hàng đầu tiên đưa lao động may công nghiệp, chế biến thực phẩm gia cầm sang Ba Lan làm việc. Tuy nhiên, theo một nguồn tin đáng tin cậy, trong khi số lao động xuất cảnh mới được vài chục người thì hiện tại, việc xin cấp visa cho lao động sang Ba Lan đang gặp trở ngại. Lý do theo giám đốc một DN là do lo ngại lao động VN bỏ trốn, vi phạm pháp luật. Cũng xuất phát từ lo ngại này mà cách đây chưa lâu, Chính phủ CH Czech quyết định tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh Czech đối với công dân VN.

Đáng tiếc nhất có lẽ là việc đóng cửa thị trường Anh. Còn nhớ ba DN gồm Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô VN – Vinamotor, Công ty Dịch vụ Du lịch – Dầu khí VN – OSC VN và Tổng Công ty Thép VN – VSC thí điểm đưa lao động sang Anh từ cuối năm 2005. Nhưng chỉ sau một năm, Chính phủ Anh quyết định không cho phép tiếp nhận lao động VN. Lý do là trong hơn 100 lao động được đưa sang Anh, hết hơn 90% đã bỏ trốn. Ngay cả ở những thị trường cũ trước đây, việc dừng, đóng cửa một số chương trình tiếp nhận lao động cũng thường xuyên xảy ra.

1.001 lý do vi phạm

Mặc dù đánh giá cao tính cần cù, chịu khó, thông minh, khả năng tiếp thu công nghệ, thích ứng nhanh công việc của lao động VN, nhưng ở hầu hết các thị trường, các chủ sử dụng lao động đều lo ngại về tính chấp pháp của họ. Ở thị trường Malaysia, lao động nam VN nổi tiếng với chuyện nấu rượu lậu, bắt chó chạy rông làm mồi nhậu. Theo ông Vũ Đình Toàn, Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, gần đây xuất hiện tình trạng một số lao động bất hợp pháp của VN cấu kết với lao động bất hợp pháp nước ngoài lập ra các băng nhóm tội phạm, chuyên đi cướp bóc, trấn lột những lao động đồng hương khác. Đây thực sự là mối nguy cho XKLĐ của VN vì hiện ở Qatar, cơ quan chức năng đang ráo riết truy lùng băng nhóm tội phạm gồm khoảng 50 người Việt, do những lao động bất hợp pháp câu kết lập ra và chuyên đi cướp bóc, trấn lột những lao động khác.

Trộm cắp được xem như một trong những vấn đề nhức nhối nhất của lao động VN ở nước ngoài. Trong hồ sơ thanh lý hợp đồng của Công ty Suleco, có khá nhiều trường hợp lao động trộm cắp bị cảnh sát bắt, tuyên phạt tù, bị trục xuất. Họ bị bắt vì vào cửa hàng, siêu thị lấy cắp cái khăn choàng cổ, đồng hồ, máy nghe nhạc… Ở Qatar và một số quốc gia khu vực Trung Đông, người lao động có đồng lương không cao, nhưng xài toàn điện thoại đời mới, đắt tiền. Hóa ra, họ có được là nhờ… trộm cắp nơi công cộng. Hoặc phổ biến là tình trạng lấy trộm vật tư xây dựng, nhất là dây đồng ở công trường rồi đem bán cho một số đầu nậu người Ấn Độ…

Về nước trước hạn: Khó tránh khỏi

Tỉ lệ lao động VN về nước trước hạn hợp đồng thường chiếm tỉ lệ cao nhất so với lao động các nước khác. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, từ đầu năm 2008 đến nay, tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã xảy ra gần 30 vụ đình công, lãn công, đánh nhau với lao động quốc tịch khác của lao động VN. Điển hình như vụ đình công của lao động VN tại Jordan kéo dài hơn một tháng và kết quả là trên 200 lao động phải về nước. Hay vụ đình công của 100 lao động tại Libya, 30 lao động bị trả về. Mới đây có vụ đình công của lao động nữ tại Nhà máy Polar Twin Advance và 25 lao động buộc phải rời khỏi Malaysia.

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, đúc kết: Hơn 80% lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay là lao động nông thôn. Thế nên, dù cố gắng cách mấy cũng khó tránh khỏi những rủi ro, phức tạp xã hội mà bản thân họ không lường hết hậu quả hoặc không đủ sức để tự uốn nắn, răn đe mình.

53.889 lao động phải về nước trước hạn

Tình trạng lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật như đánh nhau, trộm cắp, giết người… đang tiếp diễn ở một số thị trường, gây nên những vụ việc phức tạp. Ở Đài Loan, trong 8 tháng đầu năm 2008 có khoảng 2.546 lao động bỏ trốn; ở Hàn Quốc và Nhật Bản, trong 10 tháng đầu năm đều có trên 100 lao động bỏ trốn.

Đáng chú ý, số lao động vi phạm hợp đồng phải về nước trước hạn và số lao động vi phạm pháp luật nước sở tại có tỉ lệ tương đối cao. Tính từ năm 2003 đến nay có 53.889 lao động vi phạm hợp đồng phải về nước trước hạn; trong đó cao nhất là Đài Loan với 25.185 người, kế tiếp Malaysia 23.565 người.

(Nguồn: Cục Quản lý Lao động ngoài nước)

DUY QUỐC (nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)